Dòng sự kiện:
Hai ngân hàng sẽ có lợi nhuận đột biến nếu xử lý dứt điểm nợ xấu
22/11/2017 19:35:33
Hai ngân hàng theo đánh giá của Công ty cổ phần Chứng khoán TP HCM (HSC) là sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ trong lợi nhuận.

Với việc thông tin được đưa ra một cách minh bạch hơn và có vẻ như quá trình xử lý nợ xấu đang dần tiến triển tốt, Công ty cổ phần Chứng khoán TP HCM (HSC) dự kiến vấn đề nợ xấu ở rất nhiều ngân hàng sẽ được xử lý phần lớn trong năm 2018 - 2019.

Do đó, theo HSC, sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ trong lợi nhuận của các ngân hàng như Vietcombank và ACB, đây là những ngân hàngđã trích lập dự phòng phần lớn nợ xấu của mình đồng thời cũng ghi nhận lợi nhuận không thường xuyên từ bán nợ xấu.

Kết thúc quý III, Vietcombank đạt 2.679 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 31% so với quý III năm 2016. Lũy kế 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của ngân hàng Vietcombank đạt 16.160 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt 7.934 tỷ đồng, tăng 25% và sau thuế đạt 6.379 tỷ đồng. So với mục tiêu tổng lợi nhuận trước thuế đề ra cho năm 2017 là 9.200 tỷ đồng, ngân hàng đã hoàn thành được 86%.

Tính đến hết tháng 9/2017, tổng tài sản của Vietcombank đạt 898 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so với thời điểm đầu năm. Cho vay khách hàng đạt 536 nghìn tỷ đồng, tăng 16%. Tiền gửi của khách hàng đạt 688 nghìn tỷ đồng, tăng 16,6%. Tổng số nợ xấu của ngân hàng là 6.182 tỷ đồng, giảm 10,8% so với thời điểm cuối năm trước. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,15%.

Đối với ACB, kết thúc 9 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận thuần đạt mức 3.332 tỷ đồng, tăng 97% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do tăng tỷ lệ trích lập dự phòng từ 32% kỳ trước lên 43% kỳ này nên lợi nhuận trước thuế của ACB “chỉ” tăng 68%.

Tính đến hết ngày 30/9/2017, tổng tài sản của ACB đạt mức 269.460 tỷ đồng, tăng 15,6% so với hồi đầu năm, trong đó dư nợ tín dụng đạt mức 179.077 tỷ đồng, tăng 12%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của ACB hiện giữ ở mức 1%. Nếu tính cả nợ xấu ngoại bảng tại VAMC, tỷ lệ nợ xấu của ACB là dưới 2%.

Theo HSC, chi phí xử lý nợ xấu thực tế cuối cùng sẽ tùy thuộc vào giá trị thị trường của tài sản bảo đảm nhưng sẽ thấp hơn nhiều con số nợ xấu tuyệt đối chưa được trích lập dự phòng. Do nợ xấu chưa được trích lập dự phòng chưa trừ giá trị tài sản bảo đảm hay phần nợ có khả năng thu hồi được trong tương lai.

Nếu nhìn vào số liệu quá khứ thì tỷ lệ này thường là 30-40% trên tổng số nợ xấu (đến cuối tháng 9 là 566 nghìn tỷ đồng). Có nghĩa là số nợ không thu hồi được trong số nợ xấu chưa được trích lập dự phòng của toàn ngành là khoảng 240 - 280 nghìn tỷ đồng. Tương đương khoảng 600% - 700% tổng lợi nhuận toàn ngành ngân hàng năm 2016 (40 nghìn tỷ đồng lợi nhuận sau thuế).

Như vậy, nếu thực sự xử lý được nợ xấu một cách triệt để, lợi nhuận của nhiều ngân hàng sẽ có mức tăng trưởng đột biến trong thời gian tới.

Trong phiên trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội khoá XIV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết tỷ lệ nợ xấu toàn ngành ngân hàng đã giảm xuống 8,61% vào cuối quý III/2017 từ 10,06% vào cuối năm 2016. Giá trị nợ xấu và nợ xấu tiềm ẩn là 566 nghìn tỷ đồng so với 600 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2016.

Phân tích cơ cấu nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng theo số liệu được Thống đốc NHNN công bố đến cuối tháng 9/2017, HSC nhận thấy có 153,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu được các ngân hàng công bố chính thức, tương đương tỷ lệ nợ xấu là 2,34%.

Báo cáo của HSC cũng dưa ra số liệu cập nhật mới đây nhất trong cuộc gặp gần đây nhất với VAMC với giới truyền thông, giá trị mệnh giá trái phiếu VAMC tính hết tháng 8/2017 là 266,33 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,05%.

Do đó, 2,22% giá trị nợ xấu còn lại có thể là nợ xấu tiềm ẩm hay nợ tái cấu trúc (tương đương 137 nghìn tỷ đồng nợ xấu).

Theo ước tính của HSC, hiện vẫn còn khoảng 400 nghìn tỷ đồng nợ xấu chưa xử lý, tương đương 6,1% tổng dư nợ tại thời điểm cuối quý III.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến