Tin liên quan
Sơn La vốn được biết đến như một tỉnh thuộc loại nghèo nhất của cả nước với một vài con số thống kê như: số hộ nghèo và cận nghèo còn chiếm tới 39%, chỉ có khoảng 25% người dân được tiếp cận với nguồn nước sạch, hàng năm ngân sách trung ương vẫn phải hỗ trợ tới hai phần ba toàn bộ chi ngân sách của tỉnh...
Vừa qua, Sơn La bỗng trở nên nổi tiếng hơn bởi dự án xây tượng đài và quảng trường... với chi phí đầu tư lên đến 1.400 tỉ đồng. Đơn giản là giữa lúc Chính phủ đang chủ trương tiết kiệm tối đa việc chi tiêu ngân sách thì một tỉnh nghèo như vậy lại vung tiền không tiếc cho một công trình được cho là không thiết thực.
Nhiều khía cạnh khác nhau liên quan đến câu chuyện này đã được mổ xẻ. Từ góc độ thể chế và cho mục tiêu cải cách thể chế nói chung nhằm nâng cao năng lực quản trị quốc gia của hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước, cần đặt thêm một số vấn đề để phân tích, và có chăng rút ra bài học không chỉ cho Sơn La mà còn cả các địa phương khác.
Vấn đề thứ nhất, khi phê chuẩn dự án xây tượng đài và quảng trường nói trên thì quyền lực đại diện và năng lực “bỏ phiếu” của các đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh Sơn La có được bảo đảm?
Câu hỏi này liên quan đến các nguyên lý căn bản của tổ chức chính quyền địa phương, đã từng là đề tài nóng trong các thảo luận về sửa đổi Hiến pháp năm 2013 và ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương thời gian vừa qua. Dù gì thì một nguyên tắc quan trọng vẫn luôn được khẳng định một cách nhất quán, đó là: “Hội đồng nhân dân gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở địa phương bầu ra, là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên”. Diễn nôm ra, theo đó, trong mọi hành động, HĐND nói chung và các đại biểu HĐND nói riêng phải lấy người dân tại địa phương làm đầu.
Thế mà, khi bỏ phiếu thông qua Nghị quyết 127/NQ-HĐND ngày 8-7-2015 phê chuẩn đề án xây dựng tượng đài Bác Hồ kèm quảng trường với tổng kinh phí 1.400 tỉ đồng, với sáu căn cứ được viện dẫn, bao gồm duy nhất là các luật và văn bản chỉ đạo của cơ quan cấp trên có liên quan, các đại biểu HĐND tỉnh Sơn La không hề nhắc đến bất cứ điều gì về “ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ” của nhân dân cả (!).
Việc thực hiện các dự án có ý nghĩa xã hội lớn cần dựa trên ý chí và nguyện vọng của người dân. Trong ảnh: Người dân tộc vùng Tây Bắc tham gia gia xây dựng đường giao thông. Ảnh: KINH LUÂN
Tình huống này, về lý thuyết, có thể được biện hộ giống với câu chuyện “chặt cây xanh” ở Hà Nội vài tháng trước, khi đó một đại diện của cơ quan chính quyền thành phố đã phát biểu đại ý rằng quan chức đã do dân bầu rồi thì không cần thiết việc gì cũng phải hỏi dân. Giả sử rằng các vị đại biểu HĐND Sơn La cũng tư duy như vậy thì xin được phản hồi, từ giác độ nhân dân rằng: Đành rằng không nên và không thể bất cứ việc gì các “ông nghị, bà nghị” địa phương cũng phải hỏi dân, nhưng một việc chi tiêu đến 1.400 tỉ không thiết thực, lại ở một vùng nghèo như vậy, thì có nên hay buộc phải xin ý kiến người dân không?
Ngoài ra, xin được lưu ý rằng quyền lực đại diện của các vị đại biểu do dân bầu về bản chất không phải là cơ chế ủy quyền pháp lý mà chỉ thể hiện sự tín nhiệm chính trị của các cử tri đối với phẩm chất và năng lực của những người được lựa chọn, bảo đảm rằng họ luôn luôn quan tâm và hành động vì lợi ích của nhân dân.
Sau vụ “chặt cây xanh” ở Hà Nội, lãnh đạo thủ đô đã công khai thừa nhận các sai lầm và thiếu sót, với một chia sẻ rằng “không lường trước được sự bức xúc của dư luận”, tức không đo được lòng dân. Để khắc phục điều này, cả pháp luật cũng như thực tiễn đã chỉ ra rất nhiều cơ chế và giải pháp như các cuộc họp tham khảo ý kiến cử tri trước các kỳ họp Quốc hội và HĐND hay thủ tục đánh giá tác động kinh tế - xã hội trong quy trình phê duyệt các dự án đầu tư theo Luật Đầu tư và Luật Xây dựng. Trở lại đề tài này, các vị đại biểu HĐND khi bỏ phiếu đã hầu như vừa không ý thức được địa vị của mình, vừa không tuân thủ đúng các quy định pháp luật. Và như vậy thì một câu hỏi tiếp theo rất đáng để suy ngẫm là nếu các vị đại biểu HĐND này đã không bỏ phiếu theo ý chí và nguyện vọng của nhân dân thì họ đã hành động và quyết định vì lợi ích của ai?
Vấn đề thứ hai, qua câu chuyện xây tượng đài ở Sơn La như một ví dụ, thì có hay không cơ hội giám sát và phản biện xã hội ở giai đoạn “tiền chính sách” tại cấp chính quyền địa phương?
Quản trị quốc gia nói chung và quản lý nhà nước nói riêng trong một xã hội dân chủ đòi hỏi sự minh bạch và trách nhiệm giải trình. Điều này có nghĩa rằng xã hội và người dân phải có quyền được biết, được bàn, được giám sát và phản biện đối với các quyết sách, bao gồm cả các dự án, có ý nghĩa và tác động xã hội lớn, ngay từ khi nó được khởi thảo và chuẩn bị. Trong thời gian qua, các dự án lớn mang tầm quốc gia như Đường sắt cao tốc Bắc - Nam hay sân bay Long Thành về cơ bản đã trải qua quy trình này ở cả bên ngoài và trong Quốc hội, trước khi được quyết định chính thức. Quy trình này có thể được tạm gọi chung là “phản biện xã hội tiền chính sách”. Câu hỏi ở đây là các dự án như thế ở cấp độ địa phương có được thực hiện theo cách thức tương tự không?
Có thể đơn cử dự án “lấp sông Đồng Nai” gần đây. UBND tỉnh đã quyết định và cấp phép, theo đó chủ đầu tư đã bỏ vốn đầu tư. Tuy nhiên, khi thông tin về dự án được công khai và bị dư luận phản đối thì các nguy cơ tổn hại về môi trường mới được xem xét một cách nghiêm túc và hậu quả là dự án phải tạm đình chỉ do một quyết định từ trung ương. Câu chuyện này chắc chắn sẽ không chấm dứt nếu chủ đầu tư thực hiện quyền dân sự của mình bằng việc khởi kiện UBND Đồng Nai đòi bồi thường thiệt hại. Đồng thời, sau đó uy tín chính trị của cơ quan chính quyền tỉnh với cả người dân và cấp trên chắc chắn cũng bị tổn hại.
Còn có thể nêu ra hàng loạt ví dụ khác của tình trạng các dự án ở địa phương, thậm chí đầu tư bằng ngân sách nhà nước, đã được quyết định rồi được triển khai, dư luận chỉ phát giác và phản biện khi đã quá muộn, như dự án xây Văn miếu ở Vĩnh Phúc hay dự án xây tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam. Như vậy, báo chí có cơ hội vào cuộc một cách quá muộn, người dân được thực hiện quyền tiếp cận thông tin một cách ngẫu nhiên và quá trễ; hệ quả là các khiếm khuyết và sai sót không được khắc phục dẫn đến bức xúc xã hội không được giải tỏa, càng bị dồn nén và tích tụ thêm...
Nên đọc
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy