Cần “cởi trói” cho vay tiêu dùng đối với ngân hàng
23/04/2015 10:09:12
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, vay tiêu dùng chỉ thông qua công ty tài chính là không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tin liên quan

Chuyên gia tài chính ngân hàng - TS. Nguyễn Trí Hiếu.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có một số dự thảo thông tư có thể sẽ ban hành chính thức trong thời gian tới, trong đó có dự thảo Thông tư quy định về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng, và dự thảo Thông tư quy định về hoạt động tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính.

Hai thông tư nói trên, một khi được ban hành, ngân hàng thương mại có thể sẽ không còn được cho vay tiêu dùng, tùy theo lộ trình do NHNN quy định.

Vì vậy, để chuẩn bị cho việc tiếp tục hoạt động kinh doanh về cho vay tiêu dùng sau khi có các thông tư nói trên, hàng loạt ngân hàng đang “ráo riết” thành lập công ty tài chính.

"Đua nhau" thành lập công ty tài chính

Đại hội đồng thường niên năm 2015, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết ngân hàng cần thiết phải thành lập Công ty Tài chính tiêu dùng BIDV và sẽ theo một trong ba phương án.

Thứ nhất là mua lại công ty tài chính đang hoạt động trên thị trường để tái cấu trúc, hai là chuyển đổi hoạt động công ty cho thuê Tài chính hiện có thành Công ty Tài chính tiêu dùng BIDV và cuối cùng là thành lập mới nếu hai phương án trên không thực hiện được.

Công ty Tài chính tiêu dùng BIDV mới thành lập sẽ hoạt động trong lĩnh vực tín dụng bán lẻ, cung cấp sản phẩm cho vay trực tiếp đến khách hàng cá nhân.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Sài Gòn thương tín (Sacombank) cũng đã đề xuất thành lập Công ty Tài chính dưới hình thức Công ty TNHH một thành viên trực thuộc Sacombank, dự kiến vốn điều lệ 500 tỷ đồng.

Chức năng hoạt động bao gồm cả nghiệp vụ bao thanh toán, tín dụng tiêu dùng, cho thuê tài chính, thẻ tín dụng, … và các hoạt động khác theo quy đinh của Pháp luật; hoặc chuyển đổi/ sáp nhập hoạt động của Công ty Cho thuê tài chính (Sacombank Leasing) hiện hữu thành Công ty tài chính với mô hình hoạt động tổng hợp.

Thêm một gương mặt nữa là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). ACB dự kiến thành lập Công ty TNHH MTV Tài chính tổng hợp Ngân hàng Á Châu.

Sau khi Công ty tài chính ACB được cấp phép thành lập, Công ty cho thuê Tài chính Ngân hàng Á Châu (ACB Leasing) sẽ đồng thời xin phép NHNN sáp nhập ACB Leasing vào Công ty tài chính ACB.

Theo quy định, vốn pháp định đối với công ty tài chính là 500 tỷ đồng. Hiện nay, vốn điều lệ của ACB Leasing là 200 tỷ đồng. Do đó, để thành lập Công ty tài chính ACB thì ACB phải cấp thêm vốn điều lệ là 300 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Quân đội Việt Nam (MB) cũng đang có chủ trương sáp nhập một công ty tài chính để triển khai lĩnh vực kinh doanh mới là tài chính tiêu dùng nhằm đa dạng hóa nguồn thu, giảm rủi ro và khai thác các tiềm năng phát triển trương tương lai.

Liệu có hợp lý?

Trao đổi về vấn đề này với BizLIVE, chuyên gia tài chính ngân hàng - TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, trên thế giới, các ngân hàng đều có quyền cho vay tiêu dùng cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các công ty tài chính cho vay tiêu dùng những khoản vay nhỏ và ngân hàng chỉ cho vay các khoản vay, đầu tư lớn.

Nếu Việt Nam không cho các ngân hàng cho vay tiêu dùng, "giao hết các "món" cho công ty tài chính là không phù hợp với thông lệ quốc tế", ông Hiếu chia sẻ.

Ông chỉ ra, tại Việt Nam, cho vay tiêu dùng là rất rủi ro. Tại Mỹ, tất cả người dân có hệ số chấm điểm từ 400 - 800 điểm để ngân hàng dựa vào đó cho vay. Còn ở Việt Nam thì chưa có hệ số này.

Hơn nữa, các cá nhân ở Việt Nam không được quyền phá sản mà chỉ có doanh nghiệp được phá sản trong khi tại Mỹ ngân hàng kiện cá nhân đó ra tòa, tòa tuyên bố cá nhân đó phá sản và bắt buộc họ dùng mọi tài sản để trả nợ cho ngân hàng.

Theo ông, NHNN đang muốn tách bạch hoạt động cho vay tiêu dùng tại các ngân hàng. Theo đó, các ngân hàng sẽ thành lập công ty tài chính, bỏ vốn vào công ty đó nếu làm ăn thua lỗ thì cánh tay đó bị chặt đứt.

Tuy nhiên, theo ông Hiếu trong tương lai nên "cởi trói" cho các ngân hàng cho vay tiêu dùng.

Về lãi suất, hiện các công ty tài chính đang cho vay với lãi suất rất cao, có thể cho vay 70-80%.

Ông Hiếu khuyến nghị khách hàng nên tham khảo bảng lãi suất của các công ty tài chính nếu lãi suất nào trên 50% là phải cân nhắc, nghiên cứu kỹ cách họ tính lãi suất vì nhiều công ty có cách tính rất mập mờ.

Theo ông, nên tham khảo luật sư ngay cả những hợp đồng bình thường để họ chỉ ra những "bẫy" lãi suất tiêu dùng.

Theo Bizlive

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến