Dòng sự kiện:
Không để hàng hóa sốt giá trong dịp Tết Nguyên đán
30/12/2018 18:00:28
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa bạn hành chỉ thị các bộ ngành, địa phương về các biện pháp chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 cho nhân dân...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ thị không để hàng hóa sốt giá dịp Tết

Theo chỉ thị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng vào dịp cuối năm 2018 và Tết nguyên đán Kỷ Hợi. 

Xây dựng kế hoạch, chuẩn bị dự trữ, bảo đảm nguồn cung cấp hàng hóa, bình ổn giá cả, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây sốt giá dịp Tết Nguyên đán. Tăng cường công tác dự báo, chủ động có biện pháp điều tiết kịp thời trong phạm vi cả nước.

Đồng thời tổ chức tốt hệ thống phân phối, bảo đảm thông suốt từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới kinh doanh, tham gia bình ổn thị trường, giá cả, chuẩn bị tốt các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu bảo đảm chất lượng để cung ứng kịp thời, đầy đủ cho Nhân dân với giá cả hợp lý và ổn định.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương: Theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là những mặt hàng, dịch vụ thiết yếu, hàng thuộc diện bình ổn giá, kịp thời chỉ đạo và có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá. 

Trường hợp cần thiết, kịp thời báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá những vấn đề phát sinh, gây ảnh hưởng đến mặt bằng chung và ổn định kinh tế vĩ mô.

Chỉ đạo đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; tập trung kiểm tra, tuần tra chặt chẽ tại các tuyến và địa bàn trọng điểm, các mặt hàng nhập lậu, hàng giả thường có xu hướng gia tăng trong dịp cuối năm và Tết (như chất nổ, pháo, vũ khí; hàng hóa vi phạm môi trường; các mặt hàng phục vụ nhu cầu tăng cao trong dịp Tết như thuốc lá, rượu bia, gia cầm, thực phẩm…

Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ thu, chi ngân sách Nhà nước, nợ công, tài sản công; kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia đúng đối tượng nhằm bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân bị thiếu ăn trong dịp Tết Nguyên đán và thời kỳ giáp hạt.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau quả thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong và sau Tết Nguyên đán.

Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương: Tăng cường điều tiết, tổ chức quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Nguyên đán, không để xảy ra tình trạng người dân không được về quê ăn tết do không có tàu, xe; tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải, giá vé tàu, vé xe theo quy định; tổ chức vận chuyển hàng hóa thông suốt trong dịp Tết, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biển đảo.

Trước đó, Sở Công Thương Hà Nội dự báo, trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nhu cầu tiêu thụ gạo sẽ tăng từ 5 - 7% , thịt lợn 18 - 20%, thịt bò tăng 15%, thịt gà tăng 20%, rau củ quả tăng 10 - 15%... Mặc dù nhu cầu tiêu thụ tăng, tuy nhiên khả năng sản xuất của DN Thủ đô chỉ đáp ứng 50 - 65% nhu cầu tiêu thụ của Nhân dân trên địa bàn TP Hà Nội.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay, dịp Tết không tránh khỏi sự biến động về giá cả các loại mặt hàng thiết yếu. Trong kế hoạch triển khai công tác phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, TP Hà Nội sẽ ổn định giá các mặt hàng, hạn chế tình trạng khan hàng, tăng giá. Để làm được việc này, Sở Công Thương đã chỉ đạo, phối hợp các DN triển khai dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu với tổng giá trị hàng hóa phục vụ người dân Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đạt 28.500 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2018.

Để người tiêu dùng mua được hàng bảo đảm chất lượng, đúng giá, ngành công thương và các DN bán lẻ sẽ tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại 22 trung tâm thương mại, 125 siêu thị, 454 chợ, hệ thống, trên 600 cửa hàng tiện ích, trên 50 chuỗi kinh doanh mặt hàng nông sản thực phẩm. Ngoài ra, Sở Công Thương phối hợp với DN tổ chức 350 chuyến bán hàng lưu động, 10 phiên chợ Việt tại các quận, huyện, thị xã, khu công nghiệp, khu chế xuất phục vụ nhu cầu của người dân và người lao động.

“Hiện đã có 18 DN đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường để đưa hàng hóa tới 10.428 điểm bán hàng phục vụ Nhân dân”, bà Trần Thị Phương Lan cho biết.

Đặc biệt, thay vì sử dụng nguồn vốn ngân sách hỗ trợ cho DN bình ổn giá dịp Tết, TP Hà Nội sẽ tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn vay của 3 tổ chức tín dụng với tổng số vốn lên đến 2.700 tỷ đồng. Cùng với việc đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, công tác quản lý thị trường, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được TP Hà Nội đẩy mạnh.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến