Mặc 'hội chứng cá vàng', Mazda vẫn lãi khủng
14/11/2015 08:59:39
ANTT.VN – Doanh số tăng trưởng mạnh ở tất cả các thị trường quan trọng đã giúp Mazda kết thúc nửa đầu năm tài chính 2015 - 2016 với kết quả tích cực.

Tin liên quan

Trụ sở Mazda tại Mỹ. Ảnh: Reuters

Tăng trưởng ấn tượng

Theo báo cáo tài chính (BCTC) vừa được công bố, doanh thu của hãng xe Nhật trong 6 tháng (bắt đầu từ 01/03/2015 đến 30/09/2015) tăng 17% so với cùng kì năm trước lên mức 1.700 tỉ Yen (13,94 tỉ USD), lợi nhuận đạt 125,9 tỉ Yen, tăng 21,1%.

Doanh số bán xe trong 6 tháng vừa qua đạt 764.000 chiếc - tăng 14,2% so với cùng kì, phần lớn nhờ mức tiêu thụ ấn tượng của mẫu CX-5. Bên cạnh đó, sự kiện ra mắt CX-3 thế hệ mới cùng mẫu xe thể thao MX-5 cũng đã và đang tạo được hiệu ứng tốt trên toàn cầu.

Hãng xe Nhật vẫn tập trung vào thị trường nội địa. Mazda cho biết mặc dù nhu cầu toàn thị trường Nhật Bản đi xuống trong nhiều tháng qua, doanh số của công ty này vẫn tăng mạnh 32,9 % lên mức 120.000 xe, chủ yếu nhờ các dòng Mazda2 và CX-3.

Thị trường Bắc Mỹ - thị trường lớn nhất của Mazda, chiếm gần 40% doanh số năm ngoái - tiêu thụ được 233.000 xe, tăng nhẹ 3,1% so với cùng kì năm 2014.

“Doanh số tăng lên ở Bắc Mỹ chủ yếu do sức cầu tốt đối với mẫu Mazda6 và CX-5 ở Mỹ. Ngoài ra chúng tôi cũng đạt được tăng trưởng và thị phần ngày càng ấn tượng ở Mexico”, Masamichi Kogai – đại diện của Mazda cho biết.

Thị trường châu Âu và Trung Quốc cũng tăng trưởng ấn tượng với tốc độ lần lượt là 8,2% và 15,9%, giúp hãng xe Nhật bán được tổng cộng 233.000 xe.

Ở các thị trường khác, bao gồm Việt Nam, doanh số của hãng xe Nhật tăng 23,6% lên mức 178 nghìn xe, phần lớn nhờ sức tiêu thụ mạnh mẽ của các mẫu CX-3 và CX-5.

“Tình hình kinh doanh khởi sắc ở Australia cũng như những thị trường mới nổi như Việt Nam và Colombia đã góp phần đáng kể vào mức tăng này”, Mazda viết.

Mazda 3 góp phần quan trọng giúp hãng xe Nhật cạnh tranh sòng phẳng với "đồng hương" Toyota ở thị trường Việt Nam. Ảnh: Otosaigon

Riêng tại Việt Nam, 8.175 xe mang nhãn hiệu Mazda cũng được tiêu thụ trong nửa đầu năm 2015 - gần bằng doanh số cả năm 2014 (đạt 9.438 xe).

Kết quả này giúp Mazda nắm giữ 13% thị phần trong nước, duy trì vị trí Top 5 thương hiệu xe có doanh số bán cao nhất trên thị trường ô tô du lịch Việt Nam.

Ba mẫu xe giúp Mazda “trỗi dậy” tại Việt Nam và Mazda 3, CX-5 và BT-50 với doanh số lần lượt là 2.536, 2.018 và 2.000 xe.

Lỗi “Cá vàng”

Liên quan tới việc mẫu xe Mazda 3 All-New 1.5L bị lỗi ở bình nhiên liệu có thể làm sáng đèn báo cần kiểm tra động cơ (Check engine – còn gọi là lỗi “cá vàng”) đang gây xôn xao dư luận trong thời gian qua, đại diện Mazda Việt Nam cho biết lỗi này có thể khiến nhiên liệu từ bình chứa chảy vào bộ lọc khí thải bằng than, gây tình trạng rò rỉ xăng và dẫn đến nguy cơ cháy xe. Đồng thời, lỗi này cũng có thể khiến đèn báo kiểm tra động cơ trên xe bật sáng.

Hãng xe này đã phải thu hồi 15.000 xe ở nhiều nước vì lỗi “cá vàng” để khắc phục, tuy nhiên đại diện Mazda tại Việt Nam khẳng định “lỗi do van ngắt nhiên liệu bình xăng của các xe Mazda3 xuất hiện tại thị trường Mỹ không xảy ra trên các xe Mazda3 đã, đang bán ra thị trường Việt Nam trong thời gian qua và không nằm trong diện triệu hồi”.

Về phía Mazda Nhật Bản, công ty này cho biết quá trình phân tích đang được tích cực thực hiện như thu thập các dữ liệu liên quan các xe Mazda3 và gửi về phòng nghiên cứu của Tập đoàn Mazda tại Nhật Bản để phân tích và tìm ra nguyên nhân chính xác dẫn đến hiện tượng lỗi này nhằm đưa ra giải pháp xử lý triệt để.

“Theo nhận định ban đầu từ các kỹ sư của chúng tôi, nguyên nhân chính là do kim phun bị tắc dẫn đến hòa khí bị nghèo và đèn báo bật sáng. Kết quả cuối cùng sẽ được thông báo đến cho các khách hàng cũng như các cơ quan truyền thông trong thời gian sớm nhất”, đại diện tập đoàn Mazda Nhật Bản cho biết.

Phóng viên ANTT.VN đã liên hệ với Mazda Nhật Bản về "hội chứng cá vàng" và sẽ thông tin đến bạn đọc...

Nghi Điền

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến