Tin liên quan
Câu chuyện về cân đối thu chi ngân sách, nợ công, đầu tư phát triển và đặc biệt là vấn đề tinh giản biên chế, tiền lương đã thực sự làm “nóng” nghị trường những ngày qua.
Cử tri quan tâm, nợ công đang ở ngưỡng nào, có thực sự an toàn hay không và quan trọng hơn nữa là năm nay liệu có được tăng lương để đời sống của họ bớt khó khăn.
Đại biểu Trần Đình Nhã
Về vấn đề biên chế, đại biểu Trần Đình Nhã (đoàn Thừa Thiên - Huế) cho rằng, hiện nay chúng ta đang bị “lạm phát” cấp phó. Đại biểu đặt câu hỏi: “Phải làm gì với tình trạng lạm phát cấp phó trong các cơ quan sự nghiệp hưởng ngân sách. Số lượng cấp phó phân bổ không đều, có cơ quan 1 -2 người, có cơ quan 5, 7 cấp phó. Chưa có quy định nào hạn chế cấp phó. Vấn đề là tại sao nhiều?”.
Nhiều cấp phó nhưng theo đại biểu Trần Đình Nhã, vị trí nào đưa ra thảo luận cũng có lý. Cấp phó nhiều, tất yếu đội chi ngân sách Nhà nước.
Đại biểu Trần Đình Nhã cho rằng: “Quốc hội cần đưa ra Nghị quyết có tính bước ngoặt trong hành chính, mỗi cơ quan không quá 3 cấp phó. Có như vậy mới bắt kịp nền hành chính hiện đại, văn minh”.
Cùng với đó, cán bộ công chức cần gương mẫu trong chi tiêu, cần mở cuộc vận động tiết kiệm và cần cân nhắc nhiều khoản chi. Ví dụ như thiếu quy định khoản chi về giám định, củng cố chứng cứ tham nhũng, khiến việc xác định tội danh tham nhũng khó khăn hơn, làm thất thoát ngân sách.
Ngoài ra, theo ý kiến của ông Trần Đình Nhã, các luật hiện nay đã và đang chuẩn bị thông qua đều thiếu mục “tác động đến ngân sách như thế nào”; chưa làm rõ sự thay đổi về nhân sự, quyền hạn… của các luật thì làm ngân sách nhẹ đi hay tăng thêm. Nhẹ đi là tốt, nếu mỗi luật lại làm tăng thêm khoản chi cho ngân sách thì là tai họa. “Đề nghị khi thông qua các luật, quyết định, cần có mục đánh giá tác động đối với ngân sách trong mọi báo cáo thẩm tra” – đại biểu Trần Đình Nhã nói.
Nói về lý do chúng ta có nhiều cấp phó, đại biểu Lê Nam (đoàn Thanh Hóa) cho rằng: “Đã có quy định nhưng chúng ta chưa thực thi, vấn đề là tại chúng ta”.
Đại biểu Lê Nam cũng đề nghị xem xét lại việc chưa tăng lương, vì chúng ta lỗi hẹn một lần rồi, thì nay lại lỗi hẹn lần nữa sẽ không đảm bảo niềm tin của cử tri. Những lý do chưa tăng lương chưa thuyết phục, là lỗi của Chính phủ và Quốc hội chứ không phải lỗi cử tri.
“Chính phủ chưa giải trình được, nếu như chưa tăng lương, thì chi vào khoản nào quan trọng hơn việc tăng lương” – đại biểu Lê Nam nói.
Cũng nêu ý kiến về việc tăng lương, đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) cho rằng, thang bậc lương phải tính lại. Nếu tăng lương tối thiểu thì mức chênh lệch càng lớn. Đề nghị trước mắt, khó khăn thì trợ cấp đều, bằng nhau chứ không tăng lương tối thiểu, vì như vậy càng mất công bằng, gia tăng khoảng cách. Có như vậy, đỡ cho cán bộ công chức lương thấp, giảm khó khăn cho ngân sách.
Trở lại câu chuyện biên chế, theo đại biểu Lê Nam, với cơ chế tổ chức của chúng ta hiện nay, nếu không đổi mới thì tình trạng cồng kềnh, tốn kém, lãng phí, vẫn còn tiếp tục. Nếu không đổi mới thì không ngân sách nào chịu đựng được.
Cùng chung nỗi lo này, Đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TP HCM) cho rằng: “Phải cắt bớt lãnh đạo, nhiều người đi học làm lãnh đạo, phấn đấu làm lãnh đạo nhiều quá. Giảm bộ máy hành chính, để tinh giản biên chế. Chúng ta có đến 2,7 – 2,8 triệu công chức, trong đó nhiều người nói là 30% vô dụng.” – đại biểu nói.
Đại biểu Đỗ Văn Đương cũng đề nghị Thủ tướng ra chỉ thị giảm 10% chi hành chính ở phần hội nghị, đi nước ngoài.
Cử tri cần được biết rõ thực trạng nợ công
Theo đại biểu Thân Văn Khoa (đoàn Bắc Giang), Chính phủ cần làm rõ tình hình thực hiện kế hoạch thu, phân tích rõ nguyên nhân giảm thu, các khoản thu đặc thù, các chính sách giãn giảm tác động đến tăng thu để đánh giá thực chất.
Về chi ngân sách, đại biểu Thân Văn Khoa đề nghị rà soát một số chính sách đã ban hành, một số chính sách không thực hiện được như: Tiền lương, hỗ trợ nhà ở cho người có công…
“Thu ngân sách thực hiện theo kế hoạch nhưng không tăng lương theo lộ trình gây dư luận không tốt trong xã hội, tình trạng thất thoát lãng phí, số dự án thi công khởi công mới gia tăng, nợ đọng xây dựng cơ bản cũng tăng… Chính phủ phải giải quyết tốt những vấn đề này. Ngoài ra, về số tăng thu, đề nghị phải xem xét kỹ trước khi quyết định chi vượt thu” – đại biểu Thân Văn Khoa nói.
Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) cũng lo ngại về chi thường xuyên tăng và đề nghị phải tính rất kỹ. Dù chi thường xuyên tăng là cần thiết nhưng đại biểu đề nghị cứ cắt mạnh rồi tính lại.
“Đề nghị cắt mạnh 10% từ năm 2015, trừ lương và an sinh xã hội để mỗi khi muốn tổ chức lễ lạt, hội nghị, phải tính “nát óc” mới làm được, không thể dễ dàng như hiện nay. Mạnh dạn làm, không chết ai” – đại biểu Trần Du Lịch nói.
Đại biểu Trần Du Lịch cũng bày tỏ lo lắng về vấn đề nợ công, nhưng cái lớn nhất khiến cử tri mất niềm tin là vay không hiệu quả, dàn trải, thất thoát. Cần phải làm cho xã hội tin rằng, vay là hiệu quả, không thất thoát. Đại biểu phân tích, về an toàn nợ công, ngưỡng quan trọng là tính dòng tiền, là nợ hàng năm phải trả so với thu ngân sách. Những nước khủng hoảng nợ công không phải là vượt ngưỡng mà là do khủng hoảng dòng tiền, nên không trả được phải cắt chi thường xuyên để trả. An toàn là dòng tiền, chứ không phải gì khác.
“Mỗi năm chúng ta vay đảo nợ 130.000 tỷ đồng. Cũng như DN phá sản, họ phá sản không phải vì không có lãi mà vì nợ đáo hạn không trả được. Cảnh báo sau 2020, những khoản ODA dài hạn từ đầu những năm 90 sẽ đến hạn trả, gây áp lực cho ngân sách”.
Từ thực trạng nợ công, đại biểu Bùi Đức Thụ đề nghị, coi nợ công là quan trọng và cấp bách, cần có giải pháp quyết liệt tập trung giải quyết. Cơ cấu lại nợ vay theo hướng tăng vay trung và dài hạn, giảm vay ngắn hạn và thực thi chính sách tiết kiệm triệt để, chính sách tài khóa thắt chặt. Phải tiến dần cân đối NSNN, giảm bội chi, nợ công.
“Từ giờ tới cuối năm áp lực tăng chi lớn, các bộ, ngành địa phương quản lý chặt chẽ, không tăng chi. Phần vượt thu dùng để bù hụt thu cho hơn 10 tỉnh và nên tập trung chủ yếu để thanh toán nợ, giảm nợ công” – đại biểu Bùi Đức Thụ nói.
Còn theo Đại biểu Đỗ Văn Đương, chúng ta vẫn nói lãng phí lớn, đề nghị UBND các cấp công khai danh tính dự án, công trình nào lãng phí để xử lý, thời hạn xử lý, quy trách nhiệm cụ thể, nếu không sẽ có tác dụng. Nếu làm tốt, khoản này sẽ tiết kiệm được vài chục ngàn tỷ.
Theo VOV
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy