Đường sắt ở nước ngoài không có chuyện uốn lượn lên xuống!
29/06/2015 10:37:39
TS Phạm Xuân Mai cho rằng, các tuyến đường sắt ở nước ngoài không có chuyện uốn lượn lên xuống như vậy. Việc uốn lượn sẽ gây khó khăn trong việc xây dựng để đảm bảo độ dốc phù hợp.

Tin liên quan

Mấy ngày nay, trước thông tin nhiều đoạn trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) có tình trạng uốn lượn lên xuống, mấp mô, hàng loạt chuyên gia đã lên tiếng với những ý kiến trái chiều nhau.

Đoạn uốn lượn trên đường Trần Phú-Hà Đông.

Ông Lê Văn Dương (Phó Tổng GĐ Ban QLDA đường sắt) lý giải, sở dĩ có nhiều đoạn uốn lượn là để đảm bảo tối ưu hóa trong vận hành và khai thác đoàn tàu về mặt công năng, tiêu hao năng lượng, trắc dọc được thiết kế với nguyên tắc vào ga lên dốc, ra khỏi ga xuống dốc.

"Ông Dương cho biết thêm, ở một số nước như: Pháp, Đức... một số tuyến đường sắt đô thị cũng được thiết kế theo kiểu uốn lượn mấp mô là do yếu tố kỹ thuật", tờ Vietnamnet thuật lại.

Thế nhưng, trái ngược với quan điểm trên, TS Phạm Xuân Mai (Khoa Kỹ thuật giao thông, Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM) nhận định trên tờ Tuổi Trẻ, các tuyến đường sắt ở nước ngoài không có chuyện uốn lượn lên xuống như vậy.

Theo vị này, việc uốn lượn sẽ gây khó khăn trong việc xây dựng để đảm bảo độ dốc phù hợp, khi hãm xe thì cũng phải hãm đúng mức với độ dốc, nhìn chung sẽ không tiết kiệm được gì.

"Nếu cho rằng việc thiết kế, xây dựng uốn lượn nhằm đảm bảo an toàn, tiết kiệm nhiệu liệu như thông tin từ BQLDA đường sắt, thì người điều khiển nhất thiết phải nâng cao kĩ thuật, kĩ năng để kiểm soát phương tiện hiệu quả", TS Mai nói trên tờ Tuổi Trẻ.

Đồng quan điểm với TS Mai, TS Lê Công Thành (giảng viên bộ môn Đường sắt, trường ĐH GTVT HN) thông tin trên tờ Dân Việt, hiện tại, các nước trên thế giới đều làm đường sắt trên cao chạy thẳng.

Theo đó, chỉ có số ít đường sắt được làm uốn lượn khi chạy ngầm trong lòng đất.

Tuy nhiên, ông Thành cũng cho hay, lý giải thích việc làm đường sắt uốn lượn để giảm việc tiêu thụ năng lượng của đoàn tàu mà Ban QLDA đường sắt đưa ra hoàn toàn có thể chấp nhận được. Chỉ có về mặt mỹ quan thì đường sắt chưa bắt mắt.

Trước đó, trao đổi với Trí Thức Trẻ,  PGS.TS Nguyễn Văn Hùng (nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Hà Nội) nhận định, nhiều ý giải thích của Ban QLDA còn chưa thỏa đáng.

Vị này nhấn mạnh, đường sắt bao giờ cũng phải ưu tiên chạy trên mặt phẳng, trừ lúc vào đoạn đường cong thì phải làm lượn dần một bên theo quy chuẩn cho phép để chống lực li tâm.

Theo Trí Thức Trẻ

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến