Dòng sự kiện:
Cuộc chiến tăng vốn của các ngân hàng
23/05/2017 11:07:55
Về cơ bản mùa ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 của hệ thống ngân hàng đã được hoàn tất, ngoại trừ một số ngân hàng chưa. Điểm chung dễ thấy nhất của mùa đại hội năm nay là hàng loạt kế hoạch tăng vốn, từ các ngân hàng có quy mô nhỏ, cho tới nhóm “tứ trụ”.

Phương pháp tăng vốn mà các ngân hàng đề ra cũng khá đa dạng, từ kế hoạch phát hành cho cổ đông hiện hữu, tìm kiếm đối tác chiến lược cho tới việc sử dụng lợi nhuận chưa phân phối, thặng dư vốn cổ phần và các quỹ để chia thưởng cho cổ đông.

Trăm nẻo đường tăng vốn

Techcombank là ngân hàng có kế hoạch tăng vốn mạnh nhất trong năm 2017 và cũng là một trong rất ít ngân hàng có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ các cổ đông hiện hữu. Nhà băng này dự kiến phát hành là 500 triệu cổ phiếu với giá phát hành tối thiểu bằng mệnh giá 10.000 đồng/cp.

Nếu chào bán thành công, vốn điều lệ của Techcombank sẽ tăng lên từ 8.878 tỷ đồng lên 13.878 tỷ đồng, tỷ lệ tương đương 56,5%. Đây sẽ là lần tăng vốn lớn nhất của nhà băng này từ năm 2008 tới nay. Ghi nhận trong 4 năm 2008-2012, vốn điều lệ của Techcombank đã tăng đều đặn từ 4.705 tỷ đồng lên 8.848 tỷ đồng và không tăng vốn thêm nhiều trong suốt 4 năm gần đây.

Tiếp theo là Ngân hàng Quốc Tế (mã VIB-UPCoM). Theo kế hoạch được cổ đông thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên, VIB dự kiến sẽ tăng hơn 7.900 tỷ đồng vốn điều lệ trong năm nay, tương đương mức tăng 44,6% so với hiện tại, thông qua 2 phương án là trả cổ tức bằng cổ phiếu (3,5%), chia cổ phiếu thưởng (36,1%) và phát hành ESOP (0,4%).

(Maritime Bank và Sacombank chưa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2017)

Tăng vốn chờ Basel II

Có thể nhận thấy 2 lý do chính dẫn đến làn sóng này trong thời gian gần đây. Thứ nhất đến từ yêu cầu mở rộng quy mô ngân hàng, trong bối cảnh cạnh tranh mở rộng thị phần. Thứ hai, đến từ việc duy trì tỷ lệ an toàn vốn – CAR khi NHNN đang sốt sắng đưa các tiêu chuẩn Basel II vào áp dụng.

Nhóm ngân hàng thực hiện tăng vốn với mục đích mở rộng quy mô chủ yếu là những ngân hàng có quy mô vốn điều lệ ở mức thấp nhưng tốc độ tăng trưởng trong 2 năm gần đây lại rất cao, với một số cái tên như Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) hay VIB.

Đơn cử như VPBank, năm 2016 có vốn điều lệ hơn 10.000 tỷ đồng đạt hơn 15.000 tỷ đồng thu nhập lãi thuần và gần 4.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế - tương đương 2/3 lợi nhuận của BIDV, ngân hàng có vốn điều lệ gấp 3,5 lần VPBank. Tương tự VIB với vốn điều lệ hơn 5.000 tỷ đồng cũng đạt hơn 700 tỷ lợi nhuận với tăng trưởng tín dụng năm 2016 đạt 25%. Cả 2 cái tên này đều có tốc độ tăng trưởng rất cao trong 2 năm gần đây nhờ mở rộng thị trường bán lẻ.

Điểm chung trong công thức tăng vốn của những ngân hàng này cũng là việc sử dụng phần thặng dư vốn, hay lợi nhuận để lại tích góp nhiều năm trước để phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông, thay cho phương án chỉ trả cổ tức bằng tiền. Mặc dù kế hoạch tăng vốn đề ra từ 30% - 40% so với mốc cuối năm 2016, nhưng thực tế điều này lại không ảnh hưởng đến quy mô vốn cấp 1 của các ngân hàng nói trên bởi chỉ là sự tăng giảm giữa những cấu phần trong đó, trong khi vẫn giúp quy mô vốn điều lệ của ngân hàng tăng mạnh.

Còn để tăng tỷ lệ an toàn vốn (CAR), các ngân hàng này lựa chọn việc mở rộng quy mô vốn cấp hai thông qua phát hành trái phiếu thứ cấp. VIB, bên cạnh phương án tăng vốn điều lệ 40% trong năm 2017 thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu và chia cổ phiếu thưởng, cũng đề xuất huy động 7.000 tỷ đồng vốn cấp 2 nhằm tăng hệ số CAR và các chỉ số an toàn khác cho nhu cầu hoạt động kinh doanh.

Ngoài lý do kể trên, hầu hết những trường hợp còn lại đang sốt sắng cải thiện các chỉ số an toàn vốn khi việc áp dụng tiêu chuẩn Basel II đang đến gần.

Trong tổng số 10 ngân hàng thí điểm Basel II theo quyết định của NHNN đầu năm 2016, ngoại trừ Maritime Bank và Sacombank chưa có kế hoạch cụ thể thì 7/8 ngân hàng còn lại đều đề xuất tăng vốn trong năm nay, từ những ngân hàng có quy mô khiêm tốn cho tới nhóm “big4” như Vietcombank hay VietinBank.

Quy mô tăng vốn của những ngân hàng thí điểm Basel II

So với các nước trong khu vực và trên thế giới, việc áp dụng tiêu chuẩn Basel tại Việt Nam vẫn còn khá chậm. Trong khi nhiều các quốc gia đã hoàn thành Basel II, tiến tới Basel 2.5 và Basel III thì hầu hết các ngân hàng Việt Nam mới cơ bản đạt được các chuẩn mực của Basel I và đang trong quá trình thí điểm mức độ cao hơn.

Theo Basel II, rủi ro cũng được tính toán theo 3 yếu tố chính mà ngân hàng phải đối mặt thay vì 1 yếu tố như Basel I, gồm rủi ro tín dụng, rủi ro vận hành (hay rủi ro hoạt động) và rủi ro thị trường. Mặc dù quy định tỷ lệ an toàn vốn - CAR không thay đổi (thấp nhất 8%), nhưng yêu cầu về mức độ an toàn vốn được nâng lên đáng kể, khi mẫu số được nâng lên nhờ bổ sung các trọng số khi đánh giá mức độ rủi ro. Với cách tính mới này, không ít ngân hàng sẽ rơi vào tình trạng rủi ro khi không đáp ứng được mức tổi thiểu khi tính toán lại.

Trong báo cáo phân tích của CTCK MB (MBS) đưa ra khi NHNN công bố thí điểm tiêu chuẩn này đầu năm 2016, hệ số CAR của các ngân hàng theo công thức mới có thể sẽ giảm từ 1 -3% so với mức hiện tại và vì vậy, sẽ có những ngân hàng sau khi tính toán lại CAR thấp hơn mức tổi thiểu 8%. Áp lực “đẩy” CAR là điều hiển nhiên phải thực hiện nếu không muốn các chỉ số an toàn chạm mức nguy hiểm.

Để tăng tỷ lệ này trên thực tế chỉ có hai cách hoặc tăng vốn tự có hoặc là giảm tổng tài sản có rủi ro. Tất nhiên, trong bối cảnh các ngân hàng chạy đua tăng trưởng tín dụng, việc giảm tài sản có rủi ro là điều không hề dễ dàng và cách nhanh nhất được áp dụng là tăng vốn tự có của mình. Chỉ những trường hợp quá khó tăng vốn như BIDV với kế hoạch đề ra liên tục trong những năm gần đây nhưng không thực hiện được, mới lựa chọn cách giảm tài sản có rủi ro.

Theo NDH

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến