Moody’s hạ bậc tín nhiệm của Nhật Bản
02/12/2014 14:49:25
ANTT.VN - Moody’s vừa hạ bậc tín nhiệm của Nhật Bản từ mức Aa3 xuống A1 do những lo ngại xung quanh tình trạng bấp bênh trong tăng trưởng kinh tế của nước này.
Tin liên quan
Ngay sau công bố của Moody’s, đồng Yên Nhật đã trượt xuống mức thấp nhất trong 7 năm qua. Đây được coi là tín hiệu không tốt trước ngày Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe khởi động chiến dịch bầu cử nhằm kêu gọi sự ủng hộ của dân chúng với chính sách kinh tế của mình.
yen_nhat_ban
Đồng Yên Nhật đã trượt xuống mức thấp nhất trong 7 năm qua
Những nguyên nhân cơ bản dẫn đến hành động này của Moody’s là:

1. Không chắc chắn về việc Nhật Bản sẽ đạt đươc các mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách

Nguyên nhân đầu tiên cho việc hạ tín nhiệm với chính phủ Nhật Bản xuống A1 là sự không chắc chắn rằng chính phủ có thể đạt được mục tiêu giảm thâm hụt trong trung hạn hay không, và liệu các nhà hoạch định chính sách có thể vượt qua những căng thẳng về vốn trong việc thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời ổn định và ngăn chặn sự gia tăng nợ hay không.
Ngân hàng Nhật Bản vẫn duy trì cam kết nới lỏng chính sách tiền tệ, với một số tác động tích cực đến chỉ số lạm phát CPI. Tuy nhiên, trong khi việc nới lỏng chính sách tiền tệ đẩy tổng cầu trong nước tăng lên thì việc tăng thuế tiêu thụ vào ngày 01 tháng 4 năm 2014 lại gây ra áp lực suy giảm kinh tế lớn hơn. Ít nhất là trong ngắn hạn, việc giảm thâm hụt ngân sách đang phá hoại các mục tiêu phục hồi tăng trưởng trong chiến lược kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe (Abeconomics).
Trước áp lực tăng trưởng kinh tế, Chính phủ Nhật Bản đã công bố hoãn đợt tăng thuế tiêu dùng lần thứ 2, tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc áp lực đang chuyển sang việc giảm thâm hụt ngân sách trong ngắn hạn. Thâm hụt ngân sách và nợ của Nhật Bản vẫn còn rất cao, và việc củng cố tài chính sẽ trở nên ngày càng khó khăn do tăng chi tiêu chính phủ, đặc biệt là cho các chương trình xã hội khi dân số Nhật Bản đang già đi nhanh chóng.

2. Không chắc chắn về thời gian cũng như hiệu quả của việc tăng cường các biện pháp cho chính sách tăng trưởng và chống lại áp lực giảm phát

Nguyên nhân thứ 2 của việc hạ tín nhiệm là sự không chắc chắn về khả năng của Chính phủ Nhật Bản về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong trung hạn thông qua cải cách cơ cấu kinh tế- 'mũi tên' thứ ba của Abenomics - thành công của chiến lược này là cực kỳ quan trọng trong củng cố tài chính. Một số chỉ số cho thấy, tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế là khá thấp.
Tăng trưởng GDP đã co lại đáng kể trong quý II năm nay sau khi áp thuế tiêu thụ lần đầu tiên. Cả GDP thực và danh nghĩa tiếp tục giảm trong quý ba (giảm 0,4 % so với Quý II) của năm, đưa nền kinh tế của Nhật Bản vào suy thoái lần thứ ba kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Các biện pháp cải cách cơ cấu đáng chú ý nhất được thực hiện cho đến nay đó là việc giảm thuế doanh nghiệp vào đầu năm 2015. Tuy nhiên, những luật định cụ thể vẫn chưa được công bố, và các tác động đối với doanh nghiệp do đó vẫn còn chưa rõ ràng.

3. Hiệu quả của các chính sách của chính phủ chưa thực sự rõ ràng sẽ làm suy giảm khả năng trả nợ

Gánh nặng nợ sẽ phụ thuộc vào việc các nhà đầu tư có sẵn sàng cung cấp các khoản vốn tại mức lãi suất có thể chịu đựng được cho chính phủ Nhật hay không. Điều này sẽ có khả năng xảy ra miễn là niềm tin của nhà đầu tư không bị giảm sút. Thị trường trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB) được đặc trưng bởi mức lãi suất thấp và ổn định bất chấp sự gia tăng đặc biệt về các khoản nợ từ những năm 1990. Và lãi suất JGB vẫn còn thấp và ổn định bất chấp một số đợt khủng hoảng, bao gồm cả cuộc khủng hoảng 1997-1998 của tài chính Nhật Bản, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và trận sóng thần năm 2011 cũng như thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Tuy nhiên, những nỗ lực của ngân hàng Nhật Bản để tăng lạm phát lên 2% có thể gây áp lực lên lợi suất trái phiếu chính phủ và do đó làm tăng chi phí đi vay của chính phủ. Lãi suất tăng sẽ làm tăng chi phí và bù đắp lợi nhuận từ doanh thu.

Cơ sở của xếp hạng A1 và triển vọng ổn định của kinh tế Nhật Bản

Dù phải đối mặt với những thách thức chính phủ, Nhật Bản vẫn giữ được sức mạnh tương đối của tín dụng. Xếp hạng A1 và triển vọng ổn định được minh chứng bởi sự đa dạng trong nền kinh tế Nhật mà theo Moody’s đánh giá, đây vẫn là nền kinh tế có sức mạnh lớn. Thặng dư tài chính khu vực tư nhân vẫn còn khá dư giả để tài trợ cho thâm hụt ngân sách chính phủ mà không phải dùng đến nguồn tài trợ bên ngoài.
Mặc dù nhu cầu tài chính chính phủ của Nhật Bản lớn hơn nhiều so với chính phủ các nước tiên tiến khác, những rủi ro bất ngờ về tài chính tại nước này vẫn ở mức thấp. Ngân hàng và các công ty của Nhật Bản đã dần khôi phục tiềm lực về vốn cũng như giảm nợ trong những năm gần đây. Nợ hộ gia đình đang ở mức vừa phải và vẫn giữ ổn định trong thập kỷ qua. Và mặc dù tăng trưởng kinh tế thấp, thị trường lao động của Nhật Bản vẫn khá lạc quan, chẳng hạn như mức thất nghiệp thấp, tiền lương danh nghĩa và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động nói chung có thể so sánh với các nền kinh tế tiên tiến khác.
Chiếm hơn 60% GDP vào năm 2013, đầu tư quốc tế ròng của Nhật Bản lớn hơn nhiều so với bất kỳ nước công nghiệp G-20 nào. Thu nhập từ đầu tư bên ngoài khá lớn của Nhật Bản đã giúp duy trì thặng dư tài khoản vãng lai, mặc dù điều này đã giảm bớt do thay đổi trong mức thâm hụt thương mại là một phần nguyên nhân của nhu cầu nhập khẩu năng lượng sau sự cố sóng thần 2011 và thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Linh Trang (Theo Moody's)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến