Dòng sự kiện:
Điểm sáng thúc đẩy phát triển kinh tế vùng
10/11/2014 15:48:54
ANTT.VN - “Mặc dù hoạt động kinh doanh của các NHTM còn gặp nhiều khó khăn, nhưng ngành NH những năm qua vẫn dành một số tiền đáng kể hỗ trợ an sinh xã hội (ASXH) cho các vùng khó khăn. Tôi đánh giá cao nỗ lực của ngành NH trong công tác ASXH”, đó là phát biểu của Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị giao ban của Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, tổ chức ngày 8/11 tại Yên Bái, nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2014 và đề ra phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.

Tin liên quan

Tham dự còn có đồng chí Vũ Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ; đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN; đồng chí Trần Việt Hùng, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đồng chí Trương Xuân Cừ, Phó trưởng ban phụ trách Ban Chỉ đạo Tây Bắc; lãnh đạo Cơ quan thường trực 3 Ban là: Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ; lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, các tỉnh vùng Tây Bắc là thành viên các Ban Chỉ đạo.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho rằng, sau hơn một năm thực hiện nhiệm vụ, ba Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ Trung ương Đảng giao. Đã tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, công tác dân tộc, tôn giáo và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở. Qua đó, tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ những cơ chế, chính sách và biện pháp cụ thể nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế vùng, xử lý kịp thời những vấn đề nóng phát sinh, tạo môi trường an toàn ổn định cho phát triển. Đặc biệt đẩy mạnh tiến độ, nâng cao chất lượng chương trình khoa học phát triển bền vững vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu khai mạc Hội nghị

Thúc đẩy phát triển kinh tế vùng

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, NHNN đã tạo ra bước đột phá trong chính sách tín dụng cho nông nghiệp - nông thôn với chương trình cho vay thí điểm theo mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên toàn quốc nói chung và khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ nói riêng.

“Nếu chúng ta không làm tốt mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, thì sản phẩm làm ra manh mún không gắn kết được với đầu ra, hiệu quả sản xuất không cao làm triệt tiêu lợi thế cạnh tranh…”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thực hiện Nghị quyết số 14/NQ-CP của Chính phủ, NHNN đã phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN khẩn trương nghiên cứu, khảo sát thực tế một số mô hình tại một số tỉnh, thành phố và xây dựng cơ chế chính sách của chương trình cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao và phục vụ xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp với nhiều chính sách đặc thù.

Lãi suất cho vay của chương trình này từ 7% - 10,5%/năm, hạn mức cấp tín dụng có thể tới 90% giá trị của phương án, dự án vay vốn; trường hợp khách hàng không đủ tài sản đảm bảo khoản vay mà NHTM kiểm soát được dòng tiền theo chuỗi liên kết thì có thể xem xét cho vay không có tài sản đảm bảo.

Hàng loạt các dự án cho vay theo mô hình chuỗi liên kết đã và đang phát huy hiệu quả góp phần hỗ trợ cho các sản phẩm hàng hóa lớn, có tính chất chuyên sâu cao, tạo sức mạnh liên kết theo chuỗi. Từ đó đã tăng lợi thế cạnh tranh, tạo ra giá trị gia tăng lớn cho sản phẩm của vùng, của DN, của quốc gia.

Điển hình như chuỗi liên kết sản phẩm lúa nếp trên địa bàn huyện Phú Tân do Công ty TNHH Thương mại đầu tư Tín Thương triển khai. Tổng kinh phí đầu tư dự án hơn 31,3 tỷ đồng. Agribank Chi nhánh Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh đã cho vay 25 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 7%/năm. Đây là 1 trong 4 DN được UBND tỉnh An Giang lựa chọn phê duyệt cho vay dự án thí điểm chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ trên địa bàn tỉnh theo chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp của Chính phủ.

“Mơ ước của tôi đã trở thành hiện thực, dự án chuỗi liên kết sản phẩm lúa nếp Phú Tân được gắn kết chặt chẽ trong vụ Đông Xuân 2014-2015, đem lại hiệu quả cho bà con nông dân trong vùng sản xuất”, ông Lê Văn Tài, Chủ nhiệm HTX Phú Thượng, xã Phú Thạnh, Phú Tân chia sẻ.

Còn Giám đốc Công ty TNHH Thành Tín - bà Trần Thanh Nga cho biết: “NHNN đã có chính sách hết sức đúng đắn, tạo điều kiện cho công ty chúng tôi được vay vốn từ chương trình cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao và phục vụ xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp. BIDV chi nhánh Sóc Trăng ký hợp đồng tín dụng cho vay 120 tỷ đồng.

DN có thêm nguồn vốn để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, còn người dân tham gia chuỗi sản xuất cũng yên tâm hơn khi được DN đảm bảo cung ứng giống, phân bón, thuốc trừ sâu, bao tiêu sản phẩm... qua đó nâng cao hiệu quả trong chuỗi sản xuất cũng như giá trị xuất khẩu của các sản phẩm nông nghiệp”.

Đến nay, tổng số DN được phê duyệt tham gia chương trình cho vay thí điểm là 28 DN để triển khai 30 dự án tại 22 tỉnh, thành phố với số tiền các NHTM đã ký kết với các DN tham gia chương trình lên tới hơn 4.600 tỷ đồng. Đây là 28 DN tiêu biểu đại diện cho 8 ngành nghề sản xuất nông nghiệp có thế mạnh tại 5 khu vực trên toàn quốc.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ: “Nếu chúng ta không làm tốt mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, thì sản phẩm làm ra manh mún không gắn kết được với đầu ra, hiệu quả sản xuất không cao làm triệt tiêu lợi thế cạnh tranh…”

Đi đầu hỗ trợ ASXH

Trong nhiều năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, ngành NH, với khả năng và trách nhiệm cao nhất của mình đã chủ động và đã tích cực tham gia có hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo.

Đặc biệt, trong hai năm qua, mặc dù hoạt động kinh doanh của các NHTM gặp nhiều khó khăn, lợi nhuận sụt giảm mạnh, nhưng với tinh thần tương thân, tương ái và ý thức trách nhiệm cao với cộng đồng, các NHTM vẫn cố gắng dành một số tiền đáng kể, trong đó có một phần không nhỏ trích từ tiền lương, thu nhập của cán bộ nhân viên và người lao động, để tài trợ cho công tác ASXH.

Theo báo cáo nhanh của 12 NHTM, tính đến tháng 10/2014, số tiền tài trợ ASXH mà các NHTM đã cam kết với các tỉnh, thành phố tại khu vực Tây Bắc là gần 418,5 tỷ đồng, trong đó đã thực hiện hơn 117 tỷ đồng; số tiền đã cam kết với các tỉnh, thành phố tại khu vực Tây Nguyên là hơn 135 tỷ đồng, trong đó đã thực hiện hơn 43,3 tỷ đồng.

Riêng đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, số tiền tài trợ ASXH các NHTM đã cam kết đến hết tháng 9/2014 là hơn 393 tỷ đồng, số đã giải ngân gần 323 tỷ đồng.

Ngành NH luôn đi đầu trong hoạt động tài trợ ASXH cho các vùng, miền trong cả nước, đặc biệt là đối với các địa phương, đối tượng còn nhiều khó khăn. Công tác ASXH của ngành NH đã góp phần thiết thực cải thiện cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế và điều kiện sống của một bộ phận dân cư ở các vùng, miền trên toàn quốc, đặc biệt là vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự vào cuộc của các bộ, ngành ở trung ương và các tỉnh ở cả 3 vùng chiến lược: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian tới các tỉnh trong cả ba vùng chiến lược tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc tại các địa phương tập trung theo dõi nhằm phát hiện những vấn đề nổi cộm ở cơ sơ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an ninh, tôn giáo ở cả ba vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Tiếp tục theo dõi tuyên truyền để đồng bào các dân tộc ở cả ba vùng nêu cao tinh thần cảnh giác không nghe, không tin, không theo những đối tượng tuyên truyền đạo trái pháp luật. Tăng cường an ninh biên giới, an ninh chính trị, giải quyết tốt vấn đề dân di cư tự phát. Hội nghị giao ban ba Ban: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ năm 2015 sẽ được tổ chức tại Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ với chủ đề  đảm bảo an ninh biên giới, an ninh đối ngoại.

Tại khu vực Tây Bắc: Tổng dư nợ cho vay đến 31/10/2014 ước đạt 140.811 tỷ đồng, tăng 9,42% so với 31/12/2013, chiếm tỷ trọng 3,7% so với tổng dư nợ toàn nền kinh tế.  Khu vực Tây Nguyên: Đến 31/10/2014, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn các tỉnh khu vực Tây Nguyên ước đạt 134.559 tỷ đồng, tăng 8,17% so với 31/12/2013, chiếm 3,56% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Khu vực Tây Nam Bộ: Đến hết tháng 10/2014, tổng dư nợ cho vay của các TCTD tại khu vực Tây Nam Bộ ước đạt 333.922 tỷ đồng, tăng 9,27% so với 31/12/2013 và chiếm 8,89% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế. 

 

Ngọc Quyết

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến