Dòng sự kiện:
Hình tượng thương binh, liệt sỹ: Ở đâu giữa thời bình?
26/07/2018 13:27:37
Suốt một thời kỳ dài, hình tượng người lính, người thương binh xuất hiện trong đời sống, bước ra từ các tác phẩm văn học nghệ thuật đầy đẹp đẽ. Vậy bây giờ, những hình tượng ấy đang ở đâu?

Thời hoa lửa rực rỡ

Ngày 27 tháng 7 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi một bức thư cho Ban Thường trực của Ban Tổ chức ngày thương binh toàn quốc, trong thư có đoạn: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe doạ, của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập, ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh... Thương binh là những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu...Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”.

Từ đó, ngày 27/7 hằng năm đã trở thành một ngày lễ tri ân những bà mẹ, những gia đình mất mát về con người; tri ân những chiến sỹ hy sinh một phần thân thể, xương máu khi thực thi nhiệm vụ.

Đời sống văn học nghệ thuật của nước ta suốt một thời kỳ dài nằm ở trạng thái minh họa, cổ vũ cho công cuộc dựng nước và giữ nước. Hình ảnh người lính luôn xuất hiện lồng lộng và đẹp đẽ. Đương nhiên, hình ảnh người thương binh, liệt sỹ cũng theo đà ấy mà xuất hiện rất nhiều.

Một trong những dấu ấn đầu tiên đẹp đẽ và gây một cảm xúc mạnh mẽ về hình tượng thương binh có thể kể đến là bức tranh sơn mài “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” do Nguyễn Sáng sáng tác năm 1956.

Bức tranh là tác phẩm dựng lại thời khắc hào hùng của những người chiến sỹ Điện Biên ngay tại chiến trường với 3 nhóm nhân vật chính/phụ. Nhóm nhân vật trung tâm gồm ba chiến sỹ trong đó có một chiến sĩ trên đầu còn quấn băng với khẩu súng trong tay. Nhóm ba người này được liên kết chặt chẽ với hai chiến sỹ khác phía bên phải bức tranh bằng một cái bắt tay đầy quyết tâm.

Toàn bộ khung cảnh buổi kết nạp Đảng được diễn ra chóng vánh trong không gian chiến hào. Góc trái là một chiến sĩ đang dìu đồng đội bị thương cho thấy ranh giới của sự sống và cái chết thật mong manh.

Phía hậu cảnh là một chiến sĩ khác hối hả ra trận như thể sự mất mát đó chính là động lực và  nhấn mạnh thêm bối cảnh khẩn trương của cuộc chiến. Bức tranh có thể xem là bản hùng ca của dân tộc giai đoạn kháng chiến chống Pháp, là hình ảnh tượng trưng cho tinh thần cách mạng cao cả và lẫm liệt.

Đến nay “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” đã được công nhận là bảo vật quốc gia, được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Sau này, nhiều tác phẩm khác cũng được phổ biến rộng rãi và sáng tác mới như “Ngày trở về” (nhạc: Phạm Duy, thơ: Hữu Loan, viết năm 1954), “Vết chân tròn trên cát” (tác giả Trần Tiến, sáng tác năm 1981); “Hát về mẹ Việt Nam anh hùng” (tác giả An Thuyên, sáng tác năm 1994); Ký “Người lang thang không cô đơn” (Minh Chuyên, năm 1993); v.v... Hình tượng người thương binh, người mẹ và những mất mát khổ đau luôn bình dị và đẹp bi tráng. 

Tranh sơn dầu “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ”, tác giả Nguyễn Sáng. 

Cần có bàn tay vận động của Nhà nước

Đã có một thời kỳ dài văn học, nghệ thuật của chúng ta có những hình tượng đẹp, vừa đảm bảo công tác tuyên truyền, cổ vũ, vừa gây lay động lòng người. Nhưng giờ đây, tại sao càng ngày càng ít xuất hiện những tác phẩm, hình tượng như vậy?

Nếu tính từ cuộc chiến tranh vệ quốc chống quân xâm lược Trung Quốc năm 1979 tới giờ, thời gian đã trôi qua 40 năm. 40 năm là khoảng thời gian quá dài, vật đổi sao dời, nhiều giá trị của đời sống đã thay đổi, con người ta cũng phải lo đến chuyện cơm áo, đến ngày mai... Thời đại thay đổi, hình tượng trung tâm của sáng tác văn học nghệ thuật cũng thay đổi theo, chuyển dần từ người lính sang các hình tượng khác, thiết thực và gần gũi với đời sống hơn.

Khi đời sống nghệ thuật tự thân thay đổi, nếu muốn duy trì việc xây dựng hình tượng, cần có sự sát sao, động viên liên tục từ Nhà nước, từ những người lãnh đạo có tâm.

Sinh thời, khi nói về chuyện sáng tác bài hát “Hát về mẹ Việt Nam anh hùng”, nghệ sĩ An Thuyên kể: “Tôi được Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, khi đó là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, trực tiếp giao nhiệm vụ, gợi ý, động viên sáng tác ca khúc nhằm tri ân sự hy sinh vô cùng to lớn của các Bà mẹ VNAH, cùng với những ý kiến chỉ đạo rất nhân văn: các mẹ đã chịu đựng những mát mát quá đau thương, dễ xúc động khi nhắc tới các con mình đã hy sinh, nên làm sao bài hát mang âm hưởng thể hiện sự biết ơn của cả dân tộc đối với các mẹ nhưng không sa vào bi lụy.

Đêm hôm đó, ngồi một mình trong không gian vắng lặng, tôi hình dung hình ảnh những bà mẹ của mọi miền quê rất tảo tần, bình dị, chịu đựng gian khổ, nhưng khi Tổ quốc cần, hàng vạn người mẹ Việt Nam đã tiễn đưa chồng, con của mình lên đường chiến đấu. Rất nhiều người chồng, người con của các mẹ đã hy sinh anh dũng. Rất nhiều bà mẹ đã không được đón chồng, con trở về trong niềm vui chiến thắng của dân tộc. Tôi rưng rưng khi nhớ đến hình ảnh những người mẹ cô đơn, run rẩy và khóc một mình khi chỉ được ôm vào lòng những tấm “Giấy báo tử”. Còn nhiều bà mẹ, cứ đến bữa cơm lại bày trên mâm đủ số bát đũa cho những người con đã hy sinh, để rồi mẹ một mình ngồi thẫn thờ nhìn vào mâm cơm. Hình ảnh ấy khiến nước mắt tự nhiên cứ ứa ra, hòa trong niềm cảm xúc khó tả dâng trào trong tôi. “Hát về những người mẹ Việt Nam, hát về những người mẹ anh hùng. Đời dâng hiến giống nòi, mẹ sống giữa gian lao, vì đất nước hy sinh cả cuộc đời…”. Giai điệu bài hát nối tiếp nhau ra đời và tôi hoàn thành chỉ sau hai tiếng đồng hồ”.

Đối với văn học nghệ thuật hiện tại, ngoài chuyện cổ vũ, động viên nghệ sĩ sáng tác, sáng tạo. Để tác phẩm có sức lan tỏa mạnh mẽ, còn cần phải được quảng bá một cách phù hợp với tâm lý tiếp nhận của thời đại này.

Chuyện những bộ phim truyện tốn kém hàng chục tỷ đồng, sau khi công chiếu một vài buổi thì nằm im lìm, phủ bụi trong kho không phải là chuyện hiếm hoi và có lẽ không phải nhắc lại nhiều. Nguyên nhân chính là không có kinh phí để quảng bá.

Năm ngoái, 2017, Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức Cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật về “Tình đoàn kết chiến đấu ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia”. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Lễ trao giải “Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài Thương binh, Liệt sỹ – Người có công, nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ”.

Các cuộc thi đều nhận được hàng nghìn, hàng vạn bài thi từ khắp các vùng miền sáng tác lấy hình tượng người lính, người mẹ, người thương binh làm nhân vật trung tâm.

Ban Tổ chức các cuộc vận động sáng tác – đều là những người có chuyên môn, uy tín cao – đã chọn ra được hàng chục tác phẩm có chất lượng để trao thưởng. Điều đó có nghĩa là, dù cho những hình tượng người thương binh, liệt sỹ, dù ngày càng mờ nhạt trong văn học nghệ thuật, nhưng chỉ cần “một ngọn cờ” phất lên, chúng ta sẽ có những tác phẩm theo đúng yêu cầu, vừa đảm bảo yêu cầu về tuyên truyền, cổ vũ, vừa đảm bảo đòi hỏi về chất lượng nghệ thuật.

Có tác phẩm rồi còn cần phải quảng bá rộng rãi. Chỉ mới một năm thôi, thế nhưng bây giờ, nếu hỏi cộng đồng để “điểm mặt” tác phẩm nào gây ấn tượng, gây chú ý thì quả thật đây là một câu hỏi khó.

Nhà báo Trần Hoàng Hoàng (báo Quân đội Nhân dân), một người nhiều năm gắn bó với mảng đề tài người lính nhận định: “Thật ra nên coi những tác phẩm văn học nghệ thuật như một loại hàng hóa. Vận động nghệ sỹ sáng tác ra tác phẩm có chất lượng rồi, cần phải có kinh phí để quảng bá rộng rãi. Thời buổi này nó vậy. Nếu không quảng bá thì tác phẩm có hay đến mấy cũng không bao giờ đến được tay độc giả, đến với công chúng – những người luôn đòi hỏi được hưởng thụ những tác phẩm văn hóa cao và luôn bị phân tâm bởi quá nhiều loại hình giải trí”.

Theo Nhà báo & Công luận

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến