Lộ diện cơ cấu cổ đông của hãng hàng không mới VASCO
04/03/2016 10:29:11
ATT.VN – Văn bản gửi lên Bộ Giao thông vận tải (GTVT) hé lộ cơ cấu cổ đông và chiến lược kinh doanh của hãng hàng không mới…

Tin liên quan

Theo văn bản số 2336 của VNA “xin phê duyệt chủ trương góp vốn thành lập hãng hàng không theo mô hình công ty cổ phần trên cơ sở sắp xếp lại chi nhánh Tổng công ty hàng không Việt Nam – VASCO” gửi Bộ GTVT, hiện tại Vasco là chi nhánh của VNA và cho biết Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất của VNA đã thông qua chủ trương thành lập Cty TNHH MTV bay dịch vụ hàng không trên cơ sở tổ chức lại chi nhánh Tổng Cty Hàng không VN – Công ty bay dịch vụ hàng không.  VNA đã xây dựng và hoàn thành đề án thành lập Cty TNHH MTV Bay dịch vụ hàng không và trình HĐQT Tổng công ty hồi tháng 8/2015.

Máy bay ATR 72

Trong quá trình hoàn thiện đề án và triển khai thực hiện thành lập công ty, VNA đã nhận được đề xuất của Techcombank (nhà đầu tư) mong muốn tham gia góp vốn với VNA đề trở thành thành viên sáng lập hãng hàng không mới.

Theo đó, VNA và Techcombank đã thống nhất thành lập Cty mới theo hướng tổ chức hoạt động theo mô hình công ty CP  thay vì công ty TNHH do có nhiều ưu điểm hơn.

Lý giải điều này, VNA cho biết, việc tổ chức thành công ty cổ phần sẽ giúp Vasco có khả năng huy động vốn cao hơn thông qua việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu ra thị trường và cách thức quản trị một doanh nghiệp theo mô hình công ty cổ phần sẽ chặt chẽ, hiệu quả hơn…

Theo nội dung của đề án này, tên gọi dự kiến của hãng hàng không mới là Cty CP Hàng không Vasco, với quy mô vốn điều lệ tối thiểu là 300 tỷ đồng. Trong đó, VNA sẽ  góp 51% vốn điều lệ, Cty TNHH MTV quản lý quỹ Kỹ thương  (Techcom Capital) góp 48% vốn điều lệ, Cty CP phát triển dự án Techcomdeveloper góp 1% vốn điều lệ. Phương thức góp vốn được VNA đưa ra là, VNA sẽ góp bằng tài sản hiện hữu như kho phụ tùng vật tư, máy bay ATR72-500, động cơ dự phòng máy bay ATR 72, còn 2 cổ đông sẽ góp vốn bằng tiền.

Như vậy, nhìn vào cơ cấu tổ chức và điều hành thì cơ bản đội bay của Vasco không có gì thay đổi, bởi VNA vẫn giữ cổ phần chi phối với 51% vốn điều lệ, có chăng chỉ thêm các cổ đông góp vốn.

Về hiệu quả của đề án thành lập Cty CP Vasco, VNA trình bày tiếp tục duy trì khai thác tàu bay ATR đi/đến các sân bay tại các địa phương chưa tiếp nhận được tàu bay phản lực thân hẹp như Côn Đảo, Cà Mau, Điện Biên, Kiên Giang. Việc VNA tham gia góp vốn thành lập và cho hãng hàng không mới thuê khai thác đội tàu ATR72 – 500 là phù hợp với định hướng phát triển tàu bay đến năm 2020 của VNA đã được Bộ GTVT phê duyệt… Đồng thời, thành lập hãng hàng không hoạt động theo mô hình Cty CP trên cơ sở sắp xếp lại Vasco sẽ phát huy được nguồn lực và kinh nghiệm sẵn có của Vasco.

Trên cơ sở dự báo thị trường, các cổ đông mới tính toán hiệu quả hoạt động của công ty giai đoạn 2016 – 2018  dự kiến đạt 1.949 tỷ đồng. Nếu phương án đề xuất được chấp thuận, Công ty cổ phần hàng không Vasco sẽ đi vào hoạt động từ quý 2/2016.

Mặc dù tận dụng phương tiện sẵn có là máy bay ATR, nhưng trong một diễn biến khác, cuối tháng 1/2016, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) và VNA đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc chấm dứt trước hạn hợp đồng thuê máy bay ATR72-500.

Theo nội dung văn bản này, được sự phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ BIDV và VNA đã chủ trì thành lập Công ty CP Cho thuê máy bay VN VALC với nhiệm vụ là mua và cho thuê máy bay để tăng cường số lượng máy bay thuộc sở hữu của VN. VALC đang vận hành khai thác 2 ổn định 2 dự án máy bay lớn do VNA thuê bao gồm: 5 máy bay ATR72-500 và dự án 10 máy bay A321-200 và đạt lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2010 – 2015 tăng trưởng trên 200%, cổ tức cho các cổ đông năm 2013, 2014 đạt 22% khẳng định mô hình hoạt động của VALC là đúng đắn, có hiệu quả.

Liên quan đến việc triển khai dự án đầu tư 5 máy bay ATR 72-500, BIDV và VNA cho biết, đây là dự án nằm trong đề án phát triển đội bay của VNA , VALC đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt và cho phép VNA chuyển nhượng hợp đồng mua 5 máy bay ATR đã ký với ATR năm 2007 cho VALC và giao Bộ Tài chính bảo lãnh miễn phí vốn mua máy bay.

Theo báo cáo của BIDV và VNA gửi đến Thủ tướng Chính phủ, năm 2010 VALC đã tiếp nhận thành công và bàn giao toàn bộ máy bay cho VNA, theo hợp đồng thời hạn thuê là 11 năm 11 tháng, tuy nhiên do hầu hết các sân bay được nâng cấp đón tàu bay phản lực nên việc khai thác dòng máy bay ATR trở nên kém ưu thế vì thế hồi tháng 6/2015 VNA đã có công văn đề nghị VALC xem xét chấm dứt trước hạn hợp đồng thuê 5 máy bay ATRVNA.

VNA cũng báo cáo và được Bộ GTVT phê duyệt việc dừng khai thác dòng máy bay ATR từ năm 2016 theo kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển giai đoạn 2016 – 2020.

Thiên Di

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến