Dòng sự kiện:
Cuộc sống bình dị, trong sáng của cố Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ
18/08/2015 08:51:18
ANTT.VN - Cần, kiệm, liêm chính là đức tính của Chú, trong đó, tiết kiệm là nguyên tắc sống. Ở đâu, bất cứ lúc nào Chú cũng luôn đề cập tới vấn đề này…

Tin liên quan

Phát biểu với cán bộ chiên sĩ Hậu cần Công an nhân, ông nói: “Về nhận thức phải luôn ý thức nước ta là nước nghèo (thậm chí nghèo và khổ hơn ta bây giờ). Họ giàu lên nhanh chóng chủ yếu là bằng lao động cần cù (lao động cật lực của mọi người dân, của cán bộ Nhà nước) và rất tiết kiệm – tiết kiệm cả trong sinh hoạt gia đình, cá nhân. Không riêng gì Nhật Bản, Hàn Quốc mà mọi quốc gia đều vậy, do lao động cật lực và tiết kiệm là điều kiện tiên quyết để trở nên giàu mạnh và văn minh. Ngược lại, nước ta còn nghèo (thậm chí thua những nước nghèo nhất thế giới) nhưng lại không tiết kiệm, sài sang và lãng phí phổ biến ở mọi khâu: sản xuất và tiêu dùng… Công  an càng phải tiết kiệm, mọi cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân đều phải thực hiện nghiêm chỉnh lời dạy của bác Hồ là “Cần, kiệm, liêm, chính”. Lực lượng Hậu cần Công an nhân dân càng phải chú ý hơn”. (Trích bài nói tại Lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Tổng cục Hậu cần Công an nhân dân, ngày 12/6/1996).

bui-thien-ngo

Đồng chí Bùi Thiện Ngộ cùng Đại tá Vũ Đình Hoành thăm gia đình Liệt sỹ CSGT Nguyễn Văn Ngữ (nguồn: Internet)

Trong phòng làm việc tại cơ quan 44 Yết Kiêu cũng như nơi ở 90 Trần Quốc Toản luôn là những đồ dùng hết sức bình dị: điều hòa một cục, tủ lạnh Xaratop do Liên Xô sản xuất. Một kỷ niệm rất khó quên đối với tôi là ở nhà 90 Trần Quốc Toản có chiếc tủ lạnh cũ cánh hỏng nên mỗi lần cấp dưỡng mở ra lấy thức ăn thì cánh tủ lại rời ra, cấp dưỡng nói với tôi nhiều lần cho thay nhưng chưa có dịp. Nhân chuyến Chú đi công tác nước ngoài, tôi nói với văn phòng Bộ trang bị tủ lạnh mới của Nhật. Khi về đến nhà, thấy tủ lạnh mới, sau khi hỏi cấp dưỡng ai thay, tôi bị Chú gọi lên “xạc” cho một trận: “đồ vật ở trong phòng làm việc, nhà ở của tôi, muốn thay phải được tôi đồng ý”. Tôi xin lỗi và rút kinh nghiệm. Chú sống hết sức giản dị, không muốn phiền phức đến ai, nhất là cán bộ cấp dưới. Những lần đi công tác địa phương, Chú đều bảo thư kí mang theo đồ ăn (cơm nắm, muối vừng và xôi chả), cho vào cặp lồng để ăn trưa trên xe chứ không muốn rẽ vào Công an tỉnh hoặc tìm quán dọc đường để ăn…

Trong làm việc, Chú Ba luôn đảm bảo một nguyên tắc rất nghiêm là mọi liên hệ muốn gặp Chú phải qua thư kí và xin ý kiến trước, và chỉ gặp tại cơ quan, thư ký không được tiếp nhận bất cứ quà cáp nào do khách gửi. Trong chuyến đi công tác ở địa phương, tôi nhớ là chuyến đi công tác Thanh Hóa, đến thăm Công an huyện, khi về Công an huyện biếu một số hoa quả của địa phương. Tôi báo cáo, Chú nói: nếu một túi hoa quả thì nhận cho họ khỏi buồn, còn có quà khác, phong bì thì không được nhận. Tuy đã nhắc Công an huyện song về nhà bỏ ra vẫn có một phong bì, ông bắt tôi mang gửi lại. Trong suốt thời kì làm Thứ trưởng, Bộ trưởng, Chú không đưa vợ con ra Hà Nội sống cùng dù chỉ là một ngày. Phong cách sống hết sức giản dị và tiết kiệm. Lương Thượng tướng, Ủy viên Bộ Chính trị khoảng hơn hai triệu đồng, một khoản chú giao cho cấp dưỡng phục vụ chi tiêu trong tháng, gửi cho vợ một phần để nuôi con, còn một khoản nhỏ giao cho thư ký gửi tiết kiệm. Qua một tuần làm việc nếu không bận hoặc đi công tác, Chú đều dành ngày thứ bảy hoặc chủ nhật để đi ăn sáng, uống cà phê bình dân như những người bình thường cùng những bạn bè thân hữu như các giáo sư, bác sỹ Châu Xương, Bửu Triều; giáo sư, bác sỹ Ty; giáo sư Vân A; Vân B, Vân C; giáo sư Dương Quang, giám đốc bệnh viện Việt – Đức, giáo sư Ngô Đạt Tam… Những ngày đó ông tự đi xe đạp, không bảo vệ, không thư ký. Thấy Chú đi xe đạp sợ không an toàn, thư ký đề nghị cho anh em dùng xe máy chở đi nhưng Chú không đồng ý và nói đại ý là: một tuần làm việc vất vả rồi, ngày chủ nhật các cháu dành thời gian để giúp gia đình, vợ con đi, chú tự lo được, làm Bộ trưởng Công an mà để xảy ra không an toàn thì đất nước còn an ninh gì nữa…

Thời gian thấm thoắt trôi, Chú Ba về cõi vình hằng đã gần bốn năm, nhưng cuộc đời và thân thế sự nghiệp của Chú luôn là tấm gương tỏa sáng cho các thế hệ đàn em, con cháu noi theo. Những kỷ niệm về Chú thì nhiều, không thể nói hết nhưng sống mãi trong ký ức của người thân, đồng đội và trong tôi. Để thay cho lời kết của bài viết này và cũng là lời hứa trước vong linh  đã khuất của Chú Ba, xin được dẫn lời của đại tướng Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Bộ Công an: “Chúng tôi nguyện phấn đấu học tập gương hy sinh, phấn đấu cao đẹp của đồng chí, tiếp tục lãnh đạo Công an nhân dân Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, thực hiện những điều đồng chí hằng mong ước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân…”.

Hà Nội, tháng 5 năm 2010

(Trích bài viết của Vũ Thanh Hoa – Thiếu tướng, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Nguyên Thư Ký Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến