Hà Nội: Cây cầu thứ 8 vượt sông Hồng sẽ cách cầu Long Biên 75m?
28/10/2014 17:46:36
ANTT.VN – Trong 3 phương án xây cầu đường sắt đô thị vượt Sông Hồng, hơn nửa ý kiến của các chuyên gia, kiến trúc sư, nhà sử học đều nghiêng về phương án xây dựng cầu đường sắt mới cách cầu Long Biên 75m.

Tin liên quan

Ngày 28/10, UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến các bộ, ngành trung ương, các nhà khoa học về phương án vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng thuộc dự án tuyến Đường sắt đô thị số 1 (Yên Viên-Ngọc Hồi).

Tại hội thảo, các lãnh đạo Bộ, ban ngành, các Chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, cầu đường, lịch sử, di sản đã có những ý kiến đóng góp về việc lựa chọn phương án vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng. Đa số các ý kiến khi lựa chọn phương án, đều quan tâm đến việc bảo tồn cầu Long Biên, phù hợp với cảnh quan cũng như yếu tố lịch sử của cây cầu này.

Ông Nguyễn Ngọc Long - Phó Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam khẳng định, ông hoàn toàn nhất trí với nguyên tắc bảo tồn và phát triển cầu Long Biên, chuyển cầu đường sắt đô thị về phía thượng lưu.

Phương án xây cầu đường sắt qua sông Hồng cách cầu Long Biên 75m nhận được nhiều đồng thuận.

Phía đơn vị tư vấn thiết kế là Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải - CTCP đưa ra ba phương án về vị trí cầu đường sắt đô thị vượt sông Hồng căn cứ theo quy tắc đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt trước đó.

Theo đó, cầu đường sắt mới phải được xây cách cầu Long Biên trong phạm vi khoảng 200m và đảm bảo 7 nguyên tắc là hài hòa giữa bào tồn và phát triển đồng thời đạt được sự đồng thuận cao của nhân dân; giữ nguyên cầu Long Biên và cảnh quan khu phố cổ khu vực đầu cầu; hạn chế tối đa giải phóng mặt bằng; thuận tiện kết nối giao thông công cộng; đảm bảo giao thông thủy, tính năng thông thuyền và thoát lũ sông Hồng; đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật và hiệu quả kinh tế xã hội của dự án.

Phương án thứ nhất, vị trí cầu vượt cách cầu Long Biên 30 mét về phía Thượng Lưu. Phương án này đã được kiến nghị trong dự án "Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1) đã được Bộ GTVT phê duyệt ngày 31/10/2008.

Tuy nhiên, vị trí cầu đường sắt nằm trong vùng 1, ngay sát cầu Long Biên nên kiến trúc phải nghiên cứu kĩ để không ảnh hưởng đến cảnh quan và việc bảo tồn cầu Long Biên. Về việc giải phóng mặt bằng, phía đơn vị tư vấn co rằng, phương án này đi thẳng vảo khu vực có đông dân cư, đặc biệt số lượng nhà dân khu phố Cổ phải giải phóng mặt bằng là lớn nhất trong 3 phương án.

Phương án thứ 2, vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng cách cầu Long Biên 186 mét về phía thượng lưu. Phương án này đã được Hà Nội phê duyệt vào năm 2011 và cũng đã được JICA chấp thuận bởi 186m là đủ xa để có thể nghiên cứu về kiến trúc tạo điểm nhấn cho toàn khu vực mà không chịu tác động từ kiến trúc cầu Long Biên.

Tuy nhiên, phương án này có chi phí cao nhất do chiều dài tuyến đường sắt đô thị lớn nhất, chi phí giải phóng mặt bằng cũng cao nhất đặc biệt là từ đường Quán Thánh tới Nguyễn Trung Trực và khu ngoài đê Phúc Xá.

Phương án thứ 3, cầu đường sắt vượt sông Hồng cách cầu Long Biên 75 mét về phía Thương Lưu. Theo đơn vị tư vấn, cầu cách cầu Long Biên 75 mét đủ xa để giảm bớt ảnh hưởng kiến trúc từ cầu Long Biên cũng như không bị vướng mắc trong thi công do 2 cầu cạnh nhau. Đây là phương án mới nhưng lại nhận được sự đồng thuận của nhiều nhà khoa học, chuyên gia.

Ông Nguyễn Ngọc Long - Phó Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam cho biết, "Phương án cầu đường sắt cách cầu Long Biên 30 mét đã được Bộ GTVT phê duyệt, phương án 186 mét cũng được thành phố Hà Nội lựa chọn trong đề án quy hoạch, còn phương án cách cầu Long Biên 75 mét là phương án mới. Phương án này có điểm chưa làm rõ, tại sao lại GPMB ít đi vì đã chiếm dụng toàn bộ đường Hàng Đậu, trong tương lai sau này câu chuyện gì sẽ xảy ra, câu chuyện này hết sức nguy hiểm"

Ông Long kiến nghị thêm, về mặt kiến trúc, cảnh quan giữa cầu đường sắt vượt sông Hồng với cầu Long Biên phải tương đồng. Cụ thể, hình dáng cầu Long Biên như con rồng, nhấp nhô vượt qua sông Hồng là ko thay đổi, do vậy cảnh quan của cầu đương sắt mới, nằm cạnh cầu Long Biên phải có nét tương đồng. Kết cấu cầu bê tông không thể được.

GS. Nhà sử học Phan Huy Lê ủng hộ phương án vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng được xây dựng cách cầu Long Biên 75 mét.

"Phương án bảo tồn cầu Long Biên và khu phố cổ là rất căn bản và cần thiết. Phương án cách 30m loại trừ, vì gần cầu Long Biên quá, lại đi vào sâu khu phố cổ. Phương án cách 75 mét và 186 mét đều có thể chấp nhận được, vì có khoảng cách với cầu cũ, không xâm phạm khu phố cổ. Tuy nhiên theo các phân tích của đơn vị tư vấn, thì phương án cách cầu Long Biên 75 mét là ưu tiên hơn cả" Nhà sử học Phan Huy Lê phát biểu.

Đồng quan điểm với nhiều chuyên gia khác, Nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định, công trình này xây dựng không ảnh hưởng cảnh quan, tác động đến cầu Long Biên, ko ảnh hưởng đến khu phố cổ.

Kết luận, có đến 9/15 ý kiến đồng ý với phương án xây cầu đường sắt vượt sông Hồng cách cầu Long Biên 75 mét.

Diệu Ly (tổng hợp)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến