Dòng sự kiện:
Hà Nội cần 60 tỷ đồng để lát đá 2,2km phố cổ
18/08/2015 10:43:11
ANTT.VN – Cần 1,5 tỷ đồng là chi phí lát đá lòng đường cho 55 m trên phố Tạ Hiện. Với 2.200m đường phố cổ sẽ phải chi 60 tỷ đồng cho việc lát đá này.

Tin liên quan

Trong buổi thông tin về các dự án tại phố cổ Hà Nội, do Ban Quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức chiều qua 17/8, ông Phạm Tuấn Long, Phó ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết, 11 tuyến phố được đề xuất lát đá lòng đường có tổng chiều dài khoảng 2,2 km.

Theo ông Long, năm 2010, chi phí lát đá lòng đường, hàm ếch thoát nước cho 55 mét phố Tạ Hiện là 1,5 tỷ đồng. Từ khi tuyến phố này được lát đá, việc kinh doanh, buôn bán ở đây chuyển sang chuyên dụng và giúp phường Hàng Buồm thu hút thêm 23.000 lượt khách du lịch lưu trú trong năm 2014.

Việc lát đá phố cổ không phải là cây bút thần thu hút khách du lịch

Theo Ban quản lý Phố cổ Hà Nội, với những hiệu quả trong việc thu hút du khách vì lát đá lòng đường, quận Hoàn Kiếm tiếp tục có đề xuất với UBND thành phố Hà Nội chấp thuận cho nhân rộng việc lát đá tự nhiên kích thước 10x10x10 cm tại mặt đường 11 tuyến phố cổ.

Tuy nhiên, KTS Đoàn Kỳ Thanh cho rằng, nhìn vào trường hợp phố Cấm Chỉ sẽ thấy lát đá, lát gạch không phải cây gậy thần hút khách du lịch. Theo KTS Trần Huy Ánh, Cấm Chỉ là phố đi bộ ẩm thực thất bại. “Cấm Chỉ chỉ đơn giản là một phố bán hàng ăn, đời sống văn hóa của nó không có. Còn ở Tạ Hiện có không gian nhà truyền thống, âm nhạc, đồng bộ”, ông Thanh nói. Rõ ràng, lát đá không phải cây gậy thần tạo ra thành công của nó.

Phản biện đề xuất này, GS.KTS Hoàng Đạo Kính - nguyên Giám đốc Trung tâm thiết kế và tu bổ di tích Trung ương cho rằng, việt lát đá ở phố cổ Hà Nội chưa đúng thời điểm. Bởi lúc này, phố cổ Hà Nội có rất nhiều việc cần phải ưu tiên làm trước, chẳng hạn như phải hình thành văn hóa quảng cáo, hay tình trạng mái che, mái vẩy cũng cần phải ưu tiên làm trước.

"Phố cổ Hà Nội là hiện thân của sự công sinh giữa dân cư, kiến trúc, văn hóa và các thời kỳ lịch sử. Có thể việc cải tạo, nâng cấp phố cổ là bình thường, nhưng điều quan trọng là làm thế nào để nó thật hài hoà, ăn khớp, không tạo ra sự tương phản lẫn nhau. Bên cạnh đó cũng cần phải lưu ý đến việc lựa chọn thời điểm ưu tiên cải tạo, nâng cấp", GS Hoàng Đạo Kính nói.

Dẫn chứng từ việc lát đá vỉa hè dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, giáo sư Kính cho biết, việc lát đá vỉa hè ở mấy chục con phố rất cẩu thả, vội vàng, gấp gáp, thậm chí có nơi chỉ xếp đá vào đó thôi. Hệ quả là đã để lại cho Hà Nội những vỉa hè khấp khểnh.

Trước đó, PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Phó chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, việc lát đá 11 tuyến phố nằm trong vùng bảo tồn cấp 1 của di tích phố cổ Hà Nội, mà theo Luật di sản văn hóa, bất cứ tác động nào của con người vào vùng lõi di sản như nâng cấp, tu bổ, cải tạo... đều phải được thực hiện theo đúng luật và các văn bản hướng dẫn thi hành luật.

PGS Trụ nhận định, việc lát đá mới 11 tuyến phố rõ ràng sẽ làm thay đổi rất nhiều cấu trúc, yếu tố gốc di tích. Hơn nữa, Việt Nam không có truyền thống lát đá tự nhiên trên đường mà đó là truyền thống của châu Âu.

PV

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến