“Đừng có nói đến chuyện NHNN có phải chịu cam kết hay không”
13/08/2015 12:57:07
ANTT.VN - “Tôi cho rằng, đến hôm nay, chúng ta đừng có nói đến chuyện NHNN có phải chịu cam kết hay không. Một thế giới đang chuyển động nóng bỏng như thế, ngoài sức tưởng tượng như thế thì rõ ràng chúng ta không nên đặt ra vấn đề cam kết nữa”, TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia chia với phóng viên ANTT.VN.

Tin liên quan

Hành động phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã gây sốc toàn thế giới.

Biến cố “nhân dân tệ” đã bất ngờ đè thêm những áp lực khủng khiếp lên công tác điều hành tỷ giá. Nhưng trước nước cờ gây sốc của Bắc Kinh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), với trách nhiệm và công cụ của mình cũng ngay lập tức đưa ra giải pháp bước đầu, đó là nới biên độ giao dịch tỷ giá thêm 1% - một phương án mà chính Trung Quốc trước đó cũng đã từng sử dụng.

Phản ứng đầu tiên của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ được thị trường đón nhận, đồng tình và ủng hộ. “Nhanh”, “kịp thời”, “phù hợp” - đó những đánh giá mà giới phân tích đã sử dụng để bình luận về bước đi của NHNN vào chiều muộn ngày 11/8 với Quyết định số 1595/QĐ-NHNN.

Việc biên độ tỷ giá giao dịch đã được nới lên mức 2%, trước mắt, “khoảng sân” cho ngoại tệ đã ít nhiều cơi nới; sức ép cho tỷ giá cũng tạm thời được “pha loãng”, dù SBV vẫn chưa phải phá giá VND.  

Với biên độ này, thị trường có thể có dao động nhất định trong vài ngày đầu sau đó sẽ ổn định”, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đánh giá và cho biết quan điểm, “Tác động của việc giảm giá đồng CNY của Trung Quốc đối với tỷ giá USD/VND có dấu hiệu mạnh lên nhưng không nhất thiết phải điều chỉnh tỷ giá thời điểm này”.

“Đến hôm nay, chúng ta đừng có nói đến chuyện NHNN có phải chịu cam kết hay không”

Song, thông tin mới cập nhật cho hay, mở cửa phiên giao dịch sáng nay (13/8), Trung Quốc đã lại tiếp tục phá giá nhân dân tệ thêm 1,1%, đưa tỷ giá tham chiếu về mức mức 6,4010 CNY đổi 1 USD. Như vậy, chỉ trong 3 ngày ngắn ngủi, PBoC đã liên tiếp 3 lần hạ giá kỷ lục đồng nhân tệ (lần lượt 1,9% và 1,6% trong 2 ngày trước đó).

Trước hành động can thiệp đầy thô bạo của nhà điều hành Trung Quốc, thử thách cho tỷ giá USD/VND càng lúc càng gay gắt và thị trường lại thêm một lần nữa dõi ngóng về động thái tiếp theo của NHNN. Có phải SBV chỉ cần nới biên độ hay đã đến lúc “cam kết 2%” sẽ phải được phá rào?

Tôi cho rằng, đến hôm nay, chúng ta đừng có nói đến chuyện NHNN có phải chịu cam kết hay không. Một thế giới đang chuyển động nóng bỏng như thế, ngoài sức tưởng tượng như thế thì rõ ràng chúng ta không nên đặt ra vấn đề cam kết nữa”, TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia chia với phóng viên ANTT.VN.

TS. Trương Văn Phước - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.

TS. Phước cho rằng một NHTW tầm cỡ như PBoC mà bỗng chốc lại hành động gây sốc như vậy thì rõ ràng khó ai có thể lường đoán, tính toán và trù liệu trong kế hoạch.

Làm sao mà ai có thể biết được NHTW của quốc gia lớn như Trung Quốc, nền kinh tế  thứ hai thế giới lại có thể điều chỉnh quá mạnh tỷ giá liên tiếp nhiều ngày như thế. Ngày 1,9%, ngày 1,6%, ngày 1,1%... biết đâu ngày mai họ vẫn điều chỉnh tiếp thì sao. Thế giới chưa từng có tiền lệ nước nào làm như Trung Quốc cả. Đó là một động thái quá bất thường”, ông nói.

“Lợi ích của nền kinh tế mới là yếu tố mang tính quyết định”

Trong khi đó, dẫn lời trên báo chí, đánh giá về việc lòng tin của thị trường vào các cam kết của NHNN có bị “sứt mẻ” sau quyết định nới lỏng biên độ vừa rồi, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng cam kết ổn định tỷ giá của NHNN trước đây đã có một sức nặng đáng kể trong việc chi phối kỳ vọng của thị trường.

Chúng ta cần hiểu rằng, ở bất kỳ thời điểm nào, NHNN cũng luôn phải đưa ra một cam kết sẽ ổn định tỷ giá. NHNN không thể tuyên bố với thị trường rằng: “vào ngày này, giờ này, tôi sẽ phá giá từng này phần trăm”, TS. Độ giải thích và đánh giá rằng nếu NHNN không thể hiện một quan điểm cứng rắn, sẽ không thể khống chế được kỳ vọng của thị trường, nhất là khi bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước đang ủng hộ cho xu hướng VND mất giá.

TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính).

Do đó, nếu kỳ vọng phá giá VND không được khống chế, số người tham gia đầu cơ USD sẽ ngày càng lớn. Xu hướng này, sẽ tạo nên một quả cầu tuyết ngày càng to và đến một lúc nào đó nó sẽ phá vỡ hệ thống tiền tệ quốc gia. Mặc dù vậy, khi chi phí của việc giữ tỷ giá lớn hơn lợi ích mà nó đem lại, tức là khi có lý do chính đáng, việc phá vỡ cam kết cần được tính đến.

Quyết định nới biên độ giao dịch tỷ giá vừa qua cho thấy, không phải những cam kết của Thống đốc, mà lợi ích của nền kinh tế mới là yếu tố mang tính quyết định và chi phối việc hoạch định chính sách tiền tệ và tỷ giá của NHNN”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách để tiếp tục ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong biên độ quy định, theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, các dự báo kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành chính sách một cách phù hợp”, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN đã trả lời như vậy khi trả lời câu hỏi của phóng viên về việc “NHNN sẽ thực hiện các giải pháp gì để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối?”.

Ninh Giang

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến