Kiếm tiền triệu nhờ “phù phép” chai lọ cũ
29/12/2014 09:14:21
ANTT.VN - Từ những chiếc chai cũ kỹ tưởng chừng như bỏ đi, qua bàn tay người thợ và trải qua nhiều công đoạn chúng đã trở thành những sản phẩm “hái ra tiền”. Sản phầm của “Hành trình giải cứu những chiếc chai” không chỉ được tiêu thụ trong nước, khách quốc tế bắt đầu để ý và sẵn sàng chi tiền để xuất đi năm châu…

Tin liên quan

Đến quán nhỏ của vợ chồng anh Đinh Thiên Tâm và chị Nguyễn Diệu Thúy chị tại địa chỉ 110e Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội tôi bắt gặp rất nhiều sản phẩm trang trí lạ mắt như chiếc cốc, đèn chụp, giá đỡ nến hay bình hoa được tái chế từ chai lọ cũ.

Những chiếc vỏ chai phế liệu trở thành nguyên liệu chế tác “hái ra tiền”

Cả hai anh chị đều tốt nghiệp trường ĐH Mỹ Thuật Công Nghiệp Hà Nội. Sau khi ra trường, anh chị làm thiết kế đồ họa cho các công ty nước ngoài. Ngoài công việc chính, anh Tâm còn đam mê chế tác các sản phẩm từ đá, đó cũng là nguồn cơn đưa anh đến với nghề này.

Một lần tình cờ anh lên mạng để tìm kiếm ý tưởng cho sản phẩm của mình, vô tình anh thấy được những sản phẩm được nhiều người nước ngoài tái chế, vậy là ý tưởng tái chế những chiếc chai cũ đã ra đời. Sẵn trong nhà có các vật dụng như máy cắt, máy mài, anh đã thử chế tạo ra những sản phẩm mới từ những chiếc chai cũ trong nhà. Anh dùng máy cắt để tạo hình cho sản phẩm, sau đó chúng được mài nhẵn và đánh bóng, công đoạn cuối cùng và khá tỉ mỉ đó là việc khoác lên những sản phẩm đó 1 bộ cánh mới. Chị Thúy vợ anh có tay nghề vẽ khá tốt, chị đã dùng màu vẽ để tô điểm cho những chiếc chai cũ.

Chị Thúy dùng màu vẽ chuyên dụng để trang trí cho sản phẩm.

“Ban đầu vợ chồng tôi chỉ định làm thử để dùng và đem tặng bạn bè những chiếc cốc hay đèn chụp hoặc bình hoa. Tuy nhiên, nhìn những vật dụng đố lạ mắt và khá đẹp nên nhiều người có ý hỏi mua. Tôi nghĩ sao vợ chồng mình không làm chúng để bán. Và ý tưởng kinh doanh này được vợ chồng tôi bắt tay vào thực hiện”, chị Thúy chia sẻ về lý do kinh doanh của 2 vợ chồng:

Việc tìm mua nguyên liệu lúc mới làm của anh gặp khá nhiều khó khăn, vì chưa quen mối lấy hàng và cũng chưa biết lựa chọn loại chai nào cho phù hợp. Mới đầu anh Tâm tận dụng hết những chai, lọ có trong nhà, cả khi đi đường gặp chai lọ anh cũng nhặt về. Anh cười đùa nói rằng : “Thi thoảng đi đường thấy chai, lọ mình nhặt mà nhiều người cứ nhìn mình, vì đi xe máy đẹp mà đi lượm rác. Lúc đấy thật là rất buồn cười”. Sau này khi đã có kinh nghiệm trong việc tạo hình sản phẩm, và được nhiều người biết đến anh mới đến những nhà hàng, đặt vấn đề mua nguyên liệu.

Những chiếc vỏ chai phế liệu trở thành nguyên liệu chế tác “hái ra tiền”

Kinh phí để thu mua những chiếc chai, lọ không nhiều, nhưng kinh phí để anh đặt mua màu vẽ thì lại rất lớn. Những sản phẩm đầu tay, chị Thúy sử dụng màu nước khiến cho những chiếc cốc có màu không đẹp và dễ phai màu. Chính vì thế, anh chị đã mất rất nhiều công sức để tìm được loại màu vẽ phù hợp. Hiện tại, màu vẽ được chị Thúy sử dụng được đặt hàng từ Pháp.

Khó khăn trong việc chọn lựa màu vẽ là thế, lúc mới bắt đầu cắt mài chai thủy tinh không ít lần anh Tâm bị thủy tinh cứa chảy máu tay. Khó khăn là thế, nhưng đam mê với những chiếc chai cũ anh vẫn quyết tâm làm đến cùng.

Trước đây, anh chị mất khá nhiều thời gian để hoàn thành 1 sản phẩm. Vì việc anh, chị cắt mài và lựa chọn họa tiết trang trí cho sản phẩm chưa được làm thuần thục. Tuy nhiên, đến nay sau gần 1 năm làm công việc này trung bình chỉ khoảng 2h đồng hồ là anh, chị cho ra 1 sản phẩm mới lạ, độc đáo và đẹp mắt.

Giá của mặt hàng này dao động từ 30.000 – 500.000/1 sản phẩm tùy theo chất lượng của chúng. Giá cả khá phải chăng, họa tiết trang trí rất đẹp mắt, vừa phù hợp để sử dụng trong gia đình hay dùng làm vật trưng bày tại các căn hộ sang trọng.

Sản phẩm của vợ chồng anh được nhiều người lựa chọn, có ngày đắt khách, nhiều đơn đặt hàng anh chị thu về khoảng 2.000.000 đồng. Không chỉ khách hàng trong nước ưa chuộng mặt hàng này mà còn có cả những khách nước ngoài muốn sở hữu chúng. “Nhiều khách Pháp, Mỹ… sau khi thấy các họa tiết thú vị trên từng sản phẩm đã đặt mua về nước”, chị Thúy nói. Thậm chí, có doanh nhân Hà Quốc đã đặt vấn đề để cặp vợ chồng tài hoa này gia công cho cả ‘lô” sản phẩm đưa về nước sở tại tiêu thụ.

Vốn là dân nhà nghề, nên chị Thúy đã đặt tên cho công việc của hình là “Hành trình giải cứu những chiếc chai”. Vì theo chị từ những chiếc chai cũ kỹ bỏ đi qua bàn tay của vợ chồng anh chúng đã khoác lên mình những bộ cách mới và trở thành những vật dụng độc đáo và đẹp mắt. Công việc này không chỉ mang lại thu nhập cao cho anh chị mà còn giúp bảo vệ môi trường. “Trong tương lại tôi rất mong có nhiều bạn trẻ biết đến công việc này, và cùng vợ chồng tôi phát triển nghề  này, vừa để giúp họ có nghề lại giúp giảm thiểu rác thải” Chị Thúy cho biết.

Xuất phát từ ý nghĩ đơn giản mà hiện nay, vợ chồng anh đã có rất nhiều sản phẩm được nhiều người tin dùng. Không những vậy anh còn có tham vọng là có thể tìm được đối tác phù hợp để mở doanh nghiệp xã hội, nhận dạy nghề cho trẻ em, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ có công việc và thu nhập ổn định.

Ngọc Nga

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến