Dòng sự kiện:
Hà Nội phun khử trùng toàn bộ phố Trúc Bạch sau ca thứ 17 nhiễm COVID-19
07/03/2020 18:30:13
Ngày 7/3, Binh chủng hóa học đã tiến hành triển khai lực lượng đến khu vực phố Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) thực hiện việc khử trùng, tiêu độc.

Liên quan đến việc phát hiện ca nhiễm Covid-19 thứ 17 tại Việt Nam, cơ quan chức năng Hà Nội đặt biển cách ly, lập hàng rào các lối vào phố Trúc Bạch. Hai vị trí được lập hàng rào gồm ngã 4 phố Trúc Bạch – Ngũ Xã và ngã ba Trúc Bạch với phố Châu Long.

Theo đó, cơ qua chức năng tiến hành cách ly toàn bộ các hộ dân ở từ số nhà 125 đến 139 phố Trúc Bạch. Ngày 7/3, Binh chủng hóa học đã tiến hành triển khai lực lượng đến khu vực phố Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) thực hiện việc khử trùng, tiêu độc.

Trước đó, tối ngày 6/3, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung thông tin chính thức về trường hợp bệnh nhân thứ 17 có kết quả dương tính với COVID-19. Hiện người này đang được cách ly, theo dõi sức khỏe tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Cô gái Nguyễn Hồng Nhung là ca thứ 17 được xác định dương tính Covid-19 ở Việt Nam cũng là ca phát hiện đầu tiên trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Binh chủng hóa học tiến hành phun khử trùng, tiêu độc tại phố Trúc Bạch, quận Ba Đình (Hà Nội) sau khi phát hiện ca thứ 17 dương tính với Covid-19.

Việc này khiến người dân thủ đô và cả nước lo lắng bởi hiện đã xác định có đến tổng hơn 200 người đã tiếp xúc các vòng với nữ bệnh nhân gồm 201 hành khách, 16 phi công và tiếp viên, 8 người tiếp xúc gần tại nhà và 17 y, bác sĩ Bệnh viện Hồng Ngọc tiếp xúc với bệnh nhân.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết: “Chúng ta tuyệt đối không được lơ là chủ quan, nhưng cũng phải hết sức bình tĩnh không quá hoang mang, lo lắng”.

Khu vực cách ly.

Ông Huệ cho biết thêm, việc phát hiện một ca nhiễm covid-19 ngay giữa thủ đô Hà Nội, lại từng tiếp xúc với nhiều người trước khi phát bệnh, tuy nhiên, trường hợp Nguyễn Hồng Nhung không phải trường hợp đầu tiên mắc covid-19 đầu tiên tại Việt Nam.

Trước đó, Việt Nam đã từng có 16 ca dương tính dịch covid-19 đều được chữa khỏi. Đó là kết quả của việc cả hệ thống chính trị toàn dân, toàn quân cùng vào cuộc trong phòng chống dịch bệnh với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”.

Tất cả các bộ, ngành, địa phương đều quyết liệt vào cuộc phòng, chống theo sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương với những chủ trương mạnh mẽ, quyết liệt, toàn diện và những giải pháp hữu hiệu.

Việt Nam cũng thực hiện phát hiện, cách ly, điều trị theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó với dịch bệnh. Về khoanh vùng dập dịch, Việt Nam xác định quy mô dịch bệnh ở mức độ nào thì tổ chức cách ly, khoanh vùng ở mức độ đó. Ví dụ, như ở xã Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, quy mô dịch ở cấp xã thì khoanh vùng cách ly toàn xã chứ không khoanh vùng rộng hơn.

Qua đó, tổ chức cách ly theo các vành đai chặt chẽ (cách ly tập trung, cách ly tại nhà…) từ vòng trong ra vòng ngoài để tránh lây nhiễm. Đồng thời, tập trung giám sát phát hiện sớm ca bệnh để điều trị tại chỗ; thực hiện giám sát, xét nghiệm sàng lọc; tổ chức cách ly y tế theo các lớp; điều trị trên toàn tuyến, tránh tình trạng tập trung về Trung ương.

Đáng chú ý, hiện nay, chúng ta đã chữa thành công các ca nhiễm COVID-19 cả ở y tế tuyến huyện.

Công tác phòng chống dịch covid-19 đạt hiệu quả của Việt Nam được đại diện WHO và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ tại Việt Nam và các nước trên thế giới đánh giá cao với quyết tâm cao, thực hiện đồng bộ các giải pháp hiệu quả, công khai, minh bạch.

Đại diện Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ tại Việt Nam Mathew Moore nhấn mạnh, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Chính phủ Việt Nam hành động nhanh, kiên quyết và hiệu quả.

Thậm chí bà Maria van Kerkhove - chuyên gia thuộc Chương trình các vấn đề khẩn cấp về y tế của WHO đã kêu gọi các nước áp dụng mọi biện pháp phòng chống dịch bệnh cơ bản nhưng hiệu quả mà Việt Nam đã triển khai. Dẫn ví dụ như trên để thấy rằng, chúng ta hoàn toàn có niềm tin kiểm soát dịch bệnh với trường hợp ca dương tính thứ 17 tại Hà Nội mới phát hiện gần đây.

Ngay khi có kết quả bệnh nhân thứ 17 mắc dịch covid-19, Hà Nội đã tiến hành họp khẩn cấp triển khai một loạt các biện pháp để ứng phó. Ban chỉ đạo của thành phố phối hợp với Ban chỉ đạo của quốc gia đã hành động thái độ rất quyết liệt theo đúng kịch bản đã thực hiện.

Cụ thể, cập nhật chính xác tình hình dịch tễ của bệnh nhân, làm rõ toàn bộ quá trình đi lại của bệnh nhân và những người tiếp xúc, kể cả tiếp xúc của tiếp xúc, từ đó xử lý theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Lực lượng chức năng cũng đến nhà bệnh nhân để triển khai việc phòng, chống dịch; khoanh vùng, lập chốt tại hai đầu, cách ly khu phố Trúc Bạch, đóng cửa các hàng quán tại khu vực, khử trùng…

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết sáng 7/3, trong số 27/33 mẫu xét nghiệm của những người tiếp xúc gần với bệnh nhân đã có 25 trường hợp âm tính. Chỉ có 2 trường hợp nghi ngờ là lái xe D.Đ.P (27 tuổi, tại113 Trúc Bạch, Ba Đình) và bác gái bệnh nhân là L.T.H (64 tuổi, tại địa chỉ 125 Trúc Bạch, Ba Đình).

Hiện Sở Y tế vẫn đang tiến hành lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp còn lại và phối hợp với sân bay Nội Bài thu thập thông tin của 217 trường hợp hành khách và phi hành đoàn đi cùng chuyến bay VN 0054 với bệnh nhân.

Đồng thời tiếp tục rà soát lại toàn bộ hành khách và phi hành đoàn trên cùng chuyến bay về Việt Nam với bệnh nhân; rà soát những người từng tiếp xúc với bệnh nhân và những người tiếp xúc với người tiếp xúc với bệnh nhân để cách ly; tiếp tục tuyên truyền, công khai thông tin đầy đủ để người dân biết và chủ động đến cơ sở y tế khi có biểu hiện bệnh và tự cách ly khi có nguy cơ, đồng thời không hoang mang về dịch bệnh.

Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đã quyết liệt, phản ứng nhanh trong việc khoanh vùng các trường hợp này. Đến nay, cơ bản thành phố đã rà soát, nắm được danh tính những người thuộc nhóm nguy cơ cao nhiễm bệnh.

Ông Chung cho biết, dù nguy cơ lây nhiễm lớn từ bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 nhưng người dân không nên quá hoang mang, lo lắng, mà cần hết sức bình tĩnh.

Trước thông tin người dân đổ xô tích trữ hàng hoá, lương thực, thực phẩm do lo lắng một cách thái quá dẫn đến nguy cơ lây nhiễm lớn, cả Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đều cho rằng, người dân không nên lo lắng, hoảng loạn quá mức, mà cần phải có hành động thực tế, tự bảo vệ bản thân và gia đình để không bị lây nhiễm tại những nơi đông người như siêu thị. Đồng thời khẳng định, bảo đảm cung cấp đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân ở các siêu thị, chợ... nên không cần tích trữ.

“Thời điểm này, mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát và chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát tốt dịch bệnh. Người dân hoàn toàn có thể an tâm và cần thực hiện nghiêm các khuyến khuyến cáo phòng dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và xã hội, tránh lo lắng thái quá dẫn đến nhiều hệ lụy xấu trong công tác phòng chống dịch bệnh”, ông Chúng cho biết.

Lê Hoàng Anh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến