Ngân hàng chuyên đi 'cứu trợ' của Tổng thống Putin cần được giải cứu
30/12/2015 16:27:57
Nhiều năm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin dùng ngân hàng Vnesheconombank (VEB) để tài trợ cho “các dự án đặc biệt”. Giờ đây, ngân hàng nhà nước chuyên đi cứu trợ các dự án trong nước này lại đang rất cần được giải cứu.

Tin liên quan

Một tấm biển quảng cáo Vnesheconombank ở ngoài trụ sở ngân hàng này tại Moscow (Nga). (Ảnh: Reuters)

Theo Bloomberg, cứu trợ ngân hàng nhà nước Vnesheconombank có thể là kế hoạch đắt đỏ nhất của Điện Kremlin. VEB là định chế tài chính lớn dưới chính quyền tổng thống Nga đương nhiệm, với sự hỗ trợ của chính phủ, nhà băng này từng gây quỹ lên đến hàng tỉ rúp với lãi suất thấp tại thị trường các nước phương Tây, rồi bơm tiền vào các quỹ, dự án mà Điện Kremlin muốn tài trợ, chẳng hạn như Thế vận hội Sochi hồi năm 2014.

Sau khi lệnh trừng phạt phương Tây áp đặt lên Nga hồi năm ngoái, VEB đã ngừng cho vay mới. Chi phí gói cứu trợ nhà băng này có thể lên đến 1.300 tỉ rúp (RUB), tương đương 18 tỉ USD, theo một số quan chức cấp cao của chính phủ. Khoản tiền cứu trợ này sẽ càng làm thâm hụt ngân sách của quốc gia đang chật vật cắt giảm chi tiêu vì giá dầu thô lao dốc.

“Chính phủ không thể để ngân hàng này một mình đối mặt với nhiều vấn đề phát sinh bởi tình hình kinh tế và tài chính quốc gia, mà nói một cách cụ thể hơn, đó là áp lực từ các lệnh trừng phạt khác nhau”, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nói với Hội đồng quản trị VEB tại buổi họp về kế hoạch giải cứu nhà băng hôm 22.12.

Vnesheconombank khởi động dưới thời Vladimir Lenin, dưới dạng một ngân hàng tài trợ thương mại nước ngoài. Đến năm 2007, Tổng thống Nga Vladimir Putin đại tu nhà băng và từ số tiền thu được từ giá dầu cao, ông bơm 180 tỉ RUB, khi đó tương đương 7,3 tỉ USD, để tăng vốn cho ngân hàng và giữ ghế chủ tịch một năm sau đó.

“Ông Putin khi ấy tin rằng các tập đoàn nhà nước mà ông lập ra sẽ trở thành một tổ chức hỗ trợ phát triển”, giống như các ngân hàng nhà nước ở Đức và Nhật Bản, ông Alexei Kudrin, Bộ trưởng Tài chính Nga vào thời điểm đó, cho hay.

8 năm qua, VEB là hình ảnh thu nhỏ của hệ thống kết hợp các yếu tố của thị trường tài chính với sự kiểm soát chặt chẽ từ Điện Kremlin. Ngân hàng tài trợ hàng tỉ RUB cho các dự án công nghiệp và cơ sở hạ tầng vào những ngày mà giá dầu còn cao và tín dụng nước ngoài vẫn dễ dàng.

Khi toàn cầu rơi vào khủng hoảng tài chính năm 2008, VEB trở thành công cụ chính để ông Putin quản lý các cú sốc đến với nền kinh tế nước nhà. VEB nhận 1.250 tỉ RUB, tương đương 50 tỉ USD hồi năm 2009, từ chính phủ và ngân hàng trung ương để vực dậy thị trường chứng khoán, giúp các ngân hàng và các nhà tài phiệt làm ăn thất bát không mất công ty vào tay chủ nợ nước ngoài.

Nhờ sự phục hồi của giá dầu, kinh tế Nga nhanh chóng thoát khỏi khó khăn. Đến năm 2009, bảng cân đối của VEB đã tăng gấp ba lần so với trước khi được ông Putin đại tu.

Tuy nhiên, những điều kể trên là câu chuyện của quá khứ. Hiện tại, lệnh trừng phạt mà Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lên Nga từ năm 2014 đã và đang cắt đứt khả năng truy cập vào các thị trường tài chính quốc tế của VEB, khiến nhà băng đối mặt với khoản nợ nước ngoài lên đến 16 tỉ USD khi RUB bắt đầu giảm. Cùng lúc đó, giá dầu lao dốc đẩy Nga vào suy thoái, làm nhiều dự án của VEB chìm sâu vào thua lỗ.

Đầu tháng này, ông Putin cho hay nhiều cơ quan phát triển “đã biến thành bãi rác cho các khoản nợ xấu”. Các quan chức Nga cho rằng nhận định trên chỉ rõ vào tình cảnh của ngân hàng VEB. VEB đối mặt khoản nợ 7,3 tỉ USD cần phải trả trong những năm tới và hiện chỉ có nguồn hỗ trợ tài chính duy nhất: chính phủ Nga.

Trong tháng này, cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin cũng hội đàm với Tổng thống Putin về việc quay lại vị trí cao cấp trong bộ máy, nhằm giúp nước Nga xoay sở với khó khăn kinh tế ngày càng chồng chất. Sự trở lại của ông Kudrin có thể được một số doanh nghiệp và nhà đầu tư chào đón.

Theo Thu Thảo – Báo Thanh Niên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến