Dòng sự kiện:
‘Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy’: Đạo lí truyền thống người Việt
17/02/2018 20:20:43
Câu nói “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” được nhiều người nhắc nhở nhau mỗi dịp Tết đến xuân về. Đó là một truyền thống đạo lí tốt đẹp ngàn năm của dân tộc Việt Nam.

Mỗi dịp Tết đến Xuân về, câu nói “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” lại trở nên quen thuộc hơn bao giờ hết. Qua đó, để mọi người nhắc nhở nhau về những trình tự lễ nghi cần thực hiện đúng và đủ trong 3 ngày Tết, đồng thời, gợi nhớ truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc ta.

Trong văn hóa của người Việt, Tết là dịp lễ quan trọng và thiêng liêng nhất trong năm. Và trong chính thời khắc trọng đại này, ta nhớ đến 3 người có ý nghĩa quan trọng nhất đối với cuộc đời của mỗi con người, đó là người cha, người mẹ và người thầy.

Tết là dịp để mỗi người tỏ lòng hiếu kính đối với đấng sinh thành (Ảnh: Internet)

Tết không những là dịp để sum họp, đoàn tụ, còn là dịp để con cháu thể hiện tấm lòng hiếu thảo, lễ nghĩa với ông bà, bố mẹ, như tục ngữ Việt Nam có câu  “Công cha như núi Thái Sơn – Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.

Ngoài đấng sinh thành, người thầy có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tâm thức của người Việt Nam, người thầy được ví như những người “lái đò” tận tụy chở học trò đến bến bờ tri thức.

Từ xa xưa, ông cha ta đã răn dạy con cháu: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, có nghĩa người dạy ta một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy.

Mùng 2 là ngày Tết mẹ (Ảnh: Internet)

Những đạo lí ấy ăn sâu vào dòng máu của người Việt, để mỗi dịp lễ Tết, mỗi người có cơ hội tỏ bày sự hiếu nghĩa với những người đặc biệt quan trọng trong đời.

“Mùng 1 Tết cha” có nghĩa các gia đình sẽ ăn Tết ở nhà nội vào ngày mùng 1”. Trong ngày đầu tiên của năm mới, cả đại gia đình gồm vợ chồng, con cái, anh em ruột thịt sẽ tập trung ở nhà nội để cúng bái gia tiên mừng năm mới và chúc Tết ông bà, cha mẹ để tỏ lòng thành kính.

“Gia đình chúng tôi xưa nay vẫn ăn Tết theo truyền thống, cứ ngày mùng 1 thì cả gia đình lớn, dù các con cháu đã ra ở riêng vẫn đưa nhau về tề tựu đông đủ ở nhà nội, tức là nhà bố tôi để ăn tết. Tại đây, sau lễ cúng bái gia tiên, mọi người sẽ quây quần bên nhau ăn bữa cơm mừng ngày đầu năm mới, ôn lại những chuyện cũ và chia sẻ những kế hoạch trong năm mới cho nhau nghe. Con cháu sẽ chúc tụng, mừng tuổi để ông bà, bố mẹ luôn mạnh khỏe. Còn người lớn thì cũng sẽ phát lì xì cho các cháu nhỏ để mong các cháu may mắn, trưởng thành, học hành thành đạt.

Mùng 3 Tết thầy (Ảnh: Internet)

Sau ngày mùng 2, tôi thường đưa vợ con về nhà ngoại để chúc Tết bố mẹ và họ hàng bên vợ. Ngày thứ 3 thì sẽ đi thăm thầy cô, bạn bè ở trường lớp cũ. Đây là chuyện lễ nghĩa và thể hiện cái đạo của mỗi con người”, anh Đức Thành (Thanh Hóa) chia sẻ.

Sau Tết cha là “Mùng 2 Tết mẹ”, tức là ăn Tết ở nhà ngoại. Đây là dịp được nhiều người mong đợi nhất trong năm, đặc biệt là đối với những người phụ nữ lấy chồng xa. Họ mong ngóng, nôn nao để được trở về quê mẹ, về với nơi mình từng chôn nhau, cắt rốn để bày tỏ yêu thương và biết ơn đối với đấng sinh thành.

Với một số dân tộc như Thái và Mường, ngày mùng 2 Tết, người con gái đi lấy chồng phải mang đồ lễ gồm có xôi, gà luộc, bánh chưng về thắp hương lên bàn thờ, báo cáo với tổ tiên và xin được phù hộ sức khỏe, bình an cho gia đình người con gái. Để tỏ thành thành kính và hiếu nghĩa, gia đình con gái thường sắm quà Tết để biếu tặng nhà ngoại, quà lớn hay nhỏ tùy thuộc vào điều kiện mỗi người.

“Mẹ tôi đã mất nhiều năm rồi. Mỗi dịp Tết đến, lòng tôi trĩu nặng vì nhớ và thương mẹ. Dù không thể trực tiếp quây quần ấm áp cùng con cháu trong ngày lễ Tết. Đến ngày mùng 2, tôi chuẩn bị mọi đồ lễ và thắp hương lên bàn thờ của mẹ. Tôi tin mẹ tôi sẽ được an ủi và việc đó cũng khiến tôi thấy an lòng hơn”, chị Đỗ Quyên (Hà Nội) cho biết.

Xong Tết cha, Tết mẹ, thì ngày mùng 3 sẽ là Tết thầy. Những học trò cũ thường đến nhà thầy cô giáo hoặc tổ chức họp lớp, không chỉ để bày tỏ lòng biết ơn đối với những người thầy đã dạy dỗ mình, mà còn muốn gặp lại bạn bè, chúc tụng nhau năm mới vạn sự như ý, và cùng nhau ôn lại chuyện thuở nào.

Ngày nay, thời đại nhiều đổi thay, cách thức để bày tỏ tình cảm cũng đã ít nhiều khác xưa. Ngày lễ Tết, có thể có những người vì hoàn cảnh cá nhân không thể trực tiếp đi Tết cha mẹ, thầy cô được nhưng họ không quên gửi lời hỏi thăm, chúc tụng sức khỏe, bình an trong năm mới đến.

Trong tâm thức của người Việt, Tết là sum vầy, là nghĩa tình và hướng về nguồn cội. Và câu nói “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” chính là nói đến truyền thống tốt đẹp ấy của dân tộc ta.

 Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến