Dòng sự kiện:
Lo ngại dư cung, dầu giảm mạnh trước thềm năm mới
31/12/2015 09:24:57
ANTT.VN – Giá dầu trên thị trường thế giới trong phiên giao dịch hôm qua (30/12) giảm mạnh sau những dấu hiệu tiêu cực từ dự trữ Mỹ và Ảrập Xêút.

Tin liên quan

Giá dầu bắt đầu lao dốc từ đầu tháng 11. Nguồn: Nasdaq

Cụ thể, trên sàn New York Mercantile Exchange, dầu WTI giao tháng Hai mất 3,4%, xuống 36,60 USD/ thùng.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, dầu Brent giao tháng Hai trên sàn London’ICE Futures exchange cũng giảm mạnh 3,5%, chốt phiên ở mức 36,46 USD/ thùng.

Yếu tố lớn nhất đè nặng lên thị trường dầu mỏ trong phiên hôm qua là việc dự trữ Mỹ bất ngờ tăng mạnh trong tuần trước. Cụ thể, Cục Năng lượng Mỹ (EIA) hôm qua (30/12) thông báo dự trữ Mỹ đã tăng thêm 2,6 triệu thùng trong tuần trước, trái ngược với mức giảm 1 triệu thùng dự báo trước đó của giới phân tích.

“Dự trữ tăng lên vào những ngày này quả thực bất ngờ, bởi giới đầu cơ thường giảm dự trữ trước ngày 31/12 để giảm thuế phải nộp trong năm”, Bob Shiring, chuyên gia năng lượng cao cấp tại Tradition Energy, nhận định.

Trong một diễn biến khác đáng chú ý, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Ali al-Naimi, hôm qua (30/12) đã “thề” sẽ không giới hạn sản lượng để bắt kịp nhu cầu thế giới:

“Nếu thị trường cần, chúng tôi sẽ không ngần ngại tăng năng suất. Không có trần sản lượng nào đối với Ảrập Xêút”.

Dư cung được dự báo vẫn sẽ đè nặng lên thị trường thế giới trong năm 2016. Ảnh: Getty

Thị trường thế giới đang chìm trong cơn khủng hoảng dư cung tồi tệ nhất nhiều thập kỉ qua. Hai loại dầu tiêu chuẩn thế giới WTI và Brent đã mất hơn 70% kể từ đỉnh 2008. So với đầu năm, hai loại dầu này cũng đã mất 31% và 36% giá trị theo thứ tự.

Một số chuyên gia đã từng hi vọng rằng giá dầu xuống quá thấp sẽ khiến các quốc gia sản xuất dầu mỏ phải cắt giảm sản lượng để đẩy giá lên tránh lỗ, tuy nhiên các nhà sản xuất lớn nhất lại không nghĩ vậy.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong cuộc họp đầu tháng nay đã khẳng định sẽ không có chuyện cắt giảm sản lượng trong thời gian tới, không loại trừ khả năng tiếp tục bơm dầu lên với năng suất cao nhất nhằm cạnh tranh với các đối thủ, đặc biệt nhắm tới triệt hạ ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ.

Về phần Mỹ, mặc dù dự trữ của quốc gia này đang ở mức kỉ lục hàng thập kỉ qua, sản lượng thực chất đã đi xuống trong nhiều tháng trở lại đây, làm lóe lên hi vọng dư cung sẽ bớt căng thẳng trong thời gian tới. Tuy vậy, phần lớn giới phân tích đều nhận định trong năm 2016, chênh lệch cung – cầu sẽ khó được cải thiện, nếu không muốn nói còn tội tệ hơn năm nay.

“Nguồn cung khổng lồ từ OPEC đang là vấn đề lớn nhất. Và với việc sản lượng từ Iran chắc chắn sẽ tăng mạnh sau khi lệnh cấm vận của phương Tây đối với nước này được dỡ bỏ vào đầu năm tới. Chúng tôi không thấy yếu tố tích cực nào đối với dầu thô trong năm 2016”. Tim Evans, chuyên gia cao cấp tại Citi Futures, cho hay.

Nghi Điền

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến