Dòng sự kiện:
Công an vào cuộc xác minh thông tin tiêu cực vụ 500 giáo viên nguy cơ mất việc
14/03/2018 16:18:53
Nhiều giáo viên tại huyện Krông Pắk cho hay, họ phải bỏ tiền "chạy" mới nhận được hợp đồng. Trước thông tin trên, Công an tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ xác minh, làm rõ.

Sáng 14/3, trao đổi trên Zing.vn, Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết đã giao các phòng nghiệp vụ lập kế hoạch xác minh thông tin hàng trăm giáo viên tại huyện Krông Pắk tố “bỏ tiền chạy hợp đồng” để được đi dạy.

Theo ông Rơi, vụ việc đang được Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với đảng viên liên quan. Sau khi có kết luận, nếu Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chuyển hồ sơ hoặc có dấu hiệu hình sự thì công an tỉnh sẽ vào cuộc điều tra. Bên cạnh đó, nếu các giáo viên có đơn tố cáo trực tiếp thì công an tỉnh sẽ điều tra ngay. 

Theo một số giáo viên, để được đi dạy, họ phải mất tiền. Tuy nhiên, lãnh đạo huyện Krông Pắk bác bỏ thông tin này. Nguồn: Zing.vn

Trước đó, ngày 9/3 UBND huyện Krông Pắk tổ chức họp thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với khoảng 200 giáo viên trên tổng số gần 600 giáo viên dôi dư tại huyện này.

Trong khi đó, trong đợt tuyển giáo viên biên chế sắp tới, toàn huyện Krông Pắk chỉ có 83 chỉ tiêu. Như vậy, sau khi thi tuyển số giáo viên còn lại sẽ tiếp tục nhận thông báo chấm dứt hợp đồng. Việc này đồng nghĩa với trên 500 giáo viên hợp đồng bị chấm dứt việc làm, phải tự tìm công việc mới.

UBND tỉnh Đắk Lắk sau đó đã yêu cầu tạm dừng việc chấm dứt hợp đồng với các giáo viên, còn huyện Krông Pắk đang rà soát, tìm giải pháp.

Bộ GD&ĐT cũng lên tiếng đề nghị địa phương phải có giải pháp, bảo vệ quyền lợi nhà giáo...

Nhiều giáo viên được thông báo chấm dứt hợp đồng là vợ chồng đã giảng dạy nhiều năm, đang nuôi con nhỏ, cuộc sống vô vàn khó khăn. Ảnh: Báo Vietnamnet

Tuy nhiên, bên cạnh đó, hàng trăm giáo viên vẫn kéo lên UBND huyện để phản đối. Nhiều giáo viên, phụ huynh phản ánh, để được vào dạy hợp đồng đã phải bỏ ra hàng chục đến hàng trăm triệu đồng để chạy việc.

Thông tin đăng tải trên Vietnamnet, bà Đ.T.N (53 tuổi, trú thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk) cho biết, có 3 người con được nhận vào dạy hợp đồng tại các trường trên địa bàn huyện.

Để lo việc cho con, bà phải vay mượn, cầm sổ đỏ lấy tiền chạy việc. Hiện, sổ đỏ vẫn còn cầm cố trong ngân hàng vì chưa trả hết nợ vậy mà các con của bà đã bị chấm dứt hợp đồng, mất việc.

Tương tự, thầy N.V.T (giáo viên Trường tiểu học Vụ Bổn) trình bày, năm 2015 để được nhận vào dạy tại trường cũng đả phải bỏ ra 120 triệu để lo việc.

Báo Người lao động cho biết thêm, ông Nguyễn Văn Minh (ngụ xã Ea K’Mút, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk), vừa gửi đơn lên cơ quan công an, Phòng GD-ĐT huyện Krông Pắk tố cáo ông Huỳnh Bê (Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk) lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo đơn tố cáo, năm 2016 ông Minh gặp ông Huỳnh Bê để xin cho con vào dạy tại trường. Tại đây, ông Huỳnh Bê nói phải chi 140 triệu đồng để lo ký hợp đồng và vào biên chế. Tin lời, ông Minh đã ba lần đưa tổng cộng số tiền 120 triệu đồng cho vị hiểu trưởng. Từ đó, đến năm 2017 con gái ông Minh được nhận vào trường dạy hợp đồng, không được vào biên chế và lương khoảng 1 triệu đồng/tháng. Sau nhiều lần đòi tiền không được, ông Minh đã làm đơn tố cáo lên cơ quan chức năng.

Mặc dù trong đơn tố cáo, ông Minh khẳng định số tiền 120 triệu đồng là số tiền chạy việc. Tuy nhiên, trong giấy biên nhận của ông Huỳnh Bê thể hiện ông chỉ vay nợ và hứa sẽ trả lại đầy đủ.

Trao đổi về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Duy Trường, Trưởng Công an huyện Ea Kar cho biết, ngày 8/3, trực ban công an huyện có tiếp nhận đơn của ông Minh. Tuy nhiên, ông Minh còn cung cấp một số giấy vay tiền, giấy nhận nợ, khất nợ mà không có giấy tờ nhận tiền chạy việc nên công an huyện hướng dẫn ông Minh khởi kiện ra tòa để đòi tiền.

Liên quan đến những thông tin cho rằng, việc huyện đã hợp đồng dôi dư hàng trăm giáo viên có yếu tố tiêu cực, bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk khẳng định đến nay huyện chưa phát hiện dấu hiệu.

Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk cho biết chưa phát hiện tiêu cực trong tuyển dụng giáo viên. Ảnh: Báo Vietnamnet

Theo bà Trinh, đến nay huyện chưa nhận được bất cứ phản ánh hay đơn thư tố cáo tiêu cực liên quan đến vụ việc. Nếu phát hiện có tiêu cực, nhất định huyện sẽ đề nghị các cơ quan chức năng điều tra xử lý những cá nhân tập thể vi phạm.

>> Xem thêm

Vụ 500 giáo viên nguy cơ mất việc: Đề nghị thống nhất lại việc tuyển dụng

Vụ 500 giáo viên sắp mất việc: Sẽ nhờ cơ quan điều tra nếu phát hiện tiêu cực

Ly Na (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến