Dòng sự kiện:
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 13/3
13/03/2023 05:38:43
Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 13/3 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu CTG, giá mục tiêu 32.600 đồng/CP

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Quý IV/2022, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank, mã CTG – sàn HOSE) có thu nhập lãi thuần đạt 12.848 tỷ đồng (giảm 0,6% so với quý trước, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước); lợi nhuận trước thuế đạt 5.349 tỷ đồng (tăng 28,7% so với quý trước, tăng 45,4% so với cùng kỳ năm trước). Lũy kế cả năm 2022, lợi nhuận trước thuế đạt 19.972 tỷ đồng, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước với tăng trưởng tín dụng đạt 12,1%.

Chi phí đầu vào bình quân 2022 đạt 3,71% (tăng 23bps so với quý trước, tăng 65bps so với cùng kỳ năm trước) chủ yếu do lãi suất huy động thị trường 1 và 2 đều tăng mạnh trong nửa cuối năm 2022 được bù đắp bằng lãi suất đầu ra tăng tốt giúp NIM đạt 2,98%, chỉ giảm 3bps so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ nợ xấu quý IV/2022 đạt 1,24%, giảm 18bps so với quý trước có sự đóng góp không nhỏ từ việc đẩy mạnh xử lý nợ xấu 15.018 tỷ đồng trong quý IV/2022. Trong khi đó nợ nhóm 2 tăng 55bps so với quý trước cho thấy các áp lực từ diễn biến vĩ mô tiêu cực bắt đầu có tác động đến chất lượng tài sản của CTG.

CTG công bố kế hoạch kinh doanh dự kiến với tổng tài sản tăng 5-10%; tăng trưởng tín dụng kì vọng 10-12%; NIM kì vọng đi ngang với kì vọng chi phí vốn có xu hướng hạ trong năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến < 1,8%, trích lập dự phòng dự kiến đạt 12.000 – 15.000 tỷ đồng trong năm 2023.

Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, chúng tôi khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu CTG. Giá mục tiêu cho năm 2023 là 32.600 đồng/CP, cao hơn 10,1% so với giá tại ngày 09/03/2023.

Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu VPB

CTCK Vietcombank (VCBS)

Triển vọng cho cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã VPB - sàn HOSE): (1) Kỳ vọng tín dụng 2023 tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ: Việc tham gia nhận chuyển giao ngân hàng bắt buộc sẽ giúp cho VPB có nhiều lợi thế về tăng trưởng tín dụng trong năm 2023.

(2) Tiếp tục mở rộng hệ sinh thái đa ngành và công nghệ số: VPB mở rộng hệ sinh thái sang các lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm với kỳ vọng sẽ giúp ngân hàng đa dạng hóa nguồn thu ngoài lãi trong những năm tới.

(3) Kỳ vọng về việc phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài: VPB đang đẩy nhanh tiến độ phát hành riêng lẻ cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ 15% vốn điều lệ, kỳ vọng sẽ hoàn thành đợt phát hành này trong năm 2023, góp phần cải thiện các chỉ số về an toàn vốn và tạo đà tăng trưởng cho hoạt động kinh doanh.

Rủi ro: (1) Rủi ro nợ xấu: Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất đã tăng trên 5% cùng với tỷ lệ nợ nhóm 2 tăng nhanh tạo áp lực lớn về dự phòng nợ xấu trong năm 2023. (2) Rủi ro liên quan đến TPDN: VPB hiện đang có số dư TPDN trên 41 nghìn tỷ đồng, trong đó bao gồm TP của doanh nghiệp bất động sản tiềm ẩn rủi ro về khả năng thanh toán đúng hạn trong năm 2023 sẽ làm tăng áp lực dự phòng của ngân hàng.

Chúng tôi ước tính VPB có thể đạt 22.255 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 4,9% so với năm trước), tương đương EPS đạt 2.714 đồng/cổ phiếu và BVPS đạt 16.978 đồng/cổ phiếu. Khuyến nghị trung lập đối với cơ hội đầu tư vào cổ phiếu VPB với giá trị hợp lý là 19.991 đồng/cổ phiếu.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VIB

CTCK DSC (DSC)

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB – sàn HOSE) là ngân hàng thương mại cổ phần thuộc tầm trung trong nhóm NHTM với mức tổng tài sản 343 nghìn tỷ. VIB chủ yếu tập trung cho vay phân khúc bán lẻ, mà cụ thể hơn là vay mua nhà và vay mua ô tô. Ngoài ra, ngân hàng cũng là một cái tên lớn trong mảng bảo hiểm khi chiếm tới 15% thị phần bancassurance của Việt Nam.

Tính đến hết năm 2022, tỷ trọng cho vay khách hàng cá nhân (vay mua nhà, mua ô tô) của VIB chiếm tới 87% tổng tín dụng, giúp VIB giữ vững vị thế ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Với lợi thế là ngân hàng bán lẻ hàng đầu, VIB có tỷ suất sinh lời khá vượt trội so với mặt bằng chung của ngành. Năm 2022, biên lãi thuần (NIM) của VIB tăng 30 điểm cơ bản, đạt 4.7%, thuộc top ngân hàng có tỷ lệ NIM cao nhất ngành. Xét về ROE, ROE VIB đạt 30%, cũng thuộc top cao nhất ngành ngân hàng.

Kết phiên 7/3/2022, cổ phiếu VIB đạt giá 21.100 đồng/cổ phiếu, và P/B đạt 1,36 lần. Mức P/B hiện tại (1,36) thấp hơn P/B trung vị 5 năm của VIB (1.56) nhưng cao hơn P/B ngành ngân hàng (1,25). Định giá VIB cao hơn đáng kể so với mặt bằng chung do NH có tỷ trọng cho vay bán lẻ cao, nên được đánh giá là có tiềm năng hoạt động tốt hơn các NHTM khác.

VIB sẽ trả cổ tức tiền mặt, tỷ lệ 10% mệnh giá cho năm 2022. Ngày trả cổ tức dự tính là 3/3/2023.

Năm 2023, DSC ước tính Tổng thu nhập hoạt động và Lợi nhuận trước thuế của VIB đạt lần lượt 21.000 tỷ (tăng 16,3% so với năm trước) và 11.620 tỷ (tăng trưởng 9,8%). Giá trị sổ sách 2023F là 19.000 đồng/CP, tương đương P/B fw là 1.1x lần. Giá mục tiêu của VIB 2023 theo DSC ước tính là 25.000 đồng/CP (PB hợp lý 1,3), upside 19% so với giá đóng cửa ngày 7/3/2023 là 21.100 đồng/CP, đồng thời khuyến nghị mua cổ phiếu này.

Theo thống kê của CTCK về mức giá mục tiêu 12 tháng tới của cổ phiếu VIB trong 3 tháng qua, giá mục tiêu bình quân: 26.500 đồng/CP, giá mục tiêu cao nhất: 27.000 đồng/CP, thấp nhất 25.000 đồng/CP. Hiện mức giá mục tiêu bình quân cao hơn 26% so với mức giá hiện tại 21.100 đồng/CP.

Tác giả: N.T

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến