Học sinh cảm thấy kỳ cục
Chiều 5/10, ông Lê Ngọc Sơn - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Đông Du (Đắk Lắk) - cho biết, nhà trường sẽ tổ chức cuộc họp để lấy ý kiến phụ huynh chặt chẽ hơn về việc kiểm soát cặp và người học sinh trước khi vào trường học.
Mỗi ngày, trường THCS&THPT Đông Du kiểm soát cặp, người của trên 2.000 học sinh trước khi vào trường học (Ảnh: Thúy Diễm).
Theo đó, một số phụ huynh có con em theo học tại Trường THCS&THPT Đông Du ngỡ ngàng trước việc nhà trước bố trí 3 khu vực cổng trường để kiểm soát cặp, người học sinh vào mỗi buổi sáng.
Chị N. (ngụ TP Buôn Ma Thuột) cho biết, con gái chị năm nay vào lớp 10 Trường THCS&THPT Đông Du. Việc nhà trường kiểm soát cặp, người học sinh, chị vô tình được biết khi nghe con gái trò chuyện điện thoại với bạn bè.
"Hàng ngày, tôi chở cháu đến cổng trường rồi đi làm nên không biết việc trường kiểm soát như vậy. Đây là lần đầu tiên tôi thấy một trường học lại kiểm soát tư trang, người của học sinh như khi qua cửa an ninh ở sân bay.
Chưa kể các cháu gái đang tuổi dậy thì sẽ mang theo một số vật dụng tế nhị, khi bị lục cặp sách, các cháu sẽ không thấy thoải mái, thậm chí là xấu hổ", chị N. thẳng thắn.
Không ít học sinh cảm thấy việc kiểm soát cặp, người là kỳ cục (Ảnh: Uy Nguyễn).
Một nam sinh lớp 11 của Trường THCS&THPT Đông Du chia sẻ, em cảm thấy khá khó chịu với việc bị kiểm soát cặp, người trước khi vào trường mỗi ngày.
"Em thấy chỉ cần các thầy cô nhắc nhở không mang các vật dụng nguy hiểm đến trường là được, không nên kiểm soát cặp, người như vậy, chúng em cảm thấy rất kỳ cục", nam sinh này cho hay.
Ngoài một số phụ huynh không đồng tình việc kiểm tra học sinh trước khi vào trường, một số phụ huynh khác lại đồng tình với cách làm này của nhà trường.
"Tôi thấy việc kiểm soát cặp, người học sinh như vậy cũng tốt, các cháu đang tuổi mới lớn, có thể mang theo những đồ vật nguy hiểm khi đi học. Trường làm vậy có thể tránh được nguy hiểm tiềm ẩn như nạn bạo lực học đường", chị K. (ngụ huyện Krông Năng, phụ huynh có con theo học nội trú) bày tỏ quan điểm.
Đã kiểm soát cặp, người học sinh suốt 10 năm nay
Hiệu trưởng Sơn cho rằng, nhà trường đã triển khai việc kiểm kiểm soát cặp, người học sinh từ 10 năm nay và chưa thấy phụ huynh có ý kiến gì với ban giám hiệu về việc này.
Lãnh đạo Trường THCS&THPT Đông Du khẳng định đã triển khai việc kiểm tra từ 10 năm nay (Ảnh: Uy Nguyễn).
Theo ông Sơn, việc kiểm soát học sinh nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh và cho cả nhà trường. Bất kỳ những vật dụng sắc nhọn, có nguy cơ gây sát thương hoặc thuốc lá đều bị nhà trường tịch thu.
Lãnh đạo Trường THCS&THPT Đông Du thông tin, ngoài kiểm tra cặp sách, nam sinh sẽ được soát người bằng tay. Đối với nữ sinh, để tránh nhạy cảm, cô giáo sẽ dùng cây rà kim loại để kiểm tra chứ không đụng chạm vào thân thể.
Ông Sơn khẳng định: "Hiện tại không thấy quy định của ngành giáo dục cấm kiểm tra tư trang học sinh trước khi vào trường. Đây là nội quy nội bộ của nhà trường từ trước đến nay".
Về việc đã lấy ý kiến của phụ huynh về việc kiểm tra này hay chưa, ông Sơn lý giải, vào cuộc họp phụ huynh đầu năm học, nhà trường có chiếu slide nội quy, trong đó có đề cập việc này.
"Tới đây, trường sẽ tổ chức cuộc họp lấy ý kiến phụ huynh thật chặt chẽ, nếu phụ huynh mong muốn trường tiếp tục kiểm tra học sinh như vậy thì trường vẫn sẽ làm, còn không sẽ điều chỉnh cho phù hợp. Hầu hết các trường tư thục (trong nước) ở TPHCM đều có việc kiểm tra này và nhà trường có làm theo", ông Sơn quả quyết.
Cũng theo ông Sơn, với khoảng 2.000 học sinh bán trú, nhà trường phải huy động 55 nhân viên phục vụ việc kiểm tra vào mỗi buổi sáng. "Mỗi tháng, chúng tôi phải chi trả trên 60 triệu đồng cho việc kiểm tra này chứ không phải ít", vị lãnh đạo nhà trường nói thêm.
Một lãnh đạo Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết đã nắm được thông tin Trường THCS&THPT Đông Du kiểm soát học sinh trước khi vào trường. Sở sẽ kiểm tra vụ việc này.
Luật sư Cao Anh Sáng (Đoàn Luật sư Đắk Lắk) cho rằng, chỉ có cơ quan có thẩm quyền là công an mới có thẩm quyền khám xét người trong một số trường hợp nhất định. Việc nhà trường tự khám xét học sinh đã vi phạm quyền riêng tư, cá nhân của học sinh. "Nhà trường làm như vậy không những vi phạm pháp luật mà còn thể hiện sự bất lực trong giáo dục. Nhà trường phải giáo dục cho học sinh hiểu để không mang đến trường các vật dụng được cho là nguy hiểm chứ không phải lục soát như vậy. Việc lục soát có thể khiến các em bị tổn thương về tinh thần", luật sư Sáng nhận định. |
Tác giả: Thúy Diễm
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy