Dòng sự kiện:
K+ ôm lỗ nghìn tỷ, Kiểm toán Nhà nước sẽ làm rõ tài chính trước thoái vốn
08/01/2019 15:01:23
Kinh doanh thua lỗ, K+ khiến tiến trình thoái vốn của VTV dậm chân tại chỗ. Nhiều khó khăn hơn nữa chờ đón VTV khi Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu KTNN vào cuộc làm rõ thực trạng tài chính của K+.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp về chủ trương thoái vốn và Đề án tái cơ cấu công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV – đơn vị sở hữu thương hiệu truyền hình K+).

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kết luận, việc tái cơ cấu VSTV là cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, VSTV là doanh nghiệp (DN) liên doanh với DN nước ngoài. Hoạt động của công ty này cũng liên quan đến lĩnh vực báo chí, tư tưởng văn hóa nên cần được xem xét khẩn trương xử lý nhưng phải thận trọng, đúng chủ trương của pháp luật.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp thẩm tra Hồ sơ liên quan đến Hợp đồng liên doanh và Điều lệ của VSTV, có ý kiến đánh giá độc lập, đề xuất phương án xử lý bảo đảm tối đa lợi ích của phía Việt Nam, trong đó có hướng dẫn đàm phán lại với phía nước ngoài, gửi VTV và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Phó thủ tướng yêu cầu VTV mời Kiểm toán Nhà nước Việt Nam làm rõ thực trạng tài chính, tình hình kinh doanh, chi phí hoạt động của VSTV.

Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu Đài truyền hình Việt Nam (VTV) mời Kiểm toán Nhà nước làm rõ thực trạng tài chính, tình hình kinh doanh, chi phí hoạt động của VSTV; cập nhật tình hình sản xuất kinh doanh của VSTV để hoàn thiện báo cáo, trình Thủ tướng trong tháng 1.

Báo cáo cũng cần làm rõ khía cạnh pháp lý, xem xét khả năng điều chỉnh hợp đồng liên doanh và điều lệ công ty để có phương án xử lý phù hợp pháp luật, tính rủi ro pháp lý và đề xuất chọn phương án xử lý.

Bộ Thông tin & Truyền thông chủ trì với Bộ Tư pháp thẩm tra hồ sơ liên quan tới hợp đồng liên doanh và điều lệ của VSTV, có ý kiến đánh giá độc lập, đề xuất phương án xử lý bảo đảm tối đa lợi ích của Việt Nam. Trong đó có hướng dẫn đàm phán lại với phía nước ngoài gửi VTV và báo cáo Thủ tướng.

Về phương án thoái vốn của VTV, trước đó, đơn vị này đã đưa ra đề xuất sẽ thoái 26% và giữ lại 25% vốn tại K+ nhằm đảm bảo VTV bảo toàn được vốn góp để trả lại cho Nhà nước và vẫn duy trì phần vốn trong K+, duy trì khả năng thu lợi nhuận.

Theo VTV, khi thành lập liên doanh vào năm 2009, VTV góp 51% vốn là tính từ các loại tài sản như nhà cửa, giá trị của gần 100.000 thuê bao, hệ thống truyền dẫn phát sóng để góp vào, chứ VTV không góp bằng tiền mặt. Vốn điều lệ của liên doanh khi đó là 20 triệu USD, nhưng để hoạt động được cần phải có 34 triệu USD ngay từ ban đầu, do đó phải đi vay, mà chính Canal+ là bên cho vay.

Việc rút khỏi liên doanh VSTV nằm trong kế hoạch thoái vốn của VTV ra khỏi ba DN truyền hình trả tiền mà VTV đang nắm giữ toàn bộ hoặc một phần vốn bao gồm: VTVcab (100% vốn), SCTV và K+ (đều sở hữu 51% vốn).

Thành lập tháng 5/2009, VSTV là công ty liên doanh giữa hai đơn vị là Trung tâm kỹ thuật Truyền hình cáp Việt Nam (VCTV) (trực thuộc VTV) và Công ty Canal+ International Development (thuộc Tập đoàn Canal+).

Tuy nhiên năm 2014 chủ sở hữu của K+ đã chuyển đổi sang VTV thay vì VCTV nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về đổi mới quản lý Nhà nước trong các doanh nghiệp. Sau chuyển đổi VTV vẫn nắm 51% vốn tại VSTV và sở hữu của Canal+ là 49%.  Tính tới cuối năm 2017, lỗ lũy kế của K+ lên tới 2.733 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu gần 2.400 tỷ đồng.

Khánh Linh (T/h)

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến