Dòng sự kiện:
Đau đầu bài toán nhà ở đô thị khi dân số phát triển
31/08/2019 09:20:23
Nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS, nhà ở.

Theo kết quả điều tra dân số TP.HCM tính đến cuối tháng 4/2019, dân số thành phố có gần 9 triệu người thường trú, tăng hơn 1,8 triệu người so với năm 2009. Như vậy, trung bình dân tăng 183.000 người/năm trong 10 năm gần đây. Đó là chưa kể đến hàng năm, thành phố có thêm khoảng 60.000 trẻ sơ sinh và khoảng 50.000 cặp kết hôn mới, số sinh viên, cao đẳng có hơn 500.000 người. Ngoài ra, còn có khoảng 100.000 người nước ngoài làm việc và thường trú tại TP.HCM...

Trong khi đó, thực trạng nhà ở tại thành phố chưa đáp ứng được nhu cầu cư trú. Ngược về thời gian 2016, thành phố đã quá tải khi có tới gần 500 ngàn hộ dân chưa sở hữu nhà ở hoặc đang sống chung với cha mẹ, người thân chiếm tỷ lệ 23,46% tổng số hộ.

Ảnh minh họa

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, hiện nay có khoảng 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2020. Trong các đối tượng khảo sát thì có đến 65% đến 94% có nhu cầu thuê mua (mua trả góp dài hạn) nhà ở xã hội. Hầu hết các đối tượng này đều có nhu cầu nhà ở thương mại vừa túi tiền, nhà ở xã hội, nhà cho thuê giá rẻ, nhất là loại căn hộ 1-2 phòng ngủ, giá bán khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/căn và được trả góp tối thiểu 15 năm.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho rằng, rào cản đối với người có thu nhập thấp đô thị khi tạo lập nhà ở nằm ở những nguyên nhân chính như thiếu sản phẩm nhà ở thương mại loại vừa và nhỏ (1-2 phòng ngủ) có giá vừa túi tiền khoảng 2 tỷ đồng trở lại, nhà ở xã hội, nhà cho thuê giá thấp. Trong khi thực tế, mặt bằng giá nhà hiện nay nhìn chung là khá cao, gấp từ 20-25 lần so với thu nhập bình quân (ở các nước phát triển thì giá nhà chỉ gấp từ 5-7 lần thu nhập bình quân). Trong khi Nhà nước chưa có chính sách tín dụng hỗ trợ người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị tạo lập nhà ở, trước hết đối với người mua căn nhà đầu tiên. Ngoại trừ giai đoạn 2013-2016, Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ với gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho 56.240 người có nhu nhập thấp được vay mua nhà ở thương mại, nhà ở xã hội có mức giá dưới 1,05 tỷ đồng/căn. Chính sách nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2014 cũng chỉ mới hỗ trợ tín dụng thuê mua nhà được khoảng 1.000 tỷ đồng, trả góp trong 15 năm.

Riêng TP.HCM đang thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho một số đối tượng cán bộ công chức, viên chức nhà nước, với suất được vay lên đến 900 triệu đồng, lãi suất vay 4,7%/năm trong thời hạn 15 năm để mua nhà (suất vay năm 2006 là 400 triệu đồng, sau lên 600 triệu đồng và hiện nay là 900 triệu đồng). Đến nay, đã giải ngân được khoảng 1.500 tỷ đồng cho hơn 4.000 người song cũng mới chỉ gói gọn trong 1 vài ngành nghề nhất định. Kết quả này đáng khích lệ, nhưng cần có nguồn lực lớn hơn để giải quyết cho nhiều người hơn để đảm bảo công bằng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

“Những chính sách hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp có ý nghĩa thiết thực cần được nhân rộng để trở thành chính sách chung, áp dụng cho tất cả đối tượng có thu nhập có nhu cầu tạo lập căn nhà đầu tiên nhằm góp phần đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở, giúp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển bền vững, phù hợp với nhu cầu của đại đa số người dân”, ông Châu nói.

Để giải quyết bài toán nhà ở trong bối cảnh dân số ngày càng “phình to”, nhiều chuyên gia nhận định, Nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh, thông thoáng, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS, nhà ở.

Trong đó, cần hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội và phát triển loại căn hộ vừa túi tiền, giải quyết các vướng mắc về thủ tục lựa chọn chủ đầu tư các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp, thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 sau khi đã có "Quyết định chủ trương đầu tư", thủ tục tính tiền sử dụng đất dự án nhà ở, xử lý đối với phần diện tích đất rạch, bờ đất, đường thuộc Nhà nước quản lý nằm xen cài trong dự án nhà ở, thường chiếm khoảng trên dưới 10% diện tích dự án để khai thông ách tắc của thị trường BĐS hiện nay. Nhất là TP.HCM cần sớm hoàn thiện danh mục các dự án mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng đô thị, giao thông, phát triển khu đô thị, khu dân cư, khu nhà ở để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến