Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết giảm lãi suất áp dụng với tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc (DTBB) của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD), tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam. Thời điểm áp dụng ngay từ đầu tháng 12 này.
Cụ thể, tại Quyết định số 2497/QĐ – NHNN ngày 29/11/2019 về mức lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của tổ chức tín dụng tại NHNN quy định, lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND là 0,8%/năm, lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VND là 0%/năm; lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0%/năm, lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0,05%/năm.
Theo đó, lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND của các tổ chức tín dụng là 0,8%/năm, giảm so với mức 1,2% được công bố theo Quyết định 1716 của NHNN năm 2005.
Trong khi đó, lãi suất đối với tiền gửi vượt mức dự trữ bắt buộc bằng VND giữ nguyên là 0%; lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ của các TCTD là 0%; lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0,05%/năm.
NHNN cũng ban hành Quyết định số 2498/QĐ – NHNN ngày 29/11/2019, mức lãi suất tiền gửi bằng VND của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô là 0,8%/năm. Ngoài ra, Quyết định số 2499/QĐ – NHNN quy định mức lãi suất tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tại Ngân hàng Nhà nước, đối với tiền gửi bằng VND của Kho bạc Nhà nước là 1%, lãi suất đối với tiền gửi bằng ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước là 0,05%, lãi suất đối với tiền gửi bằng VND của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là 0,8%/năm.
Theo quy định, các tổ chức tín dụng hoạt động phải có khoản tiền ký gửi cho cơ quan quản lý các tổ chức tín dụng, gọi là dự trữ bắt buộc và ngân sách nhà nước trả lãi cho khoản tiền này.
Vì vậy, lần điều chỉnh này mang ý nghĩa giảm lượng tiền lãi mà NHNN phải trả cho các tổ chức tín dụng ký gửi, mang lại một nguồn thu bổ sung cho ngân sách, hoặc cũng có thể tăng quy mô cho vay của cơ quan quản lý tiền tệ trên thị trường mở với các ngân hàng thương mại.
Về cơ bản, khi khách hàng gửi tiền vào ngân hàng, theo quy định ngân hàng phải giữ một tỷ lệ tiền mặt bắt buộc trên tổng tiền gửi tại ngân hàng trung ương (NHTƯ) để đảm bảo thanh khoản. Hiện tại tỷ lệ DTBB VNĐ đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng là 3%, tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 1%, trong khi ngoại tệ tương ứng là 8% và 6%. Bằng cách thay đổi tỷ lệ DTBB, NHTƯ có thể thay đổi số nhân tiền để điều tiết cung tiền, theo đó nếu giảm nghĩa là có khuynh hướng nới lỏng, ngược lại tăng sẽ là thắt chặt.
Với lượng tiền gửi DTBB để tại NHNN, các TCTD cũng được trả lãi suất theo quy định, với mức 0.8% là theo quy định mới nhất như đã nói. Đối với lượng tiền vượt DTBB, trong khi một số quốc gia có thể vẫn trả lãi, thì tại Việt Nam lãi suất cho mức vượt này là 0%. Cần biết rằng trái với tỷ lệ DTBB, nếu lãi suất cho tiền gửi DTBB giảm đồng nghĩa với lượng tiền lãi các NHTM nhận được cũng sẽ giảm, do đó đây được cho là động thái có khuynh hướng thắt chặt.
Hình dung, giả sử một ngân hàng có số dư huy động vốn là 100 đồng bằng VNĐ và có kỳ hạn dưới 12 tháng, ngân hàng này phải để 3 đồng tại NHNN (theo tỷ lệ quy định 3%). Nếu trước đây ngân hàng nhận được tiền lãi là 0,036 đồng, thì nay chỉ còn được trả lãi 0.024 đồng (bằng 0.8% x 3 đồng), tức lượng tiền rót trở lại cho ngân hàng đã giảm 0.012 đồng, do đó cũng làm giảm nguồn lực cho hoạt động kinh doanh dù không thật sự đáng kể. Trong trường hợp ngân hàng thừa vốn nên để 5 đồng tại NHNN thì vẫn chỉ nhận được tiền lãi 0.024 đồng tính trên 3 đồng DTBB, 2 đồng còn lại được áp dụng lãi suất 0%.
Xét cho toàn hệ thống, với số dư tiền gửi của toàn ngành tính đến cuối tháng 9 là hơn 8,4 triệu tỷ đồng, với tỷ lệ tiền gửi ngắn hạn tại các nhà băng hiện nay ở khoảng 70%, trung dài hạn là 30%, thì lượng tiền gửi DTBB nằm tại NHNN xấp xỉ 200 ngàn tỷ đồng. Với mức giảm 0.4% của lãi suất tiền gửi DTBBB vừa qua, các ngân hàng sẽ bị thiệt hại 800 tỷ đồng/năm, đồng nghĩa với việc hệ thống đã mất đi 800 tỷ để có thể đem cho vay ra nền kinh tế.
Mai An (T/h)
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy