Dòng sự kiện:
Dự án nhiệt điện BOT Vân Phong 1 chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận đầu tư
13/12/2017 06:00:16
Bộ KH-ĐT cho biết dự án nhiệt điện BOT Vân Phong 1 còn một số tồn tại chưa đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Tin tức Sài Gòn đầu tư đăng tải, dự án nhiệt điện BOT Vân Phong 1 do Tập đoàn Sumitomo đề xuất thực hiện với tổng mức đầu tư 2,58 tỷ USD. Hiện dự án đang được các bộ, ngành thẩm định, cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án.

Tuy nhiên, trong báo cáo gửi Thủ tướng mới đây, Bộ KH-ĐT cho rằng dự án nhiệt điện BOT Vân Phong 1 còn một số tồn tại chưa đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Cụ thể, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án được Bộ Công Thương phê duyệt không xác định rõ tổng mức đầu tư dự án nhiệt điện Vân Phong 1, tổng mức đầu tư dự án sẽ được xác định trong quá trình đàm phán hợp đồng BOT. Nhưng trong dự thảo hợp đồng BOT được gửi đến Bộ KH-ĐT lại chưa xác định tổng mức đầu tư.

Bộ Công Thương cho biết, do đặc thù của dự án BOT điện, giá điện của dự án được xác định chủ yếu dựa trên tổng mức đầu tư, trong khi tổng mức đầu tư của dự án phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố pháp lý, thương mại, và các chi phí tài chính. Vì vậy, tổng mức đầu tư dự án chỉ có thể được xác định sau quá trình đàm phán, và giá bán điện dự án được phê duyệt.

Theo kết quả đàm phán hợp đồng mua bán điện giữa EVN và Sumitomo, tổng vốn đầu tư dự án khoảng 2,34 tỷ USD, cộng với 10% chi phí dự phòng, và tổng vốn đầu tư dự án được xác định 2,58 tỷ USD. Tuy nhiên, tổng mức đầu tư cuối cùng của nhiệt điện BOT Vân Phong 1 chỉ được xác định khi hợp đồng BOT được ký kết.

Ý kiến thẩm tra dự án của các bộ, ngành liên quan cũng cho thấy, một số nội dung trong dự thảo hợp đồng BOT, hợp đồng thuê đất dự án chưa phù hợp với quy định.

Một vấn đề khác khiến Bộ KH-ĐT băn khoăn về dự án nhiệt điện BOT Vân Phong 1 là báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án (ĐTM) đã được Bộ Tài nguyên-Môi trường phê duyệt từ tháng 3-2015. Theo quy định của Luật bảo vệ môi trường, trường hợp báo cáo ĐTM dự án đã quá 2 năm nhà đầu tư phải lập lại báo cáo ĐTM cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. Trường hợp dự án chưa được phê duyệt báo cáo ĐTM sẽ không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định pháp luật.

Trước đó, báo Người lao động đăng tải, ông Phạm Văn Chi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - người đang tham gia tư vấn, phản biện dự án Nhiệt điện Vân Phong 1, cho rằng nhà máy nhiệt điện than bản chất là gây ô nhiễm cho dù nhà đầu tư Sumitomo có năng lực, công nghệ hiện đại. "Tôi hy vọng dự án khi triển khai phải kỹ càng. Cẩn thận nhất chính là vấn đề về môi trường và cuộc sống người dân" - ông Chi lưu ý.

Theo ông Chi, vịnh Vân Phong có lợi thế là nước sâu nên việc nạo vét xây dựng cầu cảng sẽ thuận lợi hơn ở nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nhưng như thế không phải là không ảnh hưởng đến môi trường, dù sử dụng công nghệ hiện đại. Ông Chi cho rằng có 3 vấn đề cần phải tính toán kỹ. Thứ nhất, nếu sử dụng than quốc tế có hàm lượng tốt nhất là 85% carbon và 15% xỉ bã thì với công suất 1.320 MW (giai đoạn 1) phải mất gần 16.000 tấn than/ngày. Lượng than này sẽ đốt khoảng 34.000 tấn ôxy. Thứ hai, lượng xỉ bã than chiếm khoảng 15% đổ ra sẽ xử lý như thế nào? Thứ ba, là ô nhiễm axít, vì có 5% lưu huỳnh trong than khi bốc hơi sẽ tạo thành 750 kg axít/ngày, sẽ tạo thành mưa axít. Bên cạnh đó, nước thải làm mát khi xả ra môi trường sẽ có nhiệt độ khoảng 80 độ C, cá tôm bị ảnh hưởng như thế nào?

Về các tác động môi trường, ông Phi cho rằng vấn đề này Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có đánh giá, dự án phải bảo đảm mới được triển khai. Về lâu dài, Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong sẽ di dời toàn bộ người dân ở đây ra khỏi khu vực xây dựng các công trình công nghiệp để tránh các vấn đề phát sinh.

Xuân Tùng (t/h) 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến