Dòng sự kiện:
Chứng khoán điều chỉnh: bò mộng hay gấu?
08/02/2018 20:01:14
Sau một đợt tăng trưởng dài và mạnh mẽ, thị trường chứng khoán Mỹ đột ngột quay đầu vào cuối tuần qua và lao dốc trong “Ngày Thứ Hai đen tối” đầu tuần này - tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán toàn cầu.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai 5/2 tại Mỹ, chỉ số Dow Jones công nghiệp giảm 1.175 điểm, tương đương -4,6%, còn 24.345 điểm; chỉ số S&P 500 có tầm bao quát rộng hơn cũng giảm 113 điểm (-4,1%), còn 2.648 điểm và chỉ số công nghệ cao Nasdaq giảm 273,5 điểm (-3,8%), còn 6.967 điểm. Đây là mức giảm sâu nhất trong một phiên của các chỉ số này kể từ tháng 8/2011, khi mức độ tín nhiệm tín dụng của Mỹ bị hạ điểm và cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu bắt đầu. Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, Dow Jones cũng đã giảm 666 điểm.

Các nhà đầu tư phân vân, chưa xác định liệu sự sụt giảm này có phải là bước “điều chỉnh” tạm thời sau gần chín năm “bò mộng” (bull) tăng trưởng liên tục hay là bước khởi đầu của một tiến trình suy thoái sẽ kéo dài sang thời kỳ thị trường “con gấu” (bear) co cụm lại. Các nhà đầu tư “bò mộng” cho rằng các yếu tố nền tảng của nền kinh tế Mỹ - chẳng hạn như lợi nhuận của doanh nghiệp tăng tốt nhờ luật thuế sửa đổi mới thông qua và bắt đầu có hiệu lực - vẫn đang hỗ trợ đà tăng giá của thị trường chứng khoán. Trong khi đó, các nhà đầu tư “con gấu” - những người đã bắt đầu bán tháo cổ phiếu vài phiên vừa qua - lo ngại rằng thị trường đã tăng trưởng quá nóng và không bền vững trước xu thế ngân hàng trung ương đẩy mạnh phát hành trái phiếu để hút tiền về, trung hòa tác động của chính sách nới lỏng tiền tệ mấy năm vừa qua.

Chính phủ của ông Donald Trump thiên về lập luận của cánh “bò mộng” và nhấn mạnh vào thành tích tăng trưởng GDP 2,6%/năm trong quí 4/2017, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4,1%, thấp nhất trong 17 năm qua và cho rằng tình hình lạc quan của thị trường chứng khoán Mỹ là thành quả của “Trumponomics” (đường lối kinh tế của ông Trump). Theo nhận định của Nhà Trắng, sự nới lỏng các quy định đối với doanh nghiệp và triển vọng chính phủ đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng cũng được coi là những yếu tố kinh tế vĩ mô hỗ trợ cho xu hướng đi lên của thị trường chứng khoán Mỹ. Ngoài ra, kinh tế toàn cầu phát triển ổn định cũng hỗ trợ cho đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ nói chung, giá cổ phiếu các công ty Mỹ nói riêng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lưu ý, một số yếu tố kinh tế vĩ mô khác tuy chưa được nhận diện đầy đủ nhưng đang tiềm ẩn một số rủi ro. GDP tăng và thất nghiệp giảm đang đẩy tiền lương của người lao động Mỹ tăng lên, thúc đẩy tiêu dùng và tốc độ lạm phát cũng tăng theo. Trong khi đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã có những tín hiệu cho thấy có khả năng Fed sẽ tăng lãi suất cơ bản sớm hơn dự kiến, tăng phát hành trái phiếu để ứng phó với lạm phát và điều đó sẽ tác động tiêu cực tới lợi nhuận của doanh nghiệp.

“Ngày Thứ Hai đen tối” vừa qua cũng là thời điểm chuyển giao quyền lãnh đạo Fed: bà Janet Yellen ra đi sau 5 năm làm Thống đốc Fed và được thay thế bởi ông Jerome H. Powell - Thống đốc thứ 16 của ngân hàng trung ương đầy quyền lực này. Sự thay thế này đã được biết tới từ lâu, điều mà thị trường chưa biết là ông Powell sẽ có chính sách gì khác với bà Yellen; nỗi phân vân đó làm cho nhà đầu tư phải thận trọng hơn.

Bị tác động từ Mỹ, trong các phiên giao dịch đầu tuần, thị trường chứng khoán châu Á cũng chìm trong sắc đỏ. Đến trưa thứ 3 ngày 6/2, chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương ngoài Nhật Bản giảm 3,5% sau khi đã giảm 1,6% trong phiên liền trước. Giảm mạnh nhất là thị trường Nhật Bản và Đài Loan với chỉ số Nikkei giảm 6,4%; Taiex giảm 5,3%; Hang Seng (Hồng Kông) giảm 4,88%; hai thị trường Úc và Hàn Quốc giảm ở mức 3%; và Thượng Hải giảm 2,52%. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng giảm tới 5,7% theo ghi nhận của Bloomberg.com.

Vàng được xem là nơi trú ẩn khi thị trường cổ phiếu biến động. Đến trưa ngày thứ Ba 6/2 tại châu Á, so với phiên liền trước, giá vàng giao ngay tăng thêm 9,1 đô la Mỹ (tăng 0,68%) lên mức 1.342 đô la Mỹ/ounce.

Tuy vậy, nhìn chung từ Mỹ tới châu Á đã không xảy ra tình trạng hỗn loạn trên các sàn giao dịch và tâm lý nhà đầu tư nói chung vẫn thiên về hướng coi những biến động này chỉ là cuộc điều chỉnh tạm thời, là bước “chốt lời” sau chuỗi ngày tháng tăng trưởng liên tục của thị trường. 

Theo TBKTSG

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến