Dòng sự kiện:
Lo tăng trưởng âm, chuyên gia đề nghị thêm gói kích cầu
27/09/2021 16:36:22
Dự báo tăng trưởng quý 3 có thể âm, chuyên gia kinh tế đề nghị mở rộng các gói hỗ trợ, kích cầu nền kinh tế, chấp nhận tỷ lệ bội chi ngân sách cao hơn.

Sáng 27/9, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế- xã hội.

Dự báo tăng trưởng quý 3 có thể âm

Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV Cấn Văn Lực đồng tình với dự báo Bộ KH-ĐT, tăng trưởng kinh tế năm nay chỉ khoảng 3,5-4%.

Ông Lực cho hay, theo tính toán cụ thể, quý 3 dự báo tăng trưởng có thể âm 2%. Vì vậy muốn đạt tăng trưởng cả năm 3,5% thì quý 4 phải tăng 3,9%; nếu GDP cả năm 4% thì quý 4 phải tăng trưởng khoảng 5%.

Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV Cấn Văn Lực

Nếu kiểm soát tốt dịch bệnh thì GDP năm 2022 khoảng 6,5-7% là khả thi. Khi kinh tế phục hồi, lạm phát năm tới sẽ tăng lên do sức cầu tăng, cung tiền tương đối lớn.

Điểm lại tình hình thời gian qua, ông Lực cho rằng chính sách hiện thiếu nhất quán, giật cục, thay đổi rất nhanh và nhiều nên doanh nghiệp bị động. Trong khi việc sửa những bất cập chính sách chậm, nên tăng chi phí, gây đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất ở nhiều doanh nhiều, địa phương khác nhau.

Thêm vào đó là câu chuyện cải cách, hoàn thiện thể chế đang bị chậm lại; thể chế cho mô hình kinh tế số rất chậm.

Ngoài ra, cơ cấu lại nền kinh tế đang chững lại. Ví dụ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, nếu làm tốt đã có thêm 39.000 tỷ năm nay bổ sung cho nguồn vốn ngân sách. Ngoài ra, nguồn thu ngân sách đang thiếu hụt lớn.

TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cũng nhận định, nhìn vào mức tiêu thụ điện thì có thể thấy phạm vi toàn quốc, 2 tuần đầu tháng 9 so với thời kỳ trước giãn cách thì mức độ tiêu thụ điện giảm khoảng 25%, riêng miền Nam giảm gần 30%, cho thấy tốc độ tăng trưởng quý 3, chắc chắn sẽ tương đối thấp so với các quý trước.

Hay nhìn vào doanh số bán lẻ, nếu như mức giảm của tháng 5, 6 tương đối thấp thì đến tháng 7 mức giảm khoảng 20% và đến tháng 8 là 33% cho thấy, tình trạng kinh tế trong quý 3 và các quý tới sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Nếu chúng ta không mở cửa bán tự động nền kinh tế cho phép giao thương và đi lại thì nguy cơ nền kinh tế bị đứt gãy, sụp đổ là rất lớn”, TS. Vũ Thành Tự Anh cảnh báo.

Mở rộng gói hỗ trợ tiền điện, viễn thông 

Về giải pháp trong thời gian tới, ông Cấn Văn Lực cho rằng, cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện các gói hỗ trợ người dân, DN đã ban hành. Chính phủ chỉ đạo khẩn trương rà soát, đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện các gói hỗ trợ đến thời điểm hiện tại và tiến hành tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Trong đó cần đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết 68 và sửa đổi, tháo gỡ các vướng mắc; cần thiết phải có thời hạn thực hiện cụ thể. Các chính sách này cùng với các gói giảm phí, lệ phí khác nên được tính toán để gia hạn, ít nhất là đến khi Việt Nam đạt tỷ lệ tiêm chủng người lớn 70% (hết quý 2/2021)…

Ngoài ra, Chính phủ xem xét ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo, với tổng giá trị bổ sung khoảng gần 40 nghìn tỷ đồng (0,62% GDP năm 2020), chưa kể giá trị các gói hỗ trợ hiện tại có thể còn gia tăng khi được điều chỉnh, gia hạn.

Tọa đàm sáng 27/9 

Cụ thể như mở rộng đối tượng hỗ trợ người lao động tới tất cả lao động phi chính thức (lao động tự do) với mức trợ cấp 1 triệu đồng/người với quy mô 29.300 tỷ đồng (khoảng 29,3 triệu người, chiếm 53,7% lực lượng lao động là lao động tự do), ngoài phần hỗ trợ riêng của các địa phương theo Nghị quyết 68. Đồng thời, cần tăng cường ứng dụng CNTT trong khâu đăng ký, thẩm định và chuyển tiền cho dân như cho phép đăng ký qua mạng…

Với gói hỗ trợ tiền điện nên mở rộng đối tượng và giảm mạnh hơn cho người dân và DN, tương đương năm năm 2020 (khoảng 10.900 tỷ đồng). Theo đó, EVN có thể xem xét mở rộng đối tượng được giảm, với ngân sách giảm bổ sung khoảng 7.750 tỷ đồng.

Với gói hỗ trợ viễn thông nên thiết thực hơn để nhiều người có thể tiếp cận và được hưởng, chẳng hạn nên giảm giá cước 20-30% trong 3 tháng, thay vì cách hỗ trợ bằng nâng cấp hạ tầng, khuyến mại cho một số đối tượng như hiện nay.

Ông cũng lưu ý, ngoài gói hỗ trợ 21,3 nghìn tỷ đồng Thường vụ Quốc hội đã thông qua; cần tăng khả năng tiếp cận vốn hỗ trợ thanh khoản cho các doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước tăng cường cho vay tái cấp vốn, tiếp tục linh hoạt hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng để họ có thêm nguồn lực giảm lãi suất, cung ứng tín dụng hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.

“Sớm xây dựng chiến lược, kịch bản phòng chống dịch trong điều kiện mới và phục hồi, phát triển KTXH trong bối cảnh “bình thường mới”, cần có các động lực tăng trưởng mới và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô nhằm chủ động tận dụng cơ hội phục hồi mạnh cũng như kiểm soát rủi ro”, ông Lực nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo ông Lực, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo sớm xây dựng thể chế, hành lang pháp lý cho quản lý, phát triển kinh tế số, xã hội và chính quyền số.

“Chuyển đổi số thành công có thể giúp GDP Việt Nam tăng trưởng thêm từ 0,53-1,85 điểm % từ nay đến năm 2030”, ông phân tích…

Bối cảnh bất thường cần quyết tâm bất thường

TS. Vũ Thành Tự Anh cũng đề nghị giải ngân hiệu quả nhất gói an sinh xã hội và các gói hỗ trợ, phê chuẩn triển khai ngay gói miễn giảm thuế; khởi động lại các dự án đầu tư công.

“Vào năm 2022, tôi nghĩ Quốc hội kiên quyết trong việc chấp nhận có một gói hỗ trợ nền kinh tế và kích cầu cao hơn nhiều so với năm 2021, chấp nhận tỷ lệ bội chi ngân sách cao hơn. Trong điều kiện lãi suất giảm, trái phiếu đang giảm, tỷ lệ bội chi ngân sách đang trong tầm kiểm soát, thì trong bối cảnh bất thường cần có một quyết tâm bất thường. Đó là chấp nhận tỷ lệ bội chi ngân sách cao hơn”, ông nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cần một khung chiến lược phát triển, đặc biệt là nhận dạng được các động lực mới.

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương Võ Trí Thành

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, TS Võ Trí Thành cho rằng, gói hỗ trợ cho chương trình phục hồi hai năm tới phải bảo đảm các yếu tố: Vượt khó, bắt nhịp đà phục hồi kinh tế thế giới và dù là gói ngắn hạn nhưng chương trình hai năm cũng phải bắt nhịp với những xu thế lớn của thế giới.

Đó là tiêu dùng, lối sống, cuộc cách mạng công nghiệp, cách mạng công nghệ, năng lượng và quản trị rủi ro trong một thế giới rất bất định.

Cho rằng, phải mất 2 năm nữa, TP.HCM mới có thể quay lại như khi trước dịch, ông Thành lưu ý, chương trình phục hồi phải gồm rất nhiều nội dung: Cải cách thể chế, môi trường kinh doanh, đầu tư; hạ tầng; hỗ trợ DN; đào tạo; lao động; chuyển đổi số…

Một bài học nữa là lúc “nước sôi lửa bỏng” này, Quốc hội, Chính phủ ra nghị quyết thì cố gắng đưa ra giải pháp luôn.

Tác giả: Thu Hằng

Theo: Vietnamnet
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến