Quỹ ngoại liên tục điệp khúc đăng ký mua và không mua được cổ phiếu Vinamilk
Giá cổ phiếu Vinamilk từ mức trên 200.000 đồng đến nay còn dưới 130.000 đồng nhưng quỹ ngoại vẫn không mua được.
Điệp khúc “đăng ký mua – không mua được – đăng ký mua”
Cổ đông ngoại F&N Dairy Investments đăng ký mua thêm hơn 17,41 triệu cổ phiếu VNM của Công ty sữa Việt Nam (Vinamilk) từ ngày 19.10 – 16.11. Thông báo này diễn ra ngay khi F&N Dairy công bố chưa mua được cổ phiếu nào trong tổng số hơn 14,5 triệu cổ phiếu đăng ký mua trước đó. Nguyên nhân không mua được vẫn như nhiều lần trước mà F&N Dairy công bố là “do điều kiện thị trường không phù hợp”. Hiện tại F&N Dairy đang sở hữu gần 301,5 triệu cổ phiếu VNM tương ứng 17,31% tổng số cổ phiếu của Vinamilk.
Điệp khúc gom hàng của F&N Dairy đã diễn ra hơn một năm nay. Theo ước tính, sau đợt mua tổng cộng hơn 78 triệu cổ phiếu Vinamik tại buổi chào bán cạnh tranh cuối năm 2016, quỹ đầu tư ngoại đã miệt mài đăng ký khoảng 18 lần mua thêm cổ phiếu Vinamilk thông qua giao dịch khớp lệnh.
Nhưng cũng nhiều đợt cổ đông ngoại này không mua được cổ phiếu nào và một số lần mua được số lượng rất ít. Ví dụ cuối tháng 4.2018, F&N Dairy thông báo đã mua được 705.080 trong tổng số hơn 14,5 triệu cổ phiếu đăng ký mua; ngày 31.5 báo cáo mua được 130.000 cổ phiếu trong tổng số hơn 14,5 triệu cổ phiếu đăng ký; đầu tháng 7 không mua được cổ phiếu nào hay giữa tháng 9 cũng không mua được cổ phiếu nào như đăng ký…
Tương tự, một cổ đông ngoại khác của Vinamilk là Platinum Victory cũng liên tục đăng ký gom mua cổ phiếu nhưng nhiều lần không thành công. Mới nhất, cổ đông này không mua được hơn 14,5 triệu cổ phiếu đăng ký từ 22.8 – 20.9 và vẫn đang sở hữu hơn 154 triệu cổ phiếu VNM, tương ứng 10,62% vốn. Trước đó giữa tháng 7, Platinum chỉ mua được 129.270 cổ phiếu trong tổng số hơn 14,5 triệu cổ phiếu đăng ký mua…
Quá khó hiểu?
Thông thường, việc đăng ký mua vào lượng lớn với hàng chục triệu cổ phiếu nói trên sẽ góp phần “kích” giá trên sàn bởi các nhà đầu tư khác đôi khi sẽ chạy theo. Nhất là nhà đầu tư trong nước luôn đánh giá cao sự tham gia của các cổ đông ngoại ở một doanh nghiệp nào đó. Thế nhưng trong trường hợp F&N Dairy khi liên tục đăng ký mua cổ phiếu VNM thì việc này đã trở thành quá quen thuộc đến mức hầu như các nhà đầu tư khác không quan tâm. Thậm chí nhiều nhà đầu tư cá nhân không thể hiểu nổi động thái của các quỹ ngoại này.
Chị Thu Hà – một nhà đầu tư tại TP.HCM – nhận xét: Lý do thị trường không phù hợp mà các quỹ ngoại giải thích khi không mua được cổ phiếu VNM như đăng ký từ đầu năm đến nay không hợp lý. Dù mức giá mong muốn của F&N Dairy không công bố nhưng từ mức trên 200.000 đồng/cổ phiếu đến nay giá giảm gần một nửa mà vẫn không mua được thì không biết cổ đông ngoại này muốn gì?
Chuyên gia đầu tư chứng khoán Phan Dũng Khánh cũng cho rằng, không ai biết mục đích thật sự của việc liên tục gom mua cổ phiếu VNM của cổ đông ngoại, nhất là F&N Dairy. Bởi giá cổ phiếu đã đi xuống nhiều nhưng vẫn không phù hợp là quá phi lý. Hay nhà đầu tư ngoại có kỳ vọng giá VNM giảm nữa? Hoặc có vấn đề gì khác trong điệp khúc đăng ký mua rồi không được và đăng ký tiếp?
Theo báo cáo phân tích phát hành cuối tháng 9 của Công ty chứng khoán Ngân hàng Đông Á, việc tăng trưởng giá cổ phiếu VNM sẽ khó duy trì mạnh như quá khứ trong 1-2 năm tới. Tuy nhiên, ở mức độ ngắn hạn, VNM vẫn cho thấy một khả năng phục hồi đáng kể và mang lại lợi nhuận đủ sức chiều lòng nhà đầu tư. Mục tiêu ngắn hạn công ty này đưa ra là 155.000 đồng/cổ phiếu.
F&N Dairy là công ty con của Tập đoàn Fraser & Neave Limited và cũng thuộc quyền sở hữu của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi – người đang đứng đầu Tập đoàn ThaiBev đã mua cổ phần chi phối tại bia Sài Gòn (Sabeco). Tại Việt Nam, các công ty của vị tỷ phú Thái này còn sở hữu hàng loạt khoản đầu tư lớn khác như khách sạn Melia Hà Nội; sở hữu hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam… Trong khi đó, quỹ Platinum Victory thuộc sở hữu của Tập đoàn Jardine Cycle & Carriage (JC&C) có trụ sở tại Singapore. Tuy nhiên, JC&C chỉ là công ty con do Jardin Matheson Group (trụ sở tại Hong Kong) sở hữu 75% vốn. Tại Việt Nam, tập đoàn này hiện cũng sở hữu vốn tại hàng loạt doanh nghiệp lớn như Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE); Công ty cổ phần Ôtô Trường Hải (THACO); Ngân hàng Á Châu (ACB); KFC Việt Nam; Pizza Hut… |
Theo báo Thanh Niên
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy