Dòng sự kiện:
Kinh tế Việt Nam: Câu chuyện về “sức khỏe” và “sự can đảm”
05/11/2014 09:35:04
ANTT.VN – PGS.TS. Trần Đình Thiên: “Việt Nam đang làm một việc hết sức can đảm“.

Tin liên quan

Đông đảo diễn giả uy tín đã tới tham dự Hội thảo Kinh tế Thế giới & Việt Nam – Thực trạng 2014 & triển vọng 2015”

Sáng ngày 04/11, tại khách sạn Melia Hà Nội, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Công ty chứng khoán VPBS, Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF, Tạp chí  kinh tế Bloomberg đã phối hợp thực hiện hội thảo “Kinh tế Thế giới & Việt Nam – Thực trạng 2014 & triển vọng 2015”. Tham dự hội thảo, có rất đông các nhà quản lý, các nhà doanh nghiệp, và các chuyên gia kinh tế uy tín trong và ngoài nước.

Tăng trưởng cao hơn thế giới nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng

Phát biểu tham luận “Việt Nam: Viễn cảnh toàn cầu - Diễn biến và triển vọng kinh tế vĩ mô” tại hội thảo, ông Sanjay Kalta, Đại diện thường trú Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam đã đánh giá về những kết quả Việt Nam đã đạt được trong năm 2014, đồng thời cũng chỉ ra những mục tiêu cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2015.

Mở đầu tham luận, ông Sanjay Kalta đã khái quá về tình hình kinh tế thế giới trong một năm qua.

Theo đó, mặc dù tốc độ tăng trưởng bị giảm do dư âm của những cuộc khủng hoảng nhưng sự phục hồi toàn cầu vẫn tiếp tục. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm 2014 theo đánh giá của IMF là chậm hơn mong đợi khi mà tốc độ tăng trưởng đã chậm lại ở Nhật Bản cũng như việc giậm chân tại chỗ của khu vực Eurozone. “Việc phục hồi kinh tế ở những nước này đang trở nên khó khăn hơn” – ông nhận định. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi cũng bị suy giảm do các nhân tố như địa chính trị hay cầu thị trường yếu…

IMF dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm 2014, đồng thời cũng nhận định con số này trong năm 2015 là 3,8% (giảm lần lượt 0,3% và 0,2%  so với Báo cáo WEO mà tổ chức này phát hành trong tháng 4).

Ngoài ra, vị đại diện Quỹ tiền tệ Quốc tế cũng chia sẻ nhận định về sự gia tăng của các yếu tố rủi ro đe dọa suy giảm kinh tế. Trong đó, có những rủi ro trước mắt như: những vấn đề địa chính trị; việc đảo chiều chứng khoán, tỷ suất lợi nhuận (margin) giảm dần và xu hướng giá (price movement) thấp; việc lãi suất tăng nhanh hơn tăng trưởng kinh tế của Mỹ; những tác động kinh tế tiêu cực do lạm phát thấp, dai dẳng, dưới mức mục tiêu ở khu vực Eurozone. Các rủi do trung dài hạn đe dọa suy giảm kinh tế cũng còn khá nhiều như tăng trưởng tiềm năng thấp và trì trệ ở một số nến kinh tế phát triển, tăng trưởng dưới tiềm năng ở các nền kinh tế mới nổi và việc chuyển quá nhanh từ tăng trưởng cao sang tăng trưởng chậm hơn ở Trung Quốc (hard-landing).

đại diện IMF Sanjai Kalta

Đại diện IMF Sanjay Kalta đang trao đổi cùng phóng viên ANTT.VN

Tuy nhiên, ông Sanjay Kalta cũng chỉ ra những dấu hiệu cho thấy triển vọng tích cực cho sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu như lạm phát tại Mỹ và khu vực Euro zone đã giảm, tốc độ phục hồi và chỉ số PMI của khu vực chế tạo đều tăng khá tốt. Đồng thời, các yếu tố hỗ trợ phục hồi cơ bản cũng đã được củng cố như chính sách nới lỏng tiền tệ, các điều kiện hỗ trợ tài chính thị trường, việc củng cố tài khóa vừa phải trong năm 2014-2015 ở các nước phát triển và việc gỡ bỏ dần những cản trở về cơ chế tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, …

IMF nhận định triển vọng kinh tế sẽ tiếp tục phục hồi nhưng nhịp độ sẽ yếu và không đều. Cụ thể, tổ chức này dự báo tốc độ tăng trưởng của Mỹ là 2,2% trong năm 2014 và 3,1% trong năm 2015, khu vực Eurozone là 0,8% trong năm 2014 và 1,3% trong năm 2015 và Trung Quốc là 7,4% trong năm 2014 và 7,1% trong năm 2015…

Nhận xét về nền kinh tế Việt Nam, đại diện IMF đã chỉ ra những vấn đề tiêu cực cản trở tăng trưởng hiện nay như tình trạng nợ xấu lớn và tỷ lệ nợ công tăng cao trong những năm gần đây; đồng thời, cũng đáng giá cao những kết quả mà Việt Nam đã đạt được như: dự trữ ngoại hối được cải thiện cao, tỷ lệ lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, thăng hạng đánh giá môi trường đầu tư, thu hút đầu tư tăng….

Ông Sanjay Kalta cho rằng điều cấp bách cần làm hiện nay đối với nền kinh tế Việt Nam đó là cần có những những biện pháp chính trị để tái cơ cấu nền kinh tế. Đồng thời, cũng khuyến nghị Việt Nam giảm tỷ lệ nợ công xuống mức thấp và an toàn hơn cũng như bình ổn và duy trì sự ổn định của nền kinh tế để giúp cho tăng trưởng tín dụng có thể cất cánh, tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế nhanh, mạnh và bền vững.

Nói về tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2014, vị đại diện IMF cho rằng tỷ lệ tăng trưởng GDP được dự báo là 5,5% của Việt Nam là một tỷ lệ khá cao nếu so với mặt bằng chung của thế giới, tuy nhiên, đối với đặc thù nền kinh tế Việt Nam thì tỷ lệ 5,5% đó vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng mà Việt Nam đang có. Cụ thể, với lợi thế của một đất nước có một nền dân số trẻ và vừa mới bước vào giai đoạn dân số vàng, nếu biết tận dụng tốt cơ hội như  Hàn Quốc và Nhật Bản đã làm trước đây, nền kinh tế Việt Nam sẽ  “cất cánh” và Việt Nam cũng hoàn toàn có thể tận dụng lợi thế dân số trẻ để tạo động lực phát triển kinh tế trong vòng 20 đến 50 năm nữa.

Bên cạnh đó, sau khi gia nhập WTO, Việt Nam cũng có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nền kinh tế, nhưng ngược lại, gia nhập một “sân chơi lớn” cũng mang đến cho Việt Nam khá nhiều thách thức phải đối mặt như nhân lực, vật lực, tài lực để có thể đáp ứng các chuẩn mực quốc tế cũng như cạnh tranh sòng phẳng với các nền kinh tế khác.

“Sự can đảm can đảm của một nền kinh tế yếu”

Phát biểu ý kiến phản biện tham luận, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đồng tình với với các nhận định về mặt xu hướng của đại diện IMF. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng thẳng thắn chỉ ra những vấn đề nội tại của nền kinh tế trong nước hiện nay.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, “tăng trưởng kinh tế còn rất mong manh”. Lấy ví dụ về chỉ số tăng trưởng GDP, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam đi sâu phân tích cơ cấu GDP hiện nay. Theo ông nét tích cực của GDP, đó là cơ cấu tăng trưởng đã lần đầu tiêu sau nhiều năm dịch chuyển về phía Công nghiệp (trước đây thường là Dịch vụ). Nhưng trước tín hiệu đáng mừng đó, vị chuyên gia này lại đặt câu hỏi: “Lực lượng nào làm cho tăng trưởng Công nghiệp được thực hiện khi “sức khỏe”  các doanh nghiệp vẫn còn rất “yếu”?”.

TS. Trần Đình Thiên

PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

“Tăng trưởng được đóng góp chủ yếu từ FDI” – PGS.TS Trần Đình Thiên đã đưa ra lời giải đáp cho chính câu hỏi của mình.

Tiếp tục đi vào gốc dễ, ông chỉ ra vấn đề tồn tại: Sức sản xuất thực sự của khu vực nội địa còn “yếu”. Theo ông, không chỉ nhìn tăng trưởng chung mà cần phải đánh giá cả khu vực nội địa. Mức tăng trưởng tín dụng hiện khá thấp, tỷ lệ lạm phát cũng được giữ thấp, nguyên nhân sâu xa của thực tế này xuất phát từ tổng cầu của nền kinh tế còn rất yếu. Mà nền kinh tế Việt Nam là một nề kinh tế tăng trưởng dựa nhiều vào “vốn” . Do đó, tín dụng thấp như hiện  nay thì rõ ràng cơ sở tăng trưởng là chưa được vững chắc.

Bện cạnh đó, vấn đề nhức nhối nhất của kinh tế là nợ xấu thì không những chưa giải tỏa được mà lại có xu hướng tăng lên trong khi nỗ lực khôi phục vẫn còn rất nhiều chuyện phải làm.

Đề cập đến câu chuyện xuất khẩu, động lực quan trọng cho tăng trưởng. TS Thiên tiếp tục “bóc tách” về tỷ trọng tổng kim nghạch xuất nhập khẩu. Hiện nay, khu vực FDI vẫn là khu vực chiếm tỷ trọng lớn nhất và ngày càng gia tăng trong khi tỷ trọng đóng góp của khu vực nội địa lại giảm đi. Đang tồn tại một thực tế, trong khi giá trị xuất khẩu của nền kinh tế ngày càng tăng mạnh thì sự đóng góp của khu vực sản xuất nội địa ngày càng giảm xuống.

Bàn về lãi suất, PGS.TS. Trần Đình Thiên tiếp tục chỉ ra một vấn đề bất cập khác của nền kinh tế Việt Nam khi mà lãi suất huy động giảm cùng nhịp và tích cực với lạm phát thì lãi suất cho vay vẫn đang ở mức khá cao và chưa giảm tương ứng. Điều này tác động tiêu cực đến hoạt động của các Doanh nghiệp Việt Nam. Vị chuyên gia kinh tế này lại đặt ra câu hỏi: “Phải chăng xử lý nợ xấu chính là nguyên nhân làm cho lãi suất cho vay vẫn còn ở mức cao?!”.

Trước những thông tin Việt Nam đang chuẩn bị hoàn tất đàm phán các hiệp định tự do thương mại như Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP), Việt Nam và EU, Cộng đồng kinh tế ASEAN đã được vị đại diện IMF trình bày trong tham luận, TS Trần Đình Thiên nhận xét: “Việt Nam đang làm một việc hết sức “can đảm”“. Khi mà theo đánh giá của vị chuyên gia này, nền kinh tế Việt Nam đã phải trải qua một giai đoạn khó khăn kéo dài gần 8 năm kể từ sau thời điểm gia nhập WTO.

“Việt Nam vẫn chưa chuẩn bị thực sự tốt về năng lực để hội nhập!” – TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh. Tiếp tục lý giải về “sự can đảm”, ông nói: “Nền kinh tế đang rất “yếu”, “yếu” mà chúng ta vẫn quyết tâm hội nhập, đang yếu mà coi đó là cơ hội, đó là một cách tiếp cận rất tích cực”.

Kết luận phát biểu, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nhắc lại một ý trong Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ, đó là nguồn động lực tăng trưởng phải đến từ “Đổi mới thể chế”.

Theo ông, để nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững phải cần 3 yếu tố:

Thứ nhất, cần phải chuyển đối nhanh mô hình tăng trưởng sang hiện đai hóa, bởi sau gần 30 năm đổi mới nền kinh tế Việt Nam vẫn phát triển dựa nhiều vào các yếu tố đầu vào, giai đoạn phát triển thấp nhất trong 3 giai đoạn của OECD.

Thứ hai, việc điều hành kinh tế cần phải tôn trọng thị trường. Thực tế hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn bị phân biệt đối xử, do đó, Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách khuyến khích khu vực này phát triển.

Thứ ba, Nhà nước cần tiếp tục có những cải cách hành chính, cải cách quan hệ phục vụ doanh nghiệp, phục vụ thị trường…

N.G

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến