Dòng sự kiện:
Khám phá các siêu hàng không mẫu hạm đứng đầu thế giới
02/02/2015 12:14:15
ANTT.VN – Nhằm thể hiện sức mạnh quân sự, các ông lớn trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp đã bạo tay chi những khoản hàng tỷ USD để thực hiện các siêu hàng không mẫu hạm, tàu khu trục đắt nhất thế giới.

Tin liên quan

1. Tàu sân bay USS Gerald Ford – 13 tỷ USD

USS Gerald Ford được mệnh danh là tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân đắt nhất thế giới.

USS Gerald Ford dài 337m, gần như không thể bị phát hiện bằng radar và có thể đảm bảo cho 220 lần xuất kích của máy bay mỗi ngày. Tàu sân bay này có sức chứa 5.000 người, bao gồm 4.000 lính thủy đánh bộ và thủy thủ.

USS Gerald Ford được đặt theo tên của Tổng thống Gerald Ford, sẽ thay thế chiếc hàng không mẫu hạm tiền nhiệm USS Enterprise.

Theo lịch trình, USS Gerald Ford sẽ gia nhập hạm đội Hải quân Mỹ vào năm 2016 và thực hiện nhiệm vụ đầu tiên vào năm 2019. Siêu hàng không mẫu hạm này có sức chứa nhiều máy bay chiến đấu hơn so với các thế hệ tiền nhiệm và có thể thực hiện sứ mệnh bay, triển khai vũ khí nhanh hơn đến 25% so với các tàu sân bay thông thường.

2. HMS Queen Elizabeth – 9,3 tỷ USD

HMS Queen Elizabeth sẽ là tàu chiến lớn nhất của Vương quốc Anh với chiều dài lên đến 280m và chiều rộng là 70m. Tàu sân bay này có thể chở theo 1.600 người, 40 máy bay trực thăng và có tầm hoạt động xa 16.100 km. HMS Queen Elizabeth nặng 65.000 tấn và có tầm bắn lên đến 10.000 hải lý mà không cần tiếp nhiên liệu.

Chi phí cho toàn bộ dự án này đã tăng lên gần gấp đôi. Lý giải cho chi phí khổng lồ rót vào siêu tàu sân bay này là các thiết bị tối tân nhất, hệ thống hỗ trợ cất, hạ cánh vô cùng hiện đại cho máy bay và các thiết bị được tự động hóa đến mức tối đa, cho phép HMS Queen Elizabeth có thể vận hành chỉ với 679 người.

Đây sẽ là một căn cứ di động cho hải quân, không quân và thủy quân lục chiến của Anh trên khắp thế giới, “đánh dấu một giai đoạn mới trong lịch sử hải quân”.

3. Siêu khu trục hạm DDG 1000 Zumwalt – 7 tỷ USD

12/4/2014, chiếc tàu khu trục tàng hình đầu tiên tại Mỹ trị giá 7 tỷ USD mang tên USS Zumwalt (DDG-1000) đã được Hải quân Mỹ chính thức làm “lễ rửa tội”.

Chi phí ban đầu cho DDG 1000 ước tính là 3,8 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này đã tăng vọt lên khi Hải quân Mỹ quyết định tăng cường các thiết bị với công nghệ tối tân hạng nhất.

DDG-1000 USS Zumwalt có chiều dài 183 m và rộng 24,6 m, với thiết kế hình tháp, ứng dụng công nghệ tàng hình hiện đại nhất, giảm tối đa diện tích phản xạ radar khiến nó khó bị radar đối phương phát hiện gấp 50 lần so với tàu khu trục bình thường. Tín hiệu đặc trưng radar của DDG-1000 trên màn hình radar đối phương không lớn hơn một chiếc tàu đánh cá loại nhỏ.

USS Zumwalt được trang bị hệ thống tự động hóa tiên tiến bậc nhất, khiến số phi hành đoàn cần thiết để vận hành con tàu này giảm xuống còn một nửa, chỉ với 130 thủy thủ cùng 28 nhân viên không quân vận hành hoạt động 2 chiếc trực thăng tại bãi đáp trên tàu.

4. Charles de Gaulle - 4 tỷ USD

Charles de Gaulle là một dự án gây nhiều tranh cãi kéo dài đến cả thập kỷ và thổi bay một số tiền không hề nhỏ trong ngân sách của Pháp. Tàu được khởi đóng năm 1986, hạ thủy năm 1989 và đến 2001 đã chính thức biên chế vào Hải quân Pháp. Hiện, Charles de Gaulle là tàu sân bay hạt nhân đầu tiên của Pháp với lượng giãn nước toàn tải 42.000 tấn.

Chiếc tàu sân bay này được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân PWR Type K15 và 4 máy phát điện diesel, 4 máy phát điện tua bin khí cho phép đạt tốc độ 27 hải lý/ giờ (khoảng 50km/giờ). Charles de Gaulle có khả năng chở lên đến 40 máy bay và 1.900 người gồm thủy thủ đoàn và lính thủy đánh bộ. Chiếc hàng không mẫu hạm này dài 262m và rộng rộng 62,8m.

Vào 14/1 vừa qua, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã thông báo nước này có thể điều Charles de Gaulle đến Vịnh Ba Tư để hỗ trợ các chiến dịch chống lại nhóm phiến quân IS.

Thanh Hương (Theo Therichest)

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến