Dòng sự kiện:
Kiềm chế CPI- Sử dụng linh hoạt công cụ điều hành giá
16/07/2018 07:02:52
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã đạt đỉnh sau 6 tháng và gần tiệm cận chỉ tiêu Quốc hội đề ra trong năm nay (tăng không quá 4%).

 

Biến động trái quy luật

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI trong 6 tháng qua đã tăng trung bình 0,37%/tháng, cao hơn rất nhiều con số 0,03% của 6 tháng đầu năm 2017. Chỉ số CPI tăng dần từ mức 2,65% của tháng 1 lên 4,67% trong tháng 6, mức cao nhất trong 7 năm qua. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số CPI đã tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước.

Mức tăng của CPI năm nay đã đi ngược lại xu hướng chung của những năm trước đây khi tăng trưởng đều đặn từ đầu năm đến giữa năm (những năm trước đây, chỉ số CPI thường cao nhất vào tháng 1 và tháng 2 vì trùng vào thời điểm lễ, Tết, sau đó giảm dần).

Phân tích của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho thấy, sau đợt khủng hoảng khiến giá thịt lợn chạm đáy vào năm ngoái, giá lợn hơi năm 2018 đã tăng liên tiếp trong tháng 1, tháng 2 (do nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán tăng) và chỉ giảm nhẹ trong tháng 3. Tháng 4, tháng 5, giá lợn hơi tiếp tục tăng lên mức 45.000 – 50.000 đồng/kg do nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không tái đàn, nguồn cung chủ yếu phụ thuộc vào các trang trại chăn nuôi lớn. Giá thịt lợn tăng liên tục và giữ ở mức cao là một trong những nguyên nhân khiến chỉ số giá lương thực thực phẩm tăng cao, ảnh hưởng đến CPI.

Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng mạnh cùng với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế trong quý I/2018 cũng là nguyên nhân đẩy chỉ số CPI tăng cao hơn so với dự báo cuối năm 2017.

Giải quyết "ẩn số"

Dự báo về tình hình giá cả thị trường những tháng cuối năm 2018, tại Hội thảo Diễn biến giá cả thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2018 diễn ra mới đây, PGS-TS. Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế - cho rằng, 6 tháng cuối năm 2018, CPI nhiều khả năng đạt đỉnh trong tháng 7 và giảm xuống dưới mức 4% (thậm chí có thể là dưới 3%) trong những tháng cuối năm. Nguyên nhân là bởi trong giai đoạn cuối năm 2017, đầu năm 2018, Chính phủ đã điều chỉnh mạnh giá dịch vụ y tế. Từ nay đến cuối năm, nếu giá dịch vụ này được giữ nguyên, CPI sẽ không bị tăng quá cao.

Dù vậy, vẫn còn 2 "ẩn số" cần tính tới trong những tháng cuối năm là giá xăng dầu và giá thịt lợn. Theo PGS-TS. Ngô Trí Long, với các mặt hàng có xu hướng tăng cao trong thời gian qua như xăng dầu, lương thực, thịt lợn, cần chủ động rà soát, cân đối nhu cầu cung - cầu, sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá để bình ổn thị trường.

Tại cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 6 diễn ra mới đây, ông Nguyễn Lộc An - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính điều hành linh hoạt giá xăng dầu trong nước theo quy định, sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp, chủ động có kịch bản ứng phó nếu giá xăng dầu tăng cao để tạo dư địa thuận lợi cho việc kiểm soát mặt bằng giá cả năm. Về giá thịt lợn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục rà soát nắm bắt hiện trạng số lượng đàn lợn thịt và khả năng cung cấp lợn xuất chuồng tại các vùng miền để có giải pháp chủ động điều phối, tránh trường hợp khan hiếm cục bộ đẩy giá lên cao.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong những tháng cuối năm, cần theo dõi chặt chẽ tình hình giá cả; thực hiện tốt các biện pháp bình ổn, điều hành giá các mặt hàng do nhà nước định giá; không tăng giá điện, chỉ điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục, y tế nếu điều kiện cho phép và vào thời điểm phù hợp…

Theo Báo Công Thương

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến