Dòng sự kiện:
Kiên định điều hành chính sách tiền tệ
08/08/2019 13:01:05
Trước diễn biến phức tạp trên thị trường thế giới, TS. Cấn Văn Lực cảnh báo, VN cần tiếp tục theo dõi, đánh giá, kiên định chính sách điều hành tiền tệ không nên để cuốn vào dòng xoáy của chiến tranh tiền tệ.

Trung Quốc bị gắn mác thao túng tiền tệ

Sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tăng thêm 10% thuế với 300 tỷ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng nhân dân tệ (CNY) mất giá mạnh xuống còn hơn 7 CNY đổi 1 USD, thấp kỷ lục trong hơn 10 năm. Đồng thời Trung Quốc cũng tuyên bố ngừng mua nông sản từ Mỹ. Các chuyên gia phân tích từ Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, ngưỡng 7 CNY/USD được giới đầu tư đánh giá là một ngưỡng cản tâm lý mang tính nhạy cảm và đã được giữ ngay cả khi xung đột thương mại Mỹ - Trung bùng phát với đợt áp thuế đầu tiên của Mỹ vào tháng 6 năm ngoái.

Trước phiên sáng 5/8, đồng CNY mới mất giá khoảng 0,5% kể từ đầu năm đến nay. Việc ông Trump đe dọa áp thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc kể từ đầu tháng 9 tới là nguyên nhân chính kích hoạt đà giảm mạnh trở lại của CNY.

Ngoài lý do tăng thuế, theo TS.  Cấn Văn Lực, lý do nữa khiến cho đồng CNY sụt giảm mạnh đó là do NHTW Trung Quốc giảm tỷ giá tham chiếu giữa đồng nhân dân tệ với USD ở mức thấp nhất từ tháng 5/2008 đến nay. Do lo ngại nên các nhà đầu tư bán đồng CNY nhiều hơn, và bán cả chứng khoán ở thị trường mới nổi.

Mặc dù, NHTW Trung Quốc đưa ra những lập luận việc điều chỉnh tỷ giá để giữ ổn định đồng CNY nhưng ngay lập tức, Mỹ đưa Trung Quốc vào danh sách các quốc gia đang thực hiện việc thao túng tiền tệ và cho biết sẽ liên kết với IMF để loại bỏ những cạnh tranh không lành mạnh từ Bắc Kinh.

Sự nóng lên từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến giới đầu tư lo lắng về khả năng Trung Quốc phá giá sâu hơn nữa CNY và cuộc chiến tranh tiền tệ sớm xảy ra. Song, qua trao đổi với một số chuyên gia, nếu phá giá mạnh đồng CNY, kinh tế Trung Quốc sẽ gánh chịu những tổn thất khá nặng nề. Điều nhìn thấy rõ nhất là dòng vốn FDI sẽ chảy ồ ạt ra khỏi Trung Quốc. Do vậy, khó xảy ra khả năng Trung Quốc phá giá sâu hơn nữa.

Việc bị Mỹ coi là quốc gia thao túng tiền tệ sẽ khiến chiến tranh thương mại căng thẳng hơn nữa, và tác động nhất định đến kinh tế thế giới, nhưng theo nhận định của TS. Cấn Văn Lực, tình hình chưa đến mức là cuộc chiến tiền tệ song đang tạo ra những tác động, cú hích để các nước có thể xem xét điều chỉnh tỷ giá nội tệ.

Chung quan điểm, trả lời báo giới, TS. Trương Văn Phước cũng nhận định khả năng chiến tranh tiền tệ khó xảy ra. Vị chuyên gia này cũng không nghĩ Trung Quốc sẽ để đồng CNY sụt giảm theo ý thích của mình được, bởi tỷ giá hối đoái không thể do một nước nào tự định đoạt được. Chẳng hạn, tỷ giá CNY không chỉ mình Trung Quốc quyết định, trừ khi họ đi theo chế độ tỷ giá hối đoái cố định. Trong khi, Trung Quốc mong CNY yếu thế nào thì Mỹ cũng mong USD mất giá nhiều như thế…

Theo dõi sát diễn biến thị trường

Theo đánh giá của BVSC, Trung Quốc cũng ít nhiều có động lực để cho đồng CNY giảm giá nhằm hỗ trợ xuất khẩu nhưng Trung Quốc cũng hoàn toàn không muốn một kịch bản giảm giá mạnh của đồng nội tệ. Lý do là Trung Quốc không muốn kích hoạt một làn sóng rút vốn nước ngoài mạnh hơn nữa, gây thêm bất ổn kinh tế vĩ mô, đồng thời làm xói mòn dự trữ ngoại hối của nước này như đã từng diễn ra trong giai đoạn 2014 - 2015.

Trong ngắn hạn, với phiên giảm mạnh bất ngờ của CNY, chuyên gia BVSC đánh giá, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ sớm có các biện pháp nhằm ổn định lại tâm lý và làm “mềm” lại dao động của đồng tiền này. Tuy vậy, việc tỷ giá CNY/USD xuyên qua mức 7 sẽ khiến đồng tiền của các thị trường mới nổi khác ít nhiều chịu áp lực.

Đánh giá thêm tác động của việc đồng CNY giảm giá mạnh đối với thị trường tài chính, tiền tệ thế giới, các chuyên gia ngân hàng cho rằng, các nước liên đới đến thị trường Trung Quốc sẽ chịu tác động nhiều hơn nên phải chuẩn bị kỹ các kịch bản ứng phó. Chẳng hạn như Việt Nam, hàng hóa Trung Quốc giá rẻ hơn tràn vào thị trường sẽ rất nguy hiểm.

Đối với tỷ giá VND/USD tính đến cuối tháng 7 gần như đi ngang so với cuối năm ngoái nên theo BVSC, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vẫn đang còn khá nhiều “dư địa” để điều hành trước diễn biến mới của đồng CNY. BVSC cho rằng, dù có thể chịu sức ép giảm giá theo CNY nhưng NHNN sẽ có các giải pháp điều hành, không để VND giảm giá quá sâu (trên 3%).

Bình luận thêm về tác động tỷ giá, theo TS Lực, trước mắt tác động từ việc mất giá đồng CNY là chưa lớn. Nguyên do, CNY chỉ là một trong 8 loại tiền tệ trong rổ tiền tệ để NHNN tính toán điều chỉnh tỷ giá. Ngoài biến động của các đồng tiền trên thế giới, các nhà điều hành tỷ giá khi điều chỉnh tỷ giá tính toán rất nhiều nhân tố như: kim ngạch xuất nhập khẩu, vốn FDI, yếu tố vĩ mô trong nước…

Nhưng trước diễn biến phức tạp trên thị trường thế giới, TS. Cấn Văn Lực cảnh báo, Việt Nam cần tiếp tục theo dõi, đánh giá, kiên định chính sách điều hành tiền tệ, tỷ giá linh hoạt, không nên để cuốn vào dòng xoáy của chiến tranh tiền tệ. “Hạn chế những tác động tiêu cực từ diễn biến kinh tế thế giới, ổn định vĩ mô là mục tiêu quan trọng nhất đối với nền kinh tế nước ta. Muốn làm được như vậy thì cần phải ổn định tỷ giá. Theo đó, NHNN kiên định chính sách về tỷ giá hối đoái như thời gian vừa qua”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

TS. Trương Văn Phước cũng tỏ ra lạc quan khi đánh giá về những yếu tố hỗ trợ tỷ giá trong thời gian tới như dòng vốn nước ngoài trực tiếp và gián tiếp vẫn liên tục đổ vào... “Nếu USD không thể tăng giá và với lượng cung ngoại tệ dồi dào, tỷ giá năm nay sẽ tiếp tục ổn định, câu chuyện điều hành tỷ giá cũng thuận lợi hơn nhiều”, TS. Trương Văn Phước nhận xét.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến