Dòng sự kiện:
Khủng hoảng năng lượng khiến Đức phải chi 440 tỷ Euro
16/12/2022 06:51:34
Con số đó tương đương 1,5 tỷ Euro mỗi ngày kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, hay 12% sản lượng kinh tế quốc gia, và 5.400 Euro cho mỗi người ở Đức.

Đức là nước tiêu thụ năng lượng lớn thứ bảy trên thế giới, chiếm 2% mức tiêu thụ năng lượng của thế giới sau Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nga, Nhật Bản và Canada.

Quốc gia Tây Âu có nhiều năng lượng tái tạo nhất trong cơ cấu năng lượng của mình, với 19%. Tuy nhiên, nhiên liệu hóa thạch - than đá, dầu mỏ và khí đốt - vẫn chiếm ưu thế, cung cấp hơn 3/4 nhu cầu năng lượng của đất nước. Khí đốt (26%) là nguồn đóng góp lớn thứ hai sau dầu mỏ (33%).

Trước khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, tức trước tháng 2/2022, Đức chiếm 25% tổng lượng khí đốt nhập khẩu vào EU và 1/3 tổng lượng nhập khẩu vào EU từ Nga.

Việc nguồn cung khí đốt của Đức phải đối mặt với tình trạng “bấp bênh liên tục” do nhập khẩu khí đốt từ Nga giảm mạnh khiến triển vọng kinh tế cho đất nước ảm đạm trong năm 2023 và kéo dài đến năm 2024.

Trong bối cảnh tương lai của nguồn cung năng lượng đang trở nên bất định hơn bao giờ hết, nền kinh tế số 1 châu Âu cũng đang phải chi nhiều tiền hơn bao giờ hết để giữ cho đèn sáng và máy móc chạy.

Theo tính toán của Reuters, số tiền mà chính phủ Đức dành cho năng lượng, thông qua các gói cứu trợ và kế hoạch được đưa ra kể từ khi giá cả tăng vọt và nước này mất khả năng tiếp cận khí đốt từ nhà cung cấp chính là Nga, đã lên tới 440 tỷ Euro (465 tỷ USD).

Con số đó tương đương với khoảng 1,5 tỷ Euro mỗi ngày kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24/2, hay khoảng 12% sản lượng kinh tế quốc gia, và khoảng 5.400 Euro cho mỗi người ở Đức.

Nhà máy lọc dầu PCK Schwedt tại thị trấn Schwedt, bang Brandenburg, Đức. Ảnh: NY Times

Khoản tiền gần nửa nghìn tỷ Euro trên bao gồm 4 gói cứu trợ trị giá 295 tỷ Euro, trong đó có gói cứu trợ 51,5 tỷ Euro cho công ty điện lực Uniper và gói giải cứu 14 tỷ Euro cho Sefe (trước đây có tên là Gazprom Germania); thanh khoản lên tới 100 tỷ Euro cho các công ty tiện ích để đảm bảo họ không bị vỡ nợ; và khoảng 10 tỷ Euro cho cơ sở hạ tầng để nhập khẩu LNG.

Khoản tiền này cũng bao gồm các cam kết 52,2 tỷ Euro chưa được báo cáo trước đây của Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), định chế tài chính quốc tế thuộc sở hữu chính phủ của Đức, để giúp các công ty tiện ích và thương nhân lấp đầy các hầm chứa khí đốt, mua than đá, thay thế các nguồn thu mua khí đốt và bù đắp cho các lệnh gọi ký quỹ, theo dữ liệu của KfW mà Reuters thu được.

“Mức độ nghiêm trọng và độ dài của cuộc khủng hoảng này phụ thuộc rất nhiều vào việc khủng hoảng năng lượng sẽ phát triển như thế nào”, ông Michael Groemling tại Viện Kinh tế Đức (IW) cho biết. “Nền kinh tế quốc dân nói chung đang thất thoát một lượng lớn tiền của”.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), việc giá cả năng lượng trở nên đắt đỏ hơn sẽ thực sự gây đau đớn cho nền kinh tế Đức, vốn được dự báo sẽ bị thu hẹp nhất trong số các nền kinh tế thuộc G7 vào năm tới.

Tác giả: Minh Đức (Theo Reuters, Anadolu Agency) 

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến