Thủ tục đấu giá thực hiện theo pháp luật
Chiều 28/8, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tiếp tục xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).
Báo cáo một số vấn đề lớn trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, đối với Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị giữ quy định về Quỹ trong dự thảo Luật nhưng cần hoàn thiện quy định về Quỹ cho phù hợp và hoạt động hiệu quả hơn. Dự thảo Luật đang được thể hiện theo loại ý kiến này.
Về thiết kế, xây dựng, lắp đặt công trình viễn thông,tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chỉnh lý bổ sung quy định việc lắp đặt công trình viễn thông trên tài sản công phải bảo đảm nguyên tắc: không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài sản công, đến công năng sử dụng của tài sản công; bảo đảm tính khả thi về kỹ thuật; cảnh quan, môi trường, an toàn, an ninh; tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy.
Đồng thời, bổ sung quy định doanh nghiệp lắp đặt công trình viễn thông có trách nhiệm bảo quản, bảo trì công trình viễn thông.
Các nội dung về chi phí, hạch toán liên quan đến việc lắp đặt công trình viễn thông trên tài sản công sẽ được thực hiện theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Đề cập về đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet ông Lê Quang Huy nêu rõ, để khắc phục các vướng mắc này, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng: Quy định cụ thể các loại tài nguyên viễn thông cấp qua hình thức đấu giá; quy định cách thức xác định giá khởi điểm cho từng loại tài nguyên trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của đất nước và mức tiêu dùng của người dân.
“Theo đó, giá khởi điểm để đấu giá số thuê bao di động được xác định bằng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người theo giá hiện hành của năm liền kề trước thời điểm đấu giá tính cho một ngày; quy định trình tự, thủ tục đấu giá thực hiện theo pháp luật về đấu giá tài sản”, ông Lê Quang Huy cho biết.
Bổ sung trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông
Đại biểu nêu thực tế, có nhiều công trình viễn thông, thiết bị viễn thông không còn sử dụng, dây cáp viễn thông đang “chằng chịt” tại các khu đô thị, ngay cả các tuyến đường thôn quê, khu dân cư, gây mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Nguyên nhân là các nhà mạng cung cấp dịch vụ thiếu trách nhiệm, không thu hồi dây cấp, trong khi việc sử dụng, thi công, lắp đặt không đảm bảo kỹ thuật, mỹ quan.
Do đó, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các quy định, có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp này để các doanh nghiệp trong lĩnh vực này có trách nhiệm đảm bảo quy trình kỹ thuật, mỹ quan, thu hồi các thiết bị, dây cáp không còn sử dụng.
Đại biểu Dương Văn Phước tham gia góp ý kiến.
Góp ý về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) đề nghị Luật nên cân nhắc các nội dung liên quan đến mục tiêu hỗ trợ, nguyên tắc hoạt động, cơ chế đặt hàng, quy định về đóng góp và sử dụng nguồn tài chính của Quỹ để bảo đảm tính minh bạch và phát huy vai trò của Quỹ, đảm bảo nhiệm vụ chi phát triển kinh tế - xã hội, còn lại thì giao Chính phủ quy định chi tiết.
Bên cạnh đó, nữ đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo, đặc biệt Chính phủ cần tiếp tục xem xét, đánh giá những nội dung nào cần thực hiện trong thời gian tới thì quy định cụ thể tỉ lệ phân bổ kinh phí từ Quỹ cho từng chương trình cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả hơn trong quá trình duy trì Quỹ này.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận
Ghi nhận và đánh giá cao ý kiến của các ĐBQH, ông Lê Quang Huy cho biết, cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến này để hoàn thiện dự thảo luật đạt chất lượng cao.
Đối với ý kiến của đại biểu Dương Văn Phước, ông Huy cho hay, qua khảo sát, có xuất hiện trường hợp một số doanh nghiệp viễn thông, trong quá trình hoạt động có sử dụng các công trình viễn thông.
Tuy nhiên, khi doanh nghiệp không còn hoạt động lại không có trách nhiệm tháo dỡ, thu hồi công trình, gây mất mỹ quan, phản cảm, gây ảnh hưởng đến các hoạt động khác. Cơ quan thẩm tra sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu để có điều chỉnh cụ thể trong các điều khoản của luật để khắc phục vấn đề này.
Đối với Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, cơ quan thẩm tra sẽ nghiên cứu, cố gắng để làm rõ các nguyên tắc, tôn chỉ, mục tiêu, cơ chế thu chi của quỹ để khắc phục những bất cập, vướng mắc hiện có. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn nữa về nội dung này.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy