Dòng sự kiện:
Độc lạ hộp mứt Tết và bánh gạo mang họa tiết tranh Hàng Trống
12/01/2018 20:05:11
Hộp mứt Tết sẽ mang một diện mạo mới với họa tiết tranh Hàng Trống vừa bừng sắc xuân, vừa sang trọng để biếu tặng ngày Tết.

Chúng tôi tìm gặp chị Trịnh Thu Trang, người sáng lập nhóm S River gồm những người trẻ tâm huyết với dòng tranh Hàng Trống, thiết tha với những nét đẹp dân gian và mong muốn lưu lại giá trị truyền thống. Chị là giảng viên Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội cũng là tác giả cuốn sách "Họa Sắc Việt từ tranh Hàng Trống”.

Chị Trang đến với tranh Hàng Trống như một mối duyên. Năm 2013, ý tưởng này được thai nghén khi chị và nhóm làm sự kiện Tết cho một công ty truyền thông. Và nó thực sự thành hình khi chị được gặp nghệ nhân Lê Đình Nghiên, là nghệ nhân hiếm hoi còn “trụ lại” với nghề làm tranh Hàng Trống ở Hà Nội. Chị Trang đã ngạc nhiên trước vẻ đẹp về màu sắc, họa tiết cũng như những cá tính mà dòng tranh mang lại.

Những họa tiết của nhóm S River sáng tạo trên những họa tiết tranh Hàng Trống

Gần 70 bức tranh Hàng Trống nhóm S River đang sở hữu là mồ hôi, nước mắt của cả chục con người suốt 7 năm lặn lội sưu tầm. Nói về kinh phí, chị Trang cho biết không thể đưa ra một con số cụ thể nhưng chắc chắn nó không hề nhỏ.

Chị Trang mong muốn dự án này sẽ giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống của ông cha từ những bức tranh Hàng Trống theo một cách mới, chứ không dừng lại ở việc hoài cổ hay muốn níu giữ lại những cái xưa cũ mà làm sống dậy để nó thật sự mang lại những giá trị với cuộc sống hiện đại.

Chị Trang chia sẻ về cách làm của nhóm S River là: “Chắt lọc những họa tiết tranh Hàng Trống và phối lại để tạo một sản phẩm mới của riêng mình. Chúng tôi phải phân tích cách phối màu của nghệ nhân xưa, nghiên cứu tài liệu để vừa giữ gìn được vẹn nguyên hồn truyền thống, vừa thổi vào đó làn gió mới tươi trẻ hiện đại”.

Theo chị Trịnh Thu Trang, trong 10 thành viên nhóm dự án thì tới 6 bạn là sinh viên, 4 sinh viên trường ĐH Kiến trúc và 2 sinh viên của trường Mỹ thuật Hà Nội.

Đôi giày vàng  là sản phẩm giả định thú vị do ba thành viên 9X của S River thực hiện, lấy cảm hứng từ họa tiết, bảng màu của một số bức tranh Hàng Trống

Khi thực hiện dự án, chị Trang đã truyền tải vốn kiến thức hơn 10 năm trong ngành tới các sinh viên; ngược lại, chị cũng nhận được những chia sẻ từ các bạn trẻ những góc nhìn tươi mới về dòng tranh Hàng Trống.

Chị Trang cho biết, tranh dân gian Hàng Trống là một trong những dòng tranh độc đáo, kết tinh nhiều giá trị thẩm mỹ, tinh thần và tín ngưỡng của người kinh kỳ xưa. Tuy nhiên, sản phẩm mang hồn bản sắc dân tộc ấy lại đang lùi dần vào quá khứ. Dòng tranh này chỉ còn được lưu trữ trong bảo tàng và trong những nỗ lực của một vài nhà sưu tầm tranh hiếm hoi.

Chính vì thế chị và nhóm đã rất khó khăn, vất vả để tìm kiếm, thu thập tư liệu, có những nguồn tư liệu rất khó mua. Việc tìm kiếm này chiếm tới gần như toàn bộ thời gian thực hiện dự án, trong khoảng 4-5 năm.

Diện mạo mới độc đáo của hộp mứt Tết

“Trong quá trình tìm hiểu về họa tiết tranh dân gian, tôi bắt gặp rất nhiều tư liệu về họa tiết truyền thống của Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác… mà không có ở Việt Nam. Nó càng khiến tôi quyết tâm cho ra mắt cuốn sách Họa sắc Việt để đưa những họa tiết truyền thống của người Việt Nam đến gần hơn với cuộc sống hiện đại”, chị Trang tâm sự.

Những họa tiết mà chị Trang và nhóm S River sáng tạo trên nền họa tiết tranh Hàng Trống có tính ứng dụng cao, dùng thể thiết kế vải may mặc, bao bì hàng hóa, sản phẩm truyền thông, bao lì xì... Theo chị Trang, Việt Nam đã có những sản phẩm đặc trưng được người nước ngoài biết đến và sẽ tốt hơn nữa nếu những bao bì trở thành “đại sứ” đưa sản phẩm truyền thống của người Việt ra thế giới. Những họa tiết, màu sắc truyền thống sẽ làm đậm thêm màu sắc, giá trị của sản phẩm Việt.

Hộp bánh gạo với những hình ảnh thuần Việt

Hiện tại nhóm đã chạy thử nghiệm hai sản phẩm mới là hộp mứt Tết và bánh gạo. Nhóm thiết kế của S River sử dụng những họa tiết trong bức “Canh nông vi bản” của tranh Hàng Trống để đưa lên bao bì của bánh gạo Việt. Đó là những hình ảnh sinh động như cày bừa, tát nước, gieo mạ, cấy lúa, gặt lúa, mang về trước sân cùng nhau đập lúa, xay lúa, giã gạo, vừng sàn và cảnh gia súc chạy nhảy trong sân… Nó không chỉ tái hiện mồ hôi công sức của người nông dân để tạo ra hạt gạo mà còn góp phần giới thiệu những giá trị tinh thần và giá trị văn hóa thuần Việt đến bạn bè quốc tế.

Còn hộp mứt Tết nổi bật họa tiết nụ hoa trong bức tranh “Con nai” cùng họa tiết mây và búp lá non trong bức “Hương chủ”. Lấy cảm hứng từ mùa xuân mới đang tới với hoa lá đâm chồi nảy lộc, bằng trí tưởng tượng và tính sáng tạo của mình, nhà thiết kế đã tạo nên sản phẩm đồ họa tạo diện mạo đẹp đẽ đầy tươi mới cho hộp mứt Tết truyền thống. Hộp mứt Tết bừng sắc xuân rạng ngời nhưng lại rất sang trọng phù hợp để biếu tặng ngày Tết.

Mạnh Long

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến