Hiệp hội Bia – Rượu – NGK Việt Nam định hướng hoạt động năm 2015
02/02/2015 17:50:20
ANTT.VN - Việc thực hiện dán tem rượu đầu Tết Nguyên Đán, thực hiện chính sách chống lạm dụng rượu bia … đã làm giảm tốc độ tăng trưởng của ngành rượu bia, nước giải khát về sản xuất và tiêu thụ năm 2014.

Tin liên quan

Tốc độ tăng trưởng chậm

Theo báo cáo về công tác năm 2014 và chương trình kế hoạch năm 2015 của Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp sản xuất bia là 10%, chậm hơn so với cùng kì năm ngoái. Nguyên nhân do tình hình tiêu thụ chậm, người tiêu dùng hạn chế chi tiêu, sức mua tăng chậm.

dan-tem-bia

Dán tem bia, chi phí sản xuất tăng (ảnh minh họa)

Ngoài những yếu tố trên, với đặc thù của ngành còn bị ảnh hưởng của yếu tố thời tiết (miền Bắc 4 tháng đầu năm mùa rét kéo dài đến hết tháng 4/2014). Việc triển khai một số chính sách nhà nước đối với ngành như: thực hiện dán tem rượu vào đầu tết Nguyên Đán 2014, thực hiện chính sách chống lạm dụng rượu bia theo quyết định 244/QĐ-TTg cũng tác động tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trước thực trạng đó, các doanh nghiệp sản xuất bia rượu đã bám sát tình hình, đầu tư, mở rộng thị trường, tăng cường quản lí chất lượng đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ. So với năm 2013, sản xuất và tiêu thụ bia vẫn tăng trưởng: sản lượng bia các loại là 3.140 triệu lít, tăng 8,1%; rượu các loại sản xuất công nghiệp đạt 67 triệu lít bằng 97% cùng kỳ; nước giải khát các loại đạt 4.050 triệu lít, tăng 2,7% so với cùng kỳ.

Bên cạnh, nhiều doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, hoàn thành dự án đưa vào sản xuất. Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã khởi công bia Sài Gòn – Kiên Giang công suất 50 triệu lít/năm. Theo số liệu thống kê của Sabeco: năm 2014, sản lượng bia đạt 1.380 triệu lít, tăng 3% so với năm 2013.

Bia Hà Nội đầu tư dây chuyền chiết lon 60.000 lon/giờ, Tân Hiệp Phát huy động sản xuất nhà máy nước giải khát tại Hà Nam, công ty bia Sài Gòn - Bình Tây  cho ra sản phẩm mới bia không cồn Sagota.

Tăng cường tham gia xây dựng chính sách

Để thúc đẩy ngành phát triển hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành và doanh nghiệp Hội viên tham gia xây dựng chính sách, pháp luật như: “Chính sách quốc gia phòng chống, lạm dụng đồ uống có cồn”, triển khai thực hiện đề án “Nghiên cứu, đánh giá tác động kinh tế xã hội của ngành bia”.

Công tác hội thảo, hội chợ, đào tạo cũng được Hiệp hội đặc biệt chú trọng như: Hội thảo về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu (07/01/2014), Hội thảo về áp dụng trong sản xuất sạch (22/04/2014), Hội thảo về giải pháp nâng cao, chất lượng sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu, bia (21/03/2014), tham gia Hội nghị Bia Quốc tế chấu Á Thái Bình Dương (28/03/2014)…

Quan hệ giữa hội viên và Hiệp hội được tăng cường: năm 2014, kết nạp thêm 5 hội viên mới nâng tổng số hội viên lên đến 100 doanh nghiệp vào ngày 31/12/2014.

Trước kết quả đạt được năm 2014 và tình hình thực tế năm 2015, phía Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, sẽ tập trung vào các công việc như tiếp tục tham gia xây dựng chính sách, công tác truyền thông, hội chợ, hội thảo. Đồng thời, tổ chức thực hiện một số dự án, đề tài nghiên cứu làm tư liệu, có cơ sở, số liệu và tình hình thực tế. Tiêu biểu là các đề tài, dự án: “Ngành bia Việt Nam và sự phát triển của kinh tế, xã hội”, “Khảo sát, đánh giá đề xuất các giải pháp tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp thương mại thuộc ngành đồ uống”, “Truyền thông, vận động các doanh nghiệp đồ uống Việt Nam nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa sản phẩm ngành đồ uống”.

Hoàng Hà

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến