Dòng sự kiện:
Chuyện 'đánh cược' công trình cho nhà thầu không đủ năng lực ở Huế
27/09/2018 12:45:43
Bằng cách nào khi trong hồ sơ dự thầu thiếu chứng chỉ năng lực hoạt đông xây dựng, nhiều doanh nghiệp vẫn có thể vượt qua 'cửa ải' kiểm tra để trở thành đơn vị trúng thầu?

Rõ ràng, việc đánh giá năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức khi đấu thầu không chỉ  căn cứ vào yêu cầu của hồ sơ mời thầu mà còn tuân thủ các quy định của pháp luật.

Theo đó, Khoản 3, Điều 69 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP quy định, thông tin năng lực hoạt động xây dựng là cơ sở để lựa chọn tổ chức tham gia hoạt động xây dựng.

Tuy nhiên, Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 5/4/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 59/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/6/2017 đã bãi bỏ quy định tại Khoản 3, Điều 69 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP, đồng thời quy định rõ: Tổ chức tham gia hoạt động xây dựng phải có chứng chỉ năng lực.

Nghĩa là, dù việc tham gia đấu thầu là quyền của doanh nghiệp nhưng để trở thành đơn vị trúng thầu thì nhà thầu thi công xây dựng công trình phải có đủ điều kiện năng lực phù hợp với loại, cấp công trình và công việc xây dựng.

Thế nhưng, một thực tế "có thật tưởng như đùa" về năng lực của các nhà thầu lại đang diễn ra tại các gói thầu của một dự án lớn trên địa bàn huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế).

Một công trình xây dựng ở A Lưới không đảm bảo về an toàn lao động.

Theo tìm hiểu của ANTT, dự án kiên cố hóa trường lớp học mầm non, tiểu học huyện A Lưới do Ban Quản lý dự án xây dựng khu vực huyện A Lưới làm chủ đầu tư với tổng vốn là 25.489.000.000 đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là 23.400.000.000 đồng. Dự án thuộc cấp III, công trình giáo dục, gồm 9 trường mầm non, tiểu học của 9 xã ở A Lưới gồm: Trường Mầm non A Dớt , Đông Sơn, Hồng Thủy, Hồng Thượng và các trường Tiểu học A Roàng, Hồng Trung, Nhâm, Hồng Quảng, Hồng Vân.

Dự án tiến hành đấu thầu vào cuối tháng 4/2018. Sau đó, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án xây dựng khu vực huyện A Lưới công bố 9 đơn vị tham gia trúng thầu.

Tuy nhiên, theo điều tra của PV, trong 9 đơn vị thi công trúng thầu này chỉ có Công ty xây dựng Phúc Hà là phù hợp năng lực đơn vị, còn 8 đơn vị đều chưa có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng.

Theo đó, 8 đơn vị chưa có chứng chỉ năng lực gồm: Công ty TNHH Hoàng Sơn thi công trường Mầm non A Dớt, Công ty TNHH Nam Thúy thi công trường Mầm non Hồng Thủy (cơ sở 1,2), Công ty TNHH Phồn Vinh thi công trường Mầm non Hồng Thượng, Liên danh Doanh nghiệp tư nhân Thành Thảo và Công ty TNHH tư vấn và xây dựng Trần Hoàng thi công trường Tiểu học A Roàng và Hồng Trung, Công ty TNHH Xuân Thành thi công trường Tiểu học Nhâm, Công ty TNHH MTV cơ khí - xây dựng Tân Bửu thi công trường Tiểu học Hồng Quảng và Công ty TNHH MTV Hồng Sơn thi công trường Tiểu học Hồng Vân.

Công trình trường Tiểu học Hồng Quảng do Công ty TNHH MTV cơ khí-xây dựng Tân Bửu đang thi công.

Trao đổi với PV, ông Ngô Duy Hoàng, Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng khu vực huyện A Lưới thừa nhận chuyện nhiều đơn vị thi công trúng thầu chưa có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng. Đồng thời cho rằng, trách nhiệm kiểm tra năng lực của các đơn vị này khi dự thầu đã được phía ban giao cho một tổ chuyên gia tư vấn được thuê từ tỉnh về.

Trước câu hỏi: "Tại sao một đơn vị không đủ điều kiện năng lực phù hợp với loại, cấp công trình và công việc xây dựng lại có thể trúng thầu, có hay không việc "thông" thầu, chỉ định nhà thầu?", ông Hoàng khẳng định, tất cả các gói thầu của dự án kiên cố hóa trường lớp mầm non, tiểu học ở huyện đều được tiến hành mời thầu công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

"Mỗi gói đều có trên 3 đơn vị tham gia dự thầu, không thể có chuyện "thông" thầu, chỉ định thầu. Khi đánh giá năng lực của đơn vị dự thầu thường các năm trước đây đều chỉ cần đơn vị đó chứng minh được nguồn vốn, năng lực tài chính và số lượng kỹ sư và việc yêu cầu có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng là mới đây…", ông Hoàng nói.

Công trường xây dựng tại trường Tiểu học Hồng Vân.

Như vậy, quy định về việc để trở thành đơn vị trúng thầu thì nhà thầu thi công tham gia hoạt động xây dựng "phải có chứng chỉ năng lực" trở thành điều vô nghĩa trong công tác lựa chọn đơn vị thi công ở huyện A Lưới. Bằng cách nào, các doanh nghiệp kể trên vẫn có thể vượt qua "cửa ải" kiểm tra hồ sơ dự thầu để trở thành đơn vị trúng thầu?

Lê Kông

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến