Dòng sự kiện:
Kỳ 6: Những dấu ấn lịch sử 12 ngày đêm
21/12/2014 14:55:51
ANTT.VN- Thực tế, giới sử học quân sự thế giới, trong đó có Hoa Kỳ còn phải tốn nhiều giấy mực và thời gian nữa để nghiên cứu, tìm hiểu về sự kiện “Điện Biên Phủ trên không”.

Tin liên quan

Nỗi đau bom đạn

Tổng cộng trong 12 ngày đêm trận “Điện Biên Phủ trên không”, Không lực Hoa Kỳ đã mất tới 81 chiếc máy bay hiện đại, trong đó có 34 chiếc B52, 5 chiếc F111, 21 chiếc F4C và F4E… Cộng thêm rất nhiều Phi công Mỹ bị bắt làm tù binh.

phi-cong-my-bi-bat-lam-tu-binh

Phi công Mỹ bị bắt làm tù binh ở miền Bắc (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, trong chiến tranh hiện đại thật khó có chiến thắng nào được toàn vẹn, không phải hi sinh xương máu. Sau này, phía Mỹ đã thú nhận: riêng với Hà Nội, họ đã sử dụng tới 444 lượt chiếc Pháo đài bay B52 cùng nhiều loại máy bay chiến thuật khác. Tính ra, người Mỹ đã trút xuống Hà Nội 10.000 tấn bom, hòng hủy diệt Thủ đô của Việt Nam…

Vậy trong “Cuộc quyết đấu”12 ngày đêm bão lửa ấy thiệt hại về người của chúng ta là bao nhiêu?

Các chuyên gia Mỹ dự đoán chắc chắn có ít nhất vài vạn dân thường Việt Nam đã thiệt mạng.

Trong thực tế, thương vong của phía Việt Nam ít hơn rất nhiều, chỉ bằng 1/10 số dự đoán của Mỹ. Đó là nhờ chúng ta đã chủ động đề phòng trước: Đầu thập kỷ 70, cả Hà Nội mới có khoảng 60 vạn dân. Trước khi xảy ra cuộc tập kích chiến lược của Mỹ, chính quyền thành phố đã tổ chức sơ tán được 30 vạn người. Sau đêm đầu tiên của cuộc tập kích, lệnh sơ tán càng triệt để hơn, nhằm hạn chế tối đa thương vong cho nhân dân… Đây cũng là một thành công lớn, góp phần quan trọng cho chiến thắng.

Chỉ tính riêng ở Hà Nội, bom B52 đã rơi đúng nhiều khu dân cư thuộc phố Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai, Gia Lâm, Yên Viên, Uy Nỗ…Theo một con số thống kê cho biết: bom Mỹ đã phá sập 5.480 ngôi nhà, sát hại 2.368 dân thường và làm 1.355 người khác bị thương.

Đài tưởng niệm Khâm Thiên

Thiệt hại nặng nhất ở Hà Nội là khu phố Khâm Thiên đông đúc, loạt bom “rải thảm” kéo dài hàng km, khiến 2.265 ngôi nhà bị phá sập hoàn toàn, 287 người bị chết và 290 người khác bị thương…Bãi bom B52 “rải thảm” xưa ở Khâm Thiên nay chỉ còn lại một đài tưởng niệm tội ác chiến tranh.

dai-tuong-niem-khâm-thiên

Đài tưởng niệm Khâm Thiên (Nguồn: Internet)

Đợt ném bom cao điểm của đế quốc Mỹ, có hai mẹ con ở ngôi nhà số 47 Khâm Thiên không may bị sức ép của bom B52 cướp đi sinh mạng. Người mẹ đã chết nhưng vẫn giữ nguyên tư thế đứng ôm chặt đứa con, che chở cho con. Và người con của bà tuy không còn sống nhưng tấm thân còn mềm, cánh tay vẫn bám chặt vào chân mẹ như muốn bấu víu cuộc sống mỏng manh.

Họa sĩ Nguyễn Tự khi nghe kể về hình ảnh đau thương ấy đã cho ra đời một tác phẩm điêu khắc, lấy nguyên mẫu hình ảnh người mẹ bế con, chân đạp lên quả bom B52. Hơn 40 năm trôi qua, họa sĩ  Nguyễn Tự vẫn còn nhớ như in, liên tục trong hai ngày một đêm ông cho ra đời bức tượng điêu khắc ấy: “Tượng Khâm Thiên ra đời không phải đơn đặt hàng cũng không phải trách nhiệm ai giao cho mà phải làm. Những người đi làm công tác khắc phục hậu quả  kể lại cho tôi là có hình ảnh như thế, thì tự nhiên thôi thúc tôi. Vừa thương xót, vừa thấy quá tàn ác và thấy rằng mình cần phải tố cáo. Vậy thì tố cáo bằng cách nào? Mình làm nghề điêu khắc, thấy được chuyện có người chết đứng như vậy đã gợi cho mình một hình tượng có giá trị tố cáo”.

Khâm Thiên ngày nay người ta vẫn quen gọi là “phố vắng 3 số nhà”. Cùng với ngôi nhà số 47 – nơi hai mẹ com bị bom B52 lấy đi sinh mạng, ngôi nhà số 49 và 51 cũng bị phá hủy hoàn toàn. Chính quyền thành phố quyết định lấy mảnh đất có 3 ngôi nhà làm đài tưởng niệm Khâm Thiên. Ý tưởng xây dựng tượng đài sao cho xứng đáng với tinh thần của nhân dân Khâm Thiên nói riêng và nhân dân Hà Nội nói chung trong đợt chiến đấu với vũ khí hủy diệt B52 của giặc Mỹ vào năm 1972 được phát động. Như một cơ duyên, tác phẩm điêu khắc của họa sĩ Nguyễn Tự đã được lựa chọn.

Hiện nay, bức tượng xi măng của nhiều năm về trước đã được thay thế bằng bức tượng đồng . Hàng ngày, người dân Khâm Thiên vẫn chăm sóc, quét tước cho khu tưởng niệm sạch sẽ, vẫn thắp hương để tưởng nhớ những vong linh ngã xuống.

Bảo tàng chiến thắng B52

Đã hơn 40 năm sau chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, có một bảo tàng độc nhất vô nhị trên thế giới mang tên “Bảo tàng Chiến thắng B52” được xây dựng ở đường Đội Cấn.
Ngày 22/12/1997, tại số 157 phố Đội Cấn, bảo tàng Chiến thắng B52 chính thức khánh thành. Từ  đó đến nay, mỗi năm có hàng chục vạn lượt khách đến tham quan.

bao-tang-chien-thang-B52

Bảo tàng chiến thắng B52 (Nguồn: Internet)

Không ai nghi ngờ về sự độc đáo của bảo tàng “Chiến thắng B52”, bởi lẽ trên thế giới không hiếm các hình thức bảo tàng, nhưng chỉ ở Việt Nam mới có dạng bảo tàng này.  Tại bảo tàng có một phòng rất thu hút khách tham quan, đó là sa bàn tổng hợp diễn biến trận “Điện Biên Phủ trên không”, diện tích 200 mét vuông, có không gian 3 chiều và khi phòng này hoạt động, hệ thống ánh sáng, âm thanh, tạo khói và phim video chiếu màn ảnh lớn đã tái tạo rất ấn tượng những khoảnh khắc lịch sử huy hoàng của Hà Nội…

Hiện nay, quân đội Mỹ vẫn sử dụng sách lược quân sự “Tấn công đường không” để đe dọa cả thế giới hòa bình. Bởi cho đến nay, vẫn chỉ có duy nhất Lực lượng Phòng không – Không quân Việt Nam bắn rơi “Pháo đài bay” B52 và đánh bại Không lực Mỹ… làm đài tưởng niệm.

Thực tế, không chỉ báo chí Việt Nam, mà nhiều hãng thông tấn, báo chí truyền thông có uy tín của thế giới, đăc biệt là phía Mỹ đã không ngớt lời ca ngợi nghệ thuật quân sự tài tình của Lực lượng Phòng không – Không quân Việt Nam.

Rõ ràng, trong chiến tranh hiện đại, ưu việt về vũ khí, kĩ thuật tân tiến là vô cùng quan trọng, nhưng chưa phải là tất cả, mà yếu tố con người vẫn là quyết định. Giới sử học quân sự thế giới, trong đó có Hoa Kỳ còn phải tốn nhiều giấy mực và thời gian nữa để nghiên cứu, tìm hiểu về sự kiện “Điện Biên Phủ trên không”.

Mấy năm trước, Cựu Đại tá thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, ông Lindsey đã sang Việt Nam để sưu tập tư liệu và viết cuốn sách về “Điện Biên Phủ trên không”.

Hoàng Hà
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến