HDBank: NH của tân Chủ tịch Vinamilk đã “bạo chi” thế nào cho “sếp”?
29/07/2015 14:16:49
ANTT.VN - Xét trên giá trị, lãi ròng của Vinamilk trong năm 2014 (6.068 tỷ đồng) gấp tới 13 lần lợi nhuận sau thuế của HDBank (476 tỷ đồng). Tuy nhiên, có một thực tế khá đối nghịch khi thù lao HĐQT Vinamilk (4,880 tỷ đồng) và BKS Vinamilk (2,016 tỷ đồng) cộng lại cũng chỉ đạt chưa đầy phân nửa so với con số tương ứng ở HDBank. Đồng thời, trong khi phương án phân phối lợi nhuận của Vinamilk hoàn toàn không trích một đồng nào cho Quỹ hoạt động của HĐQT thì ở ngân hàng của tân Chủ tịch Lê Thị Băng Tâm, con số tương ứng lại lên tới 20 tỷ đồng.

Tin liên quan

Xu thế thù lao “thả nổi”

“Quyền lợi phải gắn liền trách nhiệm” - một xu thế đang ngày càng trở nên phổ biến, thậm chí là nguyên tắc tiên quyết trong việc sử dụng lao động hiện nay. Trong cơ chế kinh tế thị trường sòng phẳng đó, mức thu nhập của mỗi lao động sẽ được quyết định trên hiệu quả công việc thực hiện. Lương, thưởng cho giới lãnh đạo “chóp bu” cũng không nằm ngoái xu thế đó và thông thường, tại các nhà băng, thù lao Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban Kiểm soát (BKS) sẽ được tính trên phần trăm lợi nhuận.

Nhiều NH tại Việt Nam hiện nay đã chuyển sang áp dụng phương pháp thù lao "thả nổi" cho các "sếp" HĐQT theo kết quả lợi nhuận

Có thể kể đến như tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), năm 2014, nhà băng này “chốt hạ” thù lao cho HĐQT và BKS ở mức 0,38% lợi nhuận sau thuế (4.992 tỷ đồng), tương ứng với giá trị tuyệt đối 18,97 tỷ đồng. Tính trung bình, mỗi sếp của BIDV nhận 1,45 tỷ đồng/người/năm. Năm 2015, mức thù lao cho các lãnh đạo của BIDV được nâng từ 0,38% lên mức 0,44% lợi nhuận sau thuế; tuy nhiên, cơ cấu HĐQT BIDV cũng mở rộng đáng kể (dù đã miễn nhiệm 2 thành viên, nhưng có bổ sung 6 thành viên mới bao gồm thành viên độc lập và cơ cấu nhận sự từ sáp nhập Ngân hàng MHB).

Hay như trường hợp của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank),  năm 2014, tổng mức thù lao của các sếp HĐQT và BKS Vietcombank là 16,14 tỷ đồng, bằng 0,35% lợi nhuận sau thuế. Trung bình mỗi sếp được nhận 1,345 tỷ đồng/người/năm. Năm nay, Vietcombank vẫn giữ nguyên mức chi trả thù lao ở mức 0,35% lợi nhuận sau thuế.

Còn tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), thành viên có quy mô lợi nhuận lớn nhất trong hệ thống những năm qua và dự báo cả năm nay, tổng thù lao cho HĐQT và BKS trong 2014 là 18,169 tỷ đồng, bằng 0,32% lợi nhuận sau thuế. Với số lượng thành viên là 12 người, tính trung bình mỗi “yếu nhân” CTG được nhận 1,514 tỷ đồng/người/năm. Trong 2015, Vietinbank đề xuất mức thù lao 0,36% lợi nhuận sau thuế, tăng 0,04% so với 2014.

Không chỉ nhóm NHTM Nhà nước, nhóm các NHTMCP khác cũng rất tích cực áp dụng phương pháp thù lao “thả nổi” cho nhân sự cấp cao.  Như tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), mức thù lao cho HĐQT và BKS vẫn được duy trì ở mức 0,5% LNST suốt từ năm 2012 và dự kiến điều chỉnh lên thành 1% trong năm 2015; hay như Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) mức thù lao cho các sếp HĐQT và BKS trong 2015, sau nhiều tranh cãi vẫn được giữ nguyên ở mức 1,5% LNST như trong 2014.

HDBank: 12 người và 54 tỷ đồng

“Thả nổi” thù lao theo hiệu quả hoạt động của ngân hàng là một phương pháp phổ biến, minh bạch, có tính ràng buộc cao và mang lợi ích về nhiều mặt, tuy nhiên, với những nhà băng có quy mô lợi nhuận nhỏ thì việc áp dụng phương án sẽ làm cho các lãnh đạo cấp cao phần nào “thua thiệt” so với những người đồng cấp.

Thù lao HĐQT và BKS HDBank, ngân hàng của tân Chủ tịch HĐQT Vinamilk Lê Thị Băng Tâm lại được "fix" cố định 14 tỷ đồng trong năm 2014

Đơn cử như trường hợp của Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. HCM (HDBank), nếu bê nguyên tỷ lệ mà Eximbank đang thực hiện (chứ chưa nói đến những tỷ lệ nhỏ hơn như với BIDV, Vietinbank, MB hay Vietcombank) thì số thu của các “sếp lớn” HDBank sẽ bị vơi đi đáng kể.

Cụ thể, nếu thù lao HĐQT và BKS HDBank cũng được “thả nổi” 1,5% LNST như trường hợp của Eximbank thì với việc báo lãi 476 tỷ đồng, tổng thù lao cho 9 thành viên HĐQT và 3 thành viên BKS HDBank trong 2014 sẽ chỉ đạt vỏn vẹn 7,14 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trên thực tế, số thù lao mà “giới tinh hoa” ở HDBank nhận được lại “chất ngất” hơn nhiều khi mà khác với xu hướng chung, thù lao HĐQT và BKS vẫn được “fix” cố định hàng năm.

Theo Nghị quyết số 06/2014/NQ-ĐHĐCĐ Đại hội đồng cổ đông thường niên 2014 của HDBank, mức thù lao cho HĐQT và BKS đã được ấn định ở mức 14 tỷ đồng, đạt trung bình 1,17 tỷ đồng/người/năm.

Ngân sách "khủng" cho "giới tinh hoa" ở HDBank

Thêm vào đó, trong năm, HĐQT HDBank còn được duyệt chi một khoản quỹ hoạt động lên tới 20 tỷ đồng theo phương án phân phối lợi nhuận năm 2013. Đáng quan tâm khi ở các tổ chức tín dụng khác, việc trích Quỹ hoạt động HĐQT không có trong phương án phân phối lợi nhuận.

Ngoài ra, 20 tỷ đồng khác cũng được HDBank giao cho HĐQT sử dụng với nội dung kế hoạch ngân sách công tác xã hội từ thiện và cộng đồng.

Như vậy, thực chất trong năm 2014, 12 thành viên HĐQT và BKS Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. HCM đã được duyệt chi ngân sách tổng lên tới 54 tỷ đồng, chiếm 11,34% lợi nhuận ròng – một tỷ lệ đáng “giật mình”.

Theo Nghị quyết số 07/2015/NQ-ĐHĐCĐ mới được Đại hội đồng cổ đồng thường niên năm 2015 HDBank thông qua, trong năm 2015, thù lao của HĐQT và Ban kiểm soát HDBank tiếp tục được “fix” ở mức 12 tỷ đồng, thêm vào đó là 20 tỷ đồng quỹ hoạt động HĐQT và 20 tỷ đồng kế hoạch ngân sách công tác xã hội từ thiện và cộng đồng.

Hiệu quả lợi nhuận gấp 13 lần HDBank nhưng thù lao HĐQT và BKS Vinamilk lại chỉ đạt chưa đầy một nửa

Liên quan đến tình hình nhân sự thượng tầng của ngân hàng này, thứ Bảy vừa rồi (25/7/2015), đương kim Chủ tịch HĐQT HDBank Lê Thị Băng Tâm đã bất ngờ được bầu làm Chủ tịch HĐQT CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), thay thế người tiền nhiệm Mai Kiều Liên, trở thành lãnh đạo đứng đầu của một trong những doanh nghiệp có quy mô lớn và “ăn nên làm ra” bậc nhất cả nước.

Xét trên giá trị, lãi ròng của Vinamilk trong năm 2014 (6.068 tỷ đồng) gấp tới 13 lần lợi nhuận sau thuế của HDBank (476 tỷ đồng). Tuy nhiên, có một thực tế khá đối nghịch khi thù lao HĐQT Vinamilk (4,880 tỷ đồng) và BKS Vinamilk (2,016 tỷ đồng) cộng lại cũng chỉ đạt chưa đầy phân nửa so với con số tương ứng ở HDBank. Đồng thời, trong khi phương án phân phối lợi nhuận của Vinamilk hoàn toàn không trích một đồng nào cho Quỹ hoạt động của HĐQT thì ở ngân hàng của tân Chủ tịch Lê Thị Băng Tâm, con số tương ứng lại lên tới 20 tỷ đồng.

Ninh Giang

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến