Dòng sự kiện:
Đến Huế xem làm tượng ‘ông Táo’ những ngày cuối năm
14/01/2018 10:35:25
Làng Địa Linh nằm kề phố cổ Bao Vinh, thuộc xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế), là nơi hiếm hoi còn lưu giữ nghề làm ông Táo với lịch sử lâu đời.

Những ngày cuối năm, khi Tết ông Công, ông Táo đang cận kề, những người làm nghề đúc tượng ông Táo ở làng Địa Linh thuộc xã Hương Vinh, Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) lại tất bật cho ra lò những bức tượng mới để kịp đơn hàng cuối năm. 

Đất sét là nguyên liệu để làm tượng ông Công, ông Táo.

Tìm về làng Địa Linh, hỏi về nghề làm ông Táo thì không ai ở nơi đây là không biết. Vốn là một ngôi làng với truyền thống lâu đời làm nghề đúc tượng nhưng qua thời gian, nơi đây chỉ còn chưa đầy 5 hộ dân nối nghiệp cha ông.

Dịp cuối năm là vụ chính của nghề làm ông Táo, với những ngày bận rộn, vất vả nhất của những người dân theo nghề này. Để có sản phẩm cung cấp ra thị trường đúng dịp tết ông Táo, người dân phải chuẩn bị các nguyên liệu cần thiết từ tháng 7, tháng 8 âm lịch. Đất sét dùng đúc tượng phải là loại đất có màu vàng, không lẫn cát sạn được nhồi thật mịn nhuyễn, rồi mới cho vào khuôn đúc. 

Những bức tượng mới đang được người thợ hoàn thiện.

Cả quá trình làm ra được một sản phẩm cũng phải đến 15 bước. Tượng sau khi được đúc xong phải phơi cho ráo nước mới đem vào lò nung liên tục 3 ngày liền, trước khi thành phẩm tượng được sơn màu và vẽ kim tuyến cho thêm phần bắt mắt, và tùy theo yêu cầu của khách hàng mà tượng được sơn màu hồng hay đỏ tùy ý.

Những ngày giáp Tết, thời tiết không mấy thuận lợi, mưa nhiều nên để ra được một mẻ tượng phải mất đến 5 ngày.

Bà Lê Thị Vân, người đã 35 năm theo nghề này cho biết: “Cứ đến dịp ni là mưa nhiều lắm, nên làm lâu, vất vả. Trời mà có nắng đem ra phơi vài ngày là khô, chứ mưa dầm dề phải tìm cách mà làm cho tượng ráo mới đem nung được”. Bằng nhiều cách khác nhau như trải dàn ra sân cho quạt sấy, hay xếp bên bên ngoài lò đang nung, họ đều cố gắng làm để tượng được khô nhanh.

Người thợ đang cho tượng ông táo vào lò nung.

Từ đầu tháng 11 âm lịch, nhiều tư thương đã đến đặt mua hàng, nên các sản phẩm sau khi hoàn thành được đóng gói ngay và xếp vào thùng, mỗi thùng khoảng 100 bức tượng. Nhiều tư thương lấy một lần từ 50 đến 60 thùng hàng. 

Mỗi năm, những hộ dân ở Địa Linh cung cấp ra thị trường hàng vạn bức tượng ông Táo. Đặc biệt, dịp cuối năm, tại đây cung cấp ra thị trường gần 1000 sản phẩm mỗi ngày. Các sản phẩm được nhập đến các chợ tại Huế như Đông Ba, An Cựu. Ngoài được người dân địa phương sử dụng thì những bức tượng ông Táo được chuyển đi từ Bắc chí Nam, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong nước.

Người dân dùng quạt để sấy khô các bức tượng ông Táo.

Công việc vất vả, nhưng thu nhập từ nghề này lại rất thấp. Với giá bán buôn từ 500 - 1.000 đồng/tượng, sau khi trừ các chi phí, người dân cũng chỉ kiếm được 80 - 100 nghìn đồng mỗi ngày. Chỉ đến những dịp cao điểm, khan hiếm hàng thì giá của mỗi bức tượng có cao hơn từ 200-300 đồng.

Những năm gần đây, người làm ông Táo Đại Linh đã cố gắng cải thiện chất lượng cũng như sáng tạo ra mẫu mã mới, đa dạng hơn để phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Người thợ tô màu cho các bức tượng ông Công, ông Táo.

Ông Võ Văn Nam, người dân trong làng Địa Linh chia sẻ: "Làm cực lắm, tất bật cả ngày mà thu nhập thấp lắm, không đủ chi tiêu. Giờ họ bỏ nghề hết rồi, họ tìm việc khác chứ bám vô nghề này không đủ sống. Nghề cha ông để lại nên mình nối nghiệp, không nỡ bỏ. Những người dân Địa Linh làm nghề ông Táo, không chỉ lưu giữ được nghề truyền thống của cha ông mà mỗi năm còn mang đến hương vị Tết đến cho mỗi gia đình".

Sản phẩm hoàn thiện được đóng gói để giao cho khách hàng.

Theo tín ngưỡng của người Việt, tam vị Táo quân được xem là vị thần cai quản việc bếp núc và luôn được thờ ở gian bếp của mỗi gia đình. Dù nhà khá giả hay nghèo khó cứ đến 23 tháng chạp hàng năm đều làm lễ cúng để đưa ông Táo về trời báo cáo những chuyện đời sống trong một năm của gia chủ. Đồng thời bộ ba tượng ông Táo mới sẽ được thay lên bếp trong dịp lễ cúng này.

Vân Hồng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến