Khoảng 2 tháng trở lại đây, giá cát, sạn xây dựng ở huyện Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) bỗng dưng tăng đột biến. Nguyên nhân một phần do địa phương chưa có quy hoạch bãi khai thác khiến nguồn cát xây dựng tại chỗ khan hiếm.
Nguồn cung cát ở Nam Đông đang là một vấn đề nan giải. (Ảnh: Đ.T)
Việc cát, sạn trên địa bàn khan hiếm làm người dân và doanh nghiệp xây dựng cũng lao đao theo. Nhiều người dân khi xây nhà phải chấp nhận vượt cả trăm cây số để mua cát giá vừa phải về, hoặc chấp nhận mua tại chỗ với giá cao ngất ngưởng.
Một chủ bãi tập kết cát trên địa bàn huyện Nam Đông cho biết, lượng cát, sạn bị khan hiếm trên địa bàn đã hơn 2 tháng nay khiến hoạt động xây dựng trở nên trì trệ. Muốn có cát xây dựng cung cấp cho người dân, các chủ bãi phải di chuyển hơn 100km mới mua được. Các bãi tập kết bán cát xây dựng vì thế mà cũng vơi dần vì khó khăn trong việc cân đối giá bán mua vào, bán ra.
Giám đốc một công ty xây dựng ở Nam Đông chia sẻ: "Giá cát ở đây có thời điểm lên đến trên 200.000 đồng/m3, dù "chát" vậy nhưng nhiều khi không có đủ mà mua. Tìm mua cát còn khó hơn mua vàng"!
Người này cho biết thêm, việc mua cát ở nơi khác về với giá cao, khiến giá thành xây dựng các công trình đầu tư cũng tăng theo, việc này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng cơ bản của người dân mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của địa phương.
Trong khi đó, cách huyện Nam Đông khoảng 100km, một câu chuyện trái ngược lại đang diễn ra ở TP Huế khi ở đây, bãi tập kết cát tràn lan, có doanh nghiệp còn tích trữ lượng cát nhiều đến nỗi không biết di chuyển về đâu.
Theo tìm hiểu của PV, giá cát ở khu vực TP Huế thời điểm gần đây dao động từ 120 -130.000 đồng/m3 khi mua tại các điểm bán vật liệu xây dựng. Ở quanh khu vực TP Huế, các điểm tập kết cát xây dựng tập trung rất nhiều và luôn có nguồn cung ứng cát với giá nhập bãi từ 60-80.000 đồng/m3.
Tuy nhiên, thông tin từ UBND TP Huế, theo quy hoạch được phê duyệt tại số 936/QĐ-UBND ngày 29/5/2012 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thì trên địa bàn chỉ có 2 bãi tập kết cát sỏi được cấp phép. Nhưng theo báo cáo từ Phòng Quản lý đô thị thì có đến 9 bãi tập kết cát sỏi ở 7 phường trên địa bàn TP phát sinh ngoài quy hoạch, tức trái phép.
Trong đó, có những bãi với khối lượng cát tập kết khổng lồ, không tường che chắn, lấn chiếm vỉa hè, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành lang an toàn giao thông đô thị.
Bãi tập kết cát nằm trên đường Võ Văn Kiệt, TP Huế là một dẫn chứng điển hình. Bãi tập kết cát này ở tại tổ 4, phường Thủy Xuân, TP Huế do Doanh nghiệp tư nhân Tuyết Liêm (viết DN Tuyết Liêm) tập kết cát tự khai thác.
Bãi tập kết cát khổng lồ trái phép của DN Tuyết Liêm trên đường Võ Văn Kiệt, TP Huế.
Theo văn bản gửi Sở Xây dựng ký ngày 27/8 của UBND TP Huế về công tác quản lý các bãi cát sỏi trên địa bàn thì bãi tập kết cát này nằm ngoài quy hoạch trên nguồn gốc đất do UBND phường Thủy Xuân quản lý. Văn bản nêu rõ: "Năm 2017, UBND phường đã yêu cầu doanh nghiệp chấm dứt hoạt động nhưng đến thời điểm kiểm tra, tại khu đất trên, bãi tập kết đã hoạt động trở lại".
Thông tin từ UBND phường Thủy Xuân, bãi cát trên do DN Tuyết Liêm tập kết cát và lấn chiếm thửa đất số 174, tờ bản đồ 35, thuộc tổ 4 là khu vực đất nằm trong phạm vi đã giải phóng mặt bằng với khối lượng cát ước tính 200m3, diện tích lấn chiếm với chiều dài 56m, chiều rộng 25m.
Liên quan đến việc tập kết trái phép này, ngày 24/7, UBND phường đã có công văn gửi Phòng Quản lý đô thị TP Huế về việc đã tiến hành làm việc với DN Tuyết Liêm về việc chấm dứt ngay việc tập kết cát sỏi ở đây.
Tiếp đó, ngày 7/9, UBND phường Thủy Xuân tiếp tục tiến hành lập biên bản đối với DN Tuyết Liêm và yêu cầu khôi phục lại tình trạng đất trước khi tập kết, đồng thời buộc phải di dời khối lượng cát tập kết ra khỏi khu đất do nhà nước quản lý trong thời gian 24 giờ kể từ ngày lập biên bản.
Quyết liệt là vậy, thế nhưng theo ghi nhận của PV trong ngày 23/9, tức đã quá hơn 2 tuần từ ngày buộc phải di dời, bãi tập kết này vẫn nguyên vẹn với một lượng cát được chất cao khổng lồ, kéo dài hàng chục mét trên khu vực vỉa hè dọc tuyến đường Võ Văn Kiệt.
Nói thêm, thời gian qua, thực hiện chủ trương tăng cường công tác quản lý về khai thác cát, ngăn chặn vấn nạn khai thác cát trái phép, chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thực hiện nhiều biện pháp mạnh tay. Không chỉ vào cuộc, xử lý khá quyết liệt nạn "cát tặc", các cơ quan chức năng tỉnh này còn siết chặt quản lý về hoạt động khai thác cát, sạn được cấp phép trên địa bàn. Việc này cũng là một phần nguyên nhân khiến nguồn cung cát xây dựng ở địa phương giảm sút, trong khi nhu cầu lại luôn tràn trề.
Dù vậy, trong hoàn cảnh ấy, có những doanh nghiệp như Tuyết Liêm lại đang ngang nhiên tích trữ khối lượng cát khổng lồ, không chịu di dời trong thời gian dài.
Có hay không việc doanh nghiệp lợi dụng chủ trương siết chặt hoạt động khai thác cát của các cơ quan chức năng, rồi "găm hàng" đầu cơ trục lợi, để sau đẩy giá lên cao?
Đưa thắc mắc này hỏi một người phụ trách xây dựng nhiều công trình trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, PV nhận được câu trả lời: "Cơ quan chức năng mà không quyết liệt thì cát dễ "găm hàng" lắm! Bởi thời điểm này, khi biết nhu cầu xây dựng trên thị trường tăng cao, trong khi nguồn cung đang giảm dần nên một số chủ bãi bắt đầu có động thái tập kết tích trữ. Khả năng giá cát có thể sẽ tăng cao trong thời gian tới".
Lê Kông
- Nghịch cảnh chợ đêm ở Huế: 'Hoan hô Chủ tịch tỉnh!'
- Nghịch cảnh ở Huế: Chợ đêm hợp pháp đìu hiu, nơi trái phép lại rôm rả
- Trớ trêu ở Huế: Sân tennis xây xong hoang phế, khu thể thao dang dở nhiều năm
- Nghịch lý ở Huế: Phá 134ha rừng thông cho kiểm điểm, đốn 60 cây... bị phạt tù
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy