Dòng sự kiện:
Chứng khoán tuần: Vì sao thị trường loay hoay chưa vượt đỉnh?
12/03/2018 13:34:22
Bước sang tuần giao dịch thứ hai liên tục VN-Index vẫn loay hoay ở vùng đỉnh cũ hồi tháng 1/2018. Đã nhiều lần chỉ số chớm vượt đỉnh nhưng đều thất bại. Nguyên nhân gì khiến thị trường chưa thể bứt phá?

Trông đợi tuần tái cơ cấu danh mục

Cuối tuần, quỹ ETF lớn nhất là V.N.M cũng đã công bố kế hoạch tái cơ cấu danh mục của quý 1/2018. Không nằm ngoài dự đoán từ trước, quỹ này sẽ bán ra tương đối nhiều các blue-chips.

Cụ thể, mặc dù trong quý 1/2018, quỹ V.N.M tăng tỷ trọng đầu tư cho thị trường Việt Nam từ 72,9% lên 75,31%, về lý thuyết là tăng lượng tiền giải ngân, nhưng do trước đó tỷ trọng mua trên thị trường Việt Nam đã là 75,4% và nhiều cổ phiếu được mua vượt tỷ trọng, nên chủ đạo là quỹ này sẽ vẫn bán bớt.

Mặt khác, có sự cơ cấu lại đáng kể về danh mục đầu tư, trong đó cổ phiếu VRE được thêm mới với tỷ trọng tới 5%, tương đương việc sẽ phải mua khoảng 8,7 triệu cổ phiếu. Do VRE được thêm mới với tỷ trọng lớn thứ 7 trong danh mục nên nhiều cổ phiếu khác bị giảm tỷ trọng để nhường chỗ. Kết quả là quỹ sẽ phải xả bớt cổ phiếu.

Cụ thể, VIC hiện đang được nắm giữ 9,83% danh mục quỹ trong khi tỷ trọng quy định chỉ là 8% nên quỹ sẽ phải bán bớt ước tính 1,7 triệu cổ phiếu. NVL đang được nắm giữ 7,43% trong khi tỷ trọng quy định là 6%, tức là phải bán đi hơn 1,7 triệu cổ. MSN, VCB, SSI, HPG, STB cũng tương tự, đều sẽ bị bán bớt.

Ngoài ra, ngay trước thềm tuần tái cơ cấu, trong tuần này, quỹ V.N.M đã bị rút ròng mất 9,38 triệu USD cho nên quỹ này cũng có thể giảm bớt mức đầu tư. Một quỹ ETF khác là quỹ nội địa E1VFM cũng đang bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1,5 triệu chứng chỉ quỹ trong phiên cuối tuần nên hoạt động hoán đổi cũng sẽ diễn ra vào các ngày kế tiếp của tuần tới. Trước đó, quỹ ETF FTSE cũng đã bắt đầu thực hiện tái cơ cấu danh mục và tuần tới sẽ là tuần giao dịch trọng điểm.

Thông thường trong thời gian các quỹ ETF thực hiện tái cơ cấu danh mục, thị trường hay chịu sức ép nhiều phía. Đó có thể là mối lo ngại các quỹ sẽ bán nhiều hơn mua, khiến nhiều cổ phiếu lớn giảm giá. VN-Index sẽ gặp nhiều khó khăn trong xu thế tăng nếu các cổ phiếu lớn bị bán mạnh. Mặt khác, nhà đầu tư trong nước thường chờ đợi các phiên tái cơ cấu để có thể mua được giá tốt hơn khi các quỹ bán khối lượng lớn.

Thị trường chứng khoán Mỹ chưa rõ xu hướng

Thị trường chứng khoán Việt Nam gần hai tháng nay chịu ảnh hưởng rất nhiều từ thị trường chứng khoán Mỹ. Mức độ liên thông dòng vốn chưa thật sự rõ ràng, nhưng nếu thị trường chứng khoán Mỹ đạt đỉnh, nguy cơ đảo chiều dòng vốn là có thật.

Trong khi thị trường chứng khoán Việt Nam phục hồi mạnh quay trở lại đỉnh cao cũ hồi tháng 1/2018 thì thị trường chứng khoán Mỹ mà đại diện là các chỉ số S&P 500 và DJI đều phục hồi yếu hơn. Phải đến cuối tuần qua, chỉ số S&P 500 mới quay trở lại đỉnh cao cuối tháng 2/2018 trong khi vẫn thấp hơn đỉnh cao tháng 1/2018 khoảng 3%.

Với bước tiến chậm chạp hơn nhiều, xu thế phục hồi của thị trường chứng khoán Mỹ vẫn kém rõ ràng và vẫn chỉ mang tính phục hồi kỹ thuật. Nếu thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục quay lại đà giảm thì rủi ro chung sẽ tăng lên. Do đó thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn thấp thỏm chờ đợi.

Trong trường hợp thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục diến tiến khả quan và quay trở lại đỉnh cao cũ hồi tháng 1/2018, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được cởi bỏ áp lực tâm lý và có điều kiện bứt phá rõ ràng hơn.

Cổ phiếu lớn chưa kết thúc điều chỉnh

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ số VN-Index chủ yếu chịu tác động kéo đẩy từ một số cổ phiếu vốn hóa lớn nhất. Tuy nhiên các cổ phiếu này lại có mức tăng giá rất mạnh trong thời gian gần đây khiến nhiều nhà đầu tư e ngại. Nếu đà tăng giá của các cổ phiếu lớn không còn, VN-Index sẽ rất khó để đi lên cao hơn.

Một ví dụ cụ thể là cổ phiếu VIC, trong khi VN-Index phục hồi 11,9% kể từ đáy tháng 2 thì VIC lại tăng 32,4% và liên tục lập đỉnh cao mới. Liệu VIC sẽ còn tăng tiếp hay chịu áp lực điều chỉnh ngắn hạn?

Hay như nhóm cổ phiếu ngân hàng, sau khi liên tục tăng mạnh đã điều chỉnh rất nhẹ. VCB từ đỉnh đến cuối tuần qua mới điều chỉnh gần 3,8%, CTG điều chỉnh 3,6%, MBB điều chỉnh 2,6%, BID điều chỉnh 4,5%... Mức điều chỉnh như vậy liệu đã đủ hay chưa cũng là câu hỏi khó trả lời.

Một thực tế có thể nhận thấy là tình trạng đi ngang của VN-Index xuất phát từ việc các cổ phiếu lớn đã không tăng giá cùng nhịp với nhau. Khi nhóm cổ phiếu ngân hàng có phiên sụt giảm thì VIC hay VNM lại tăng giá. Ngược lại, lúc SAB giảm sâu lại có MSN hay VJC, VCB tăng. Vì phải bù chéo lẫn nhau trong biến động giá mà không có được sự cộng hưởng tăng nên chỉ số VN-Index chủ đạo là dao động trong ngày, thay vì tăng trưởng rõ rệt.

Thị trường muốn tăng trưởng vững chắc luôn cần sự đồng thuận ở các cổ phiếu vốn hóa lớn. Lúc này các mã vốn hóa lớn lại đang nằm trong xu thế đi ngang hoặc điều chỉnh sau nhịp tăng tốt trước đó, nên thời gian tích lũy của thị trường kéo dài hơn bình thường.

Theo Thời báo Tài chính Việt Nam

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến