Sáng 27/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã trình bày Tờ trình dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trước Quốc hội. Bộ trưởng Nội vụ cho biết, dự thảo Luật có một số điểm mới.
Quy định đặc thù khi thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp
Về thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn, dự thảo Luật mở rộng dân chủ trực tiếp tại cấp xã theo hướng bổ sung các vấn đề nhân dân bàn và quyết định trực tiếp; bổ sung quy định về trách nhiệm lấy ý kiến nhân dân, ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trong quá trình UBND cấp xã ban hành các quyết định hành chính liên quan đến lợi ích của cộng đồng hoặc quyết định hành chính có nội dung xác lập nghĩa vụ, làm chấm dứt, hạn chế quyền, lợi ích của đối tượng thi hành.
Về thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị, bổ sung hình thức giám sát thông qua hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, đơn vị theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, bổ sung nội dung người lao động được quyết định mức đóng các loại quỹ xã hội, quỹ từ thiện tại doanh nghiệp; quy định theo hướng có sự phân biệt về nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục người lao động kiểm tra và người lao động giám sát…
Về trách nhiệm tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quy định kết quả thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị là căn cứ để đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá và xếp loại chất lượng đảng viên đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị…
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trước Quốc hội.
Liên quan vấn đề Thanh tra nhân dân, Chính phủ đề nghị bổ sung chế định Thanh tra nhân dân (hiện đang điều chỉnh tại Luật Thanh tra) sang quy định tại dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở theo hướng kế thừa hầu hết các quy định còn phù hợp của Luật Thanh tra năm 2010 về Thanh tra nhân dân để quy định tại dự thảo Luật; sửa đổi quy định về số lượng thành viên Ban Thanh tra nhân dân cấp xã tương ứng số lượng thôn, tổ dân phố trên địa bàn cấp xã nhưng không ít hơn 5 người.
Bộ trưởng Nội vụ cũng cho biết, trong quá trình xây dựng, trình dự án Luật, còn có ý kiến khác nhau liên quan đến việc quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp trong dự án Luật này, Chính phủ báo cáo và xin ý kiến Quốc hội.
Cụ thể, loại ý kiến thứ nhất đề nghị dự án Luật quy định một chương riêng về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ tại các loại hình doanh nghiệp, trong đó quy định một số đặc thù đối với doanh nghiệp nhà nước.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị dự án Luật không quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp.
Chính phủ thống nhất với loại ý kiến thứ nhất. Trên cơ sở đó, dự thảo Luật quy định một chương (Chương IV) về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, trong đó quy định chung về công khai thông tin tại doanh nghiệp, về người lao động tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát trong mọi loại hình doanh nghiệp…
Thực hiện quyền làm chủ một cách thực chất
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, về việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, qua thảo luận, đa số ý kiến trong Uỷ ban Pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ nhất được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Việc Luật quy định sâu hơn về thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước sẽ tạo cơ chế để người lao động tại doanh nghiệp thực hiện quyền làm chủ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động của doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư của Nhà nước, kiểm soát tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung vào dự thảo Luật các quy định chi tiết, cụ thể hơn thể hiện rõ đặc thù trong việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước, nhất là về các nội dung người lao động được tham gia ý kiến, được bàn bạc, quyết định và kiểm tra để tạo cơ sở pháp lý cho người lao động ở các doanh nghiệp này thực hiện quyền làm chủ một cách thực chất, có hiệu quả.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị Luật này chỉ nên quy định về thực hiện dân chủ tại các doanh nghiệp nhà nước là nơi trực tiếp quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư của Nhà nước mà không điều chỉnh đối với các loại doanh nghiệp khác, hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
Nếu quy định về việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp như trong dự thảo Luật thì vừa chồng chéo, trùng lặp, có khả năng gây khó khăn cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khu vực ngoài Nhà nước trong quá trình thực hiện, vừa không đúng bản chất của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Về Thanh tra nhân dân, Uỷ ban Pháp luật tán thành việc chuyển quy định về Thanh tra nhân dân (hiện đang được điều chỉnh tại Luật Thanh tra) sang quy định tại dự thảo Luật này nhưng đề nghị cần kế thừa cách thức quy định của Luật Thanh tra hiện hành, bảo đảm tính đầy đủ và toàn diện của chế định Thanh tra nhân dân.
Đồng thời đề nghị nghiên cứu có phương án phù hợp hơn về tên gọi “Ban Thanh tra nhân dân” để phản ánh đúng bản chất của chế định này là hoạt động giám sát của người dân, tránh nhầm lẫn với hoạt động thanh tra của Nhà nước.
Tác giả: Nguyễn Thu Huyền
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy