Đối với ngành vận tải, bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh, người phát ngôn Công ty CP Thương mại dịch vụ Duy Tuấn cho biết, sau đợt dịch đầu, các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ du lịch, vận tải và logistic tại Đà Nẵng mới chỉ phục hồi phần nào trong hơn hai tháng giữa năm 2020. Tuy nhiên, đợt dịch thứ hai bùng phát đã khiến các doanh nghiệp này tiếp tục phải điêu đứng.
“Hiện nay công ty đang phải tạm ngừng kinh doanh bởi lượng khách du lịch đến với Đà Nẵng không còn nữa. Do đó, công ty cũng phải cho nhân sự tạm nghỉ việc không lương. Thời gian vừa rồi, doanh nghiệp chỉ nhận được hỗ trợ về các tổ chức tín dụng về giảm lãi suất, khoanh nợ, tuy nhiên chỉ đến tháng 12/2020, nhưng tình hình này có thể kéo dài hết quý I/2021” bà Oanh chia sẻ.
Doanh nghiệp gặp không ít vướng mắc trong việc làm thủ tục nhận hỗ trợ.
Còn riêng ngành du lịch, theo thống kê của Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, do dịch bệnh Covid-19 diễn phức tạp, thành phố chỉ đón được 2,7 triệu lượt khách tham quan, du lịch, giảm 68,6% so cùng kỳ năm 2019. Trong đó khách quốc tế ước đạt hơn 686 ngàn lượt, giảm 80,5% so với năm 2019; khách nội địa ước đạt hơn 2,03 triệu lượt, giảm 60,6% so với năm 2019. Tổng thu du lịch ước đạt hơn 10 ngàn tỷ đồng, giảm 65,1% so với năm 2019.
Các hoạt động kinh doanh du lịch, các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ hoạt động cầm chừng, phải cắt giảm nhân sự, cho nhân viên nghỉ dài hạn. Một số đơn vị phải tạm dừng hoạt động. Dự kiến năm 2020, ước thiệt hại tổng thu của cả ngành du lịch thành phố khoảng 26 ngàn tỷ đồng, trong đó, ước tổng thiệt hại (trực tiếp) tại các doanh nghiệp lữ hành khoảng 659 tỷ đồng, tại các cơ sở lưu trú du lịch khoảng 4.800 tỷ đồng, tại doanh nghiệp vận chuyển du lịch khoảng 518 tỷ đồng và các khu, điểm du lịch khoảng 827 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khách sạn Đà Nẵng, hiệp hội cũng đang khích lệ các khách sạn mở cửa ở mức tối thiểu để hạn chế thua lỗ, đồng thời để người lao động quay trở lại làm việc.
“Chúng tôi đang triển khai các gói khuyến mại cho người Đà Nẵng cũng như các tỉnh miền Trung và đặc biệt là những tỉnh thành có chuyến bay thẳng đến Đà Nẵng mặc dù lượng booking không nhiều” ông Quỳnh thông tin.
Nói về chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Đà Nẵng cho biết: "Về gói hỗ trợ lần 2 này, chúng tôi thấy tiêu chí có nhiều vướng mắc để hoàn thành các thủ tục. Có những doanh nghiệp doanh thu giảm đến 70% sắp tới phải dừng. Nhưng có doanh nghiệp doanh thu chỉ giảm từ 40% đến 50%, có cơ hội phục hồi thì không được hỗ trợ. Do đó, chúng ta nên xem lại".
Trước những khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, doanh nghiệp gặp không ít vướng mắc trong việc làm thủ tục nhận hỗ trợ.
Ông Bình cho biết thêm, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Đà Nẵng đã đề xuất các cấp cần xem xét, nghiên cứu hỗ trợ kịp thời trong việc giãn nợ, giảm lãi suất vay, gia hạn thuế, không điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng do Nhà nước kiểm soát giá, nghiên cứu đơn giản thủ tục hành chính để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời điểm này.
Sau khi nhận được được đơn đề nghị hỗ trợ của Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, UBND thành phố đã đề nghị các sở, ngành, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai đồng thời nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh hơn công tác, tuyên truyền phổ biến về các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp do ngành, đơn vị, địa phương đang triển khai thực hiện, nhất là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động do dịch bệnh Covid-19.
Các đơn vị liên quan phải có văn bản gửi đến các hội, hiệp hội doanh nghiệp thông báo về các chính sách do ngành, đơn vị, địa phương đang triển khai thực hiện để các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp được tiếp cận thông tin đầy đủ, làm cơ sở để phổ biến đến các doanh nghiệp hội viên của hội, hiệp hội.
Đối với những chính sách thuộc thẩm quyền điều chỉnh của Trung ương đang được triển khai thực hiện có các quy định về đối tượng, tiêu chí, điều kiện áp dụng còn nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, không có nhiều doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện được hưởng chính sách, UBND thành phố đề nghị các đơn vị phải nghiên cứu, có kiến nghị cụ thể đối với Trung ương để kịp thời điều chỉnh, đảm bảo chính sách được triển khai có hiệu quả trên thực tế.
Riêng đối với chính sách hỗ trợ lãi vay và các chính sách hỗ trợ cấp bách cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19, UBND thành phố kính đề nghị Sở Tài chính, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Cục thuế thành phố, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng và các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai, thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn và ổn định sản xuất, kinh doanh.
Phước Nguyên
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy