ANTT.VN – “Lầu Năm Góc” đã nhận được thông tin cuộc tập kích Sơn Tây thất bại như thế nào? Lính biệt kích Mỹ đã làm những gì trong đêm Sơn Tây?
Tin liên quan
Ngày 18/11/1970, Đô đốc Moorer - Chủ tịch Hội đồng các tham mưu trưởng đã thuyết trình cho Tổng thống Mỹ - Richard Nixon toàn bộ kế hoạch của chiến dịch Bờ Biển Ngà. Moorer hiểu rằng đây là ngày quyết định cuối cho Cuộc tập kích giải cứu tù binh Phi công Mỹ ở trại tù binh Sơn Tây có được thi hành hay không?
Lính biệt kích Mỹ trong Chiến dịch Bờ Biển Ngà (Nguồn: Internet)
Quyết định cuối cùng cho “Chiến dịch Bờ Biển Ngà”
Dù đã biết trước kế hoạch trong cuộc làm việc bí mật với Bộ trưởng Quốc phòng Laird và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Moorer vào chuyến đi thăm châu Âu nhưng Richard Nixon đã chăm chú lắng nghe và im lặng hồi lâu. Đây là một quyết định vô cùng khó khăn với ông ta. Cuối cùng, sự phê chuẩn chính thức và quyết định tối hậu được đưa ra sau ý kiến của cố vấn an ninh của Tổng thống – Kissinger.
Ngày 8/10/1970, tại văn phòng của Cố vấn an ninh Tổng thống Mỹ ở phía Tây Nhà Trắng, Blackburn, Manor và Simons đã có cuộc thuyết trình với Kissinger.
Lần lượt từng người: Blackburn, Manor và Simons đã báo cáo phần việc do mình phụ trách. Ngài tiến sĩ, giáo sư nổi tiếng về tài diễn thuyết của trường đại học Havard “lắng nghe một cách thông minh”. Cuối cùng ông ta “bật đèn xanh” bằng ý kiến: “Các anh cứ làm bất cứ điều gì xét thấy cần. Việc va chạm quốc tế đã có chúng tôi lo…”.
Cuối cùng, Kissinger kết luận một câu đầy ý nghĩa: “Cho dù việc này có được Tổng thống chấp thuận hay không, thì tôi cũng xin cảm ơn tất cả vì các vị đã có trí tưởng tượng và nghĩ ra được một sáng kiến thật độc đáo”.
Chưa hết, vào ngày 2/11 nhóm Blackburn, Manor và Simons thuyết trình với đô đốc Mccain và tham mưu trưởng của ông ta. Sau buổi họp, McCain đã dành ưu ái riêng chiếc máy bay đặc nhiệm của ông thuộc Bộ tư lệnh Thái Bình Dương để đưa ba thủ lĩnh vượt qua làn ranh giới đổi thay giờ giấc, bay suốt 6296 dặm đến Sài Gòn. Máy bay lần lượt đáp xuống Iceland, rồi Phillippines để lấy thêm nhiên liệu mấy lần mới tới được hòn Ngọc Viễn Đông một thời. Tại đây họ đã thuyết trình cho tướng Creighton Abrams – người thay thế tướng Westmoreland chỉ huy bộ tư lệnh viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam (MACV)…
Tổng thống Mỹ đã nghĩ gì và nói gì khi nghe thuyết trình?
Do được chuẩn bị chu đáo, nên đô đốc Moorer đã thuyết trình về kế hoạch của Chiến dịch Bờ Biển Ngà khá lưu loát và hấp dẫn.
Moorer trình bày về đường bay của Simons cùng các đơn vị biệt kích từ Thái Lan đến thị xã Sơn Tây. Để tránh bị ra đa và lưới lửa phòng không miền Bắc Việt Nam phát hiện, các phi hành đoàn trực thăng Mỹ sẽ phải luồn lách, vòn vèo và tiếp dầu trên không ra sao. Cách xử lí nguy hiểm nếu bị phát hiện và bắn hạ trước khi đến được mục tiêu thế nào. Đặc biệt là cách nghi binh của lực lượng Hải quân Mỹ: Sử dụng một số lượng lớn máy bay chiến đấu xuất phát từ hạm đội ngoài khơi, bất ngờ ồ ạt đánh phá cảng Hải Phòng, khiến cho người ta nhầm tưởng rằng sắp có một cuôc đổ bộ ở vùng ven biển và lực lượng Phòng không Việt Nam sẽ mất cảnh giác ở khu vực Sơn Tây… Các hoạt động quân sự nhằm hỗ trợ cho cuộc tập kích sẽ diễn ra trên một diện tích khổng lồ khoảng 300.000 dặm vuông của khu vực Đông Nam Á.
Lật đến tấm sơ đồ cỡ lớn, vẽ chi tiết toàn bộ trại tù binh Sơn Tây, Đô đốc Moorer đã trình bày cặn kẽ trong cơn mơ hồ của Tổng thống Nixon: Trại “Hy vọng” ở Sơn Tây là nơi duy nhất được cả DIA và CIA xác nhận hiện đang giam giữ tù binh Phi công Mỹ ở ngoại biên Hà Nội. Theo chúng tôi biết, hiện đang có 70 tù binh Phi công Mỹ. Trong số này 61 người đã xác nhận được họ tên, chức vụ, cấp bậc,…Về thành phần 43 người của Không quân, 14 người của Hải quân và 4 người của Thủy quân Lục chiến… Sĩ quan trưởng nhóm của những tù binh này là Trung tá Hải quân C.D. Clower, ông này đã được phong Đại tá ngay sau ngày bị bắt…
Richard Nixon tỏ ra xúc động trước những thông tin rất cụ thể vừa kể trên mà Lầu Năm Góc thu lượm được. Moorer hiểu điều đó và ông ta càng tự tin hơn trong giọng nói:
- Thưa Tổng thống, về lực lượng của phía Bắc Việt bảo vệ Sơn Tây khoảng 12.000 quân, có thể gây thiệt hại cho đơn vị tập kích, nhưng trong số này đóng phân tán ở nhiều nơi và nhanh nhất cũng phải sau 30 phút họ mới có thể tiếp ứng cho trại tù binh được…
Ông nhấn mạnh: “Trong năm nay chỉ còn thời điểm từ ngày 20 đến 25 tháng 11 là thuận lợi nhất; nếu bỏ lỡ cơ hội này thì phải đợi đến tháng Ba sang năm…”.
Sau rất nhiều giải trình với sự ủng hộ của cố vấn An ninh Kissinger và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Laird, Nixon đã gật đầu rồi thốt lên: “Làm sao chúng ta lại có thể không chấp thuận một việc đáng làm như các anh đã dày công chuẩn bị mấy tháng nay”. Ngay buổi chiều 18/11/1970, Richard Nixon đã đồng ý cho Bộ trưởng Quốc phòng Laird thi hành cuộc tập kích và kế hoạch với mật danh “Cỗ máy Kingpin” chính thức bắt đầu hoạt động.
Đúng 3 giờ sáng ngày 18/11/1970, tại Thái Lan, Manor và Simons đã có mặt tại phi trường Takhli để đón các toán tập kích. Tại thời điểm đó, ngoài Manor và Simons ra, trong cả đơn vị biệt kích chỉ có 3 người nữa là Cataldo, Sydnor và Meadows được biết mục tiêu của cuộc tập kích. Những người khác chỉ mơ hồ phỏng đoán là mình đang có mặt tại một địa điểm nào đó ở vùng Đông Nam Á.
Theo lệnh chỉ huy, họ được ngủ đúng 6 tiếng đồng hồ cho lại sức, thời gian còn lại họ được nhắc nhở về kỷ luật, sau đó là ôn luyện các bài tập chiến đấu và chuẩn bị vũ khí, trang bị.
18 giờ, ngày 20/11/1970, toàn đơn vị được biết sự thật: “Chúng ta sẽ trực tiếp tham gia giải cứu khoảng 70 tù binh Phi công Mỹ ở trại giam Sơn Tây, mục tiêu nằm trong lãnh thổ Bắc Việt Nam, cách Hà Nội 40km về phía Tây…”.
Dưới sự chỉ huy của tướng Manor, các toán tập kích được chuyển sang 3 trong 5 chiếc trực thăng đang chờ sẵn, cạnh đó là 2 chiếc tải thương C-141 sẽ được sử dụng để chở tù binh khi đến Sơn Tây.
23 giờ 25 pút, từ Đà Nẵng, tướng Manor báo cáo về Lầu Năm Góc: “Chiếc trực thăng HH53 cuối cùng mang theo các toán xung kích rời sân bay Udon lúc 23 giờ 18 phút… Kế hoạch Kingpin đã mở màn!”.
Không có một tù binh nào
Đoàn trực thăng biệt kích do một chiếc C-130 dẫn đường lầm lũi bay trong đêm. Simons ngồi trên chiếc trực thăng ngụy danh là Quả táo số 1. Những Phi công trong phi hành đoàn không ngờ máy bay của họ chỉ là một trong hơn 100 chiếc đủ loại: trực thăng, C-130, A1, F-105…được cất cánh từ 5 căn cứ không quân từ Thái Lan, 3 tàu sân bay tại vịnh Bắc bộ mà Lầu Năm Góc đã huy động tham gia chiến dịch này. Và quy mô của chiến dịch diễn ra trên một vùng trời rộng lớn tới gần 300.000 km của Đông Nam Á.
Viên phi công Donohue lái chiếc Quả táo số Ba xác định được trại tù binh Sơn Tây với 3 chiếc chòi gác rõ mồn một. Anh ta nói nhanh vào chiếc máy truyền tin “Chuẩn bị nổ súng”, “Bắn!”. Sau khẩu lệnh ngắn gọn, chiếc Quả táo số Ba rung lên, 2 khẩu súng máy được gắn hai bên nhả đạn một cách tàn nhẫn. Mấy gã xạ thủ reo lên, hò hét: “Trúng rồi, sụp đổ hết rồi!”.
Lái chiếc Quả táo số Hai do Đại tá Dick Meadows chỉ huy, Phi công H.Kallen hết sức cố gắng, sau nhiều lần va chạm đã hạ cánh xuống trại giam. Giọng hổn hển, gấp gáp trong chiếc loa, Meadows thốt lên: “Chú ý, chú ý, chúng tôi là người Mỹ, chúng tôi đến đây để giải cứu các anh ra khỏi chỗ này…”. Nhưng tuyệt nhiên không có sự hồi âm lại từ các tù binh.
Chiếc trực thăng ngụy danh Quả táo số Một do Simons chỉ huy đã đổ bộ nhầm xuống Trường Đảng của tỉnh Sơn Tây, trước khi rút ra ngoài, lính biệt kích Mỹ đã xả súng bắn chết 5 cán bộ an dưỡng khi họ đang ngủ và đốt phá cơ sở.
Xem xét lại tình hình, theo đúng kế hoạch, Simons vội cho một tốp lính đi phá sập cầu Sông Tích bằng thuốc nổ, toán lính của Sydnor phá sụp trạm biến thế cùng các cột điện gần đó, cắt hết điện lưới cung cấp cho trại tù binh và các khu vực xung quanh.
Chưa hết! Trên đường tiến quân, lính của toán Simons còn đạp cửa xông vào một trong ba ngôi nhà dân hiếm hoi của cả vùng còn thắp điện sáng. Một người mẹ và ba đứa con nhỏ đang ngủ ngon bỗng nghe tiếng súng vội chui xuống gầm giường. Một lính Mỹ soi đèn pin và phát hiện ra họ. Họ đã bóp cò súng, bắn trọn một băng tiểu liên vào người phụ nữ và đứa trẻ: Bà Nguyễn Thị An (48 tuổi), và cháu gái Lê Thu Hương (12 tuổi), chết ngay tại chỗ; cháu gái Lê Thu Nga (15 tuổi) và cháu trai Lê Việt Tuấn (9 thuổi) bị thương rất nặng bởi trúng nhiều vết đạn…
Cùng lúc đó, sau khi gọi loa phát thanh, Dick Meadows đã chỉ huy toán lính phá khóa, đột nhập vào từng buồng giam. Hầu hết các phòng đều trống không…Nhưng trong một căn buồng nhỏ, toán biệt kích đã xả súng bắn chết 6 người đàn ông có nhiệm vụ trông coi trại giam sau khi tù binh đã chuyển đi nơi khác.
Tất cả đều kinh ngạc vì không có dấu hiệu nào chứng tỏ tù binh Mỹ đang ở. Đích thân Simons đã vào các buồng giam để kiểm tra lần cuối cùng với một tâm trạng thất vọng và chán chường. Dick Meadows gào lên trong máy: “Không tìm thấy một tù binh nào cả! Không tìm thấy một tù binh nào cả!...”.
Một bức điện không có trong dự kiến đã được gửi cho tướng Manor ở Bộ chỉ huy cuộc hành quân tại Đà Nẵng: “Không có một tù binh nào cả”.
Tại sao tù binh Phi công Mỹ lại được chuyển khỏi trại giam Sơn Tây trước khi vụ tập kích xảy ra? Đó chính là câu hỏi đã làm điên đầu các quan chức chop bu của Lầu Năm Góc sau khi cuộc tập kích thất bại, khiến cho Tổng thống Mỹ bị mang tiếng là “tên dối lừa” trước dư luận. (Còn tiếp)
Hoàng Hà (lược trích theo tác phẩm "Phi công Mỹ ở Việt Nam" của nhà văn Đặng Vương Hưng).