Dòng sự kiện:
QNS 'xa rời' thực tế, liệu có thu hút được các nhà đầu tư đại chúng?
18/09/2018 14:05:38
CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS) luôn đặt kế hoạch kinh doanh thấp, xa rời thực tế khiến khiến giá cổ phiếu luôn bị định giá thấp hơn giá trị thực.

Kế hoạch kinh doanh thấp

Theo kết qủa công bố, trong 6 tháng đầu năm, QNS đạt doanh thu 3.974 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ 2017; lợi nhuận sau thuế đạt 557 tỷ đồng, tăng gần 14% so với cùng kỳ. Như vậy, QNS hoàn thành 52% kế hoạch doanh thu và vượt 187% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Kết quả trên cộng với việc Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty đăng ký mua vào khiến giá cổ phiếu QNS tăng từ 35.000 đồng/cổ phiếu lên 38.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, mức tăng doanh thu của QNS được đánh giá là khiêm tốn, khi mà doanh thu sữa đậu nành và các sản phẩm thực phẩm đồ uống khác giảm.

Theo các chuyên gia nhận định, nhà đầu tư thiếu thông tin để định giá cổ phiếu QNS cho cả năm, nên dù Chủ tịch Công ty liên tục mua vào, phát tín hiệu giá cổ phiếu đang thấp hơn giá trị thực, rất có thể thị giá cổ phiếu này khó duy trì được đà tăng mạnh.

Theo phân tích, kể từ khi đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM vào cuối năm 2016, QNS luôn báo cáo doanh thu thực hiện khá sát với mục tiêu đề ra, nhưng lợi nhuận luôn vượt kế hoạch tính bằng lần.

QNS cho biết, kế hoạch lợi nhuận thấp có  liên quan đến hệ thống lương thưởng nội bộ được thiết lập từ lâu, tức chính sách thưởng phụ thuộc vào mức vượt kế hoạch lợi nhuận được giao của các nhà máy và cán bộ công nhân viên.

Như vậy, rõ ràng, QNS đặt kế hoạch thấp để cán bộ nhân viên được hưởng mức thưởng cao. Kế hoạch lợi nhuận đặt ra chỉ phục vụ lợi ích của người lao động, mà không đoái hoài gì đến lợi ích của cổ đông, nhà đầu tư đại chúng.

Theo nhiều nhà đầu tư, việc Ban lãnh đạo đặt kế hoạch kinh doanh thấp quá xa khả năng thực hiện là một thiệt hại cho cổ đông, bởi thông thường, khi doanh nghiệp công bố kết quả lợi nhuận cả năm cao, giá cổ phiếu sẽ tăng.

Bản thân lãnh đạo QNS từng thừa nhận với báo chí hồi cuối năm 2017: Cổ phiếu QNS giảm (lúc đó khoảng 60.000 đồng/cổ phiếu) ngoài yếu tố thị trường còn bởi QNS trước nay như “người mặc áo gấm đi đêm”.

Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu QNS (sau điều chỉnh, chia tách) đã giảm hơn 34% thị giá, có thời điểm giảm sâu hơn 50%. Kết phiên 14/9, QNS đang giao dịch ở mức P/E dự phóng theo kế hoạch lợi nhuận hơn 50 lần.

Chưa chú trọng lĩnh vực Marketing

Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC), QNS cần chiến lược bán hàng và marketing hiệu quả hơn để đẩy mạnh tăng trưởng.

HSC chỉ ra thực tế, QNS có thế mạnh lớn ở mảng kinh doanh sữa với sản phẩm sữa đậu nành Vinasoy đã có thương hiệu, song hiện đang phải đối mặt với nhiều cạnh tranh lớn. Bao gồm: Các sản phẩm từ sữa như sữa bò. Mặc dù lượng tiêu thụ tăng lên trong những năm gần đây, sữa đậu nành vẫn chưa được nhìn nhận rõ ràng là một đồ uống dinh dưỡng ở Việt Nam. Và hình ảnh này hiện thuộc về các sản phẩm từ sữa động vật nhờ chiến lược marketing thương hiệu ồ ạt. Các sản phẩm sữa đậu nành của các thương hiệu khác như Vinamilk & Nutifood. Hiện tại, QNS có sữa đậu nành nguyên chất, sữa đậu nành canxi, sữa đậu nành cho nam giới, và sữa đậu nành mè đen. Phía VNM có sữa đậu nành canxi, sữa đậu nành nha đam, sữa đậu nành óc chó, và sữa đậu nành giàu protein. Còn Nutifood có sữa đậu nành canxi và sữa đậu nành nguyên chất.

QNS cũng không đạt được nhiều thành công trong việc giành thị phần từ các sản phẩm sữa đậu nành không có thương hiệu. Do vậy, để cạnh tranh sòng phẳng, QNS cần có chiến lược marketing hiệu quả hơn.

Theo ước tính của HSC, doanh thu ngành sữa đậu nành (các sản phẩm có thương hiệu) của QNS sẽ tăng trưởng 8%, đồng thời thị phần của QNS sẽ giảm từ 83% năm 2017 xuống 80% trong năm 2018. Do đó, sản lượng sữa đậu nành tiêu thụ dự báo đạt 240 triệu lít, tăng trưởng 3,6%.

Xuân Tùng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến