Áp lực xử lý nợ xấu sẽ tăng cao trong năm 2021 khi Thông tư 01 chưa được sửa đổi. Ảnh: Dũng Minh
Điểm nghẽn chính trong dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 01/2020/TT-NHNN tính đến lúc này là: “Cho phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không tính số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Thông tư 01 khi thực hiện phân loại nợ đối với nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ quy định tại Thông tư 01 nhưng khách hàng không trả được nợ theo thời hạn cơ cấu lại” và cần được Bộ Tài chính chấp thuận.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Bùi Anh Dũng, Phó tổng giám đốc SCB cho biết: “Quá trình làm việc với khách hàng phải tuân thủ theo quy trình do Hội sở ban hành, quy trình của Hội sở thì phải tuân theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Thực tế, việc cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng ban đầu khá thuận lợi, nhưng sau một thời gian đã bộc lộ những điểm không còn phù hợp với tình hình thực tế nên việc ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 là cần thiết”.
Về phía Bộ Tài chính, mặc dù đồng ý với quan điểm của Ngân hàng Nhà nước cho phép hoãn, giãn, không chuyển nhóm nợ của doanh nghiệp, nhưng cơ quan này vẫn đưa đề nghị các ngân hàng phải đánh giá thực trạng, thực chất khoản nợ, cụ thể là phân loại đúng tính chất nợ, trích lập dự phòng đầy đủ để hạn chế những rủi ro, ảnh hưởng đến hệ thống sau này.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo cao cấp một ngân hàng cổ phần cho rằng, Bộ Tài chính dường như vẫn cho là hoạt động kinh doanh của các ngân hàng vẫn “êm”, nhưng thực tế là các ngân hàng chỉ được tạm thời “đóng gói” các khoản nợ, thậm chí không trích lập dự phòng theo Thông tư 01, nên mới có lợi nhuận công bố tốt thời gian qua.
“Thông tư 01 chưa thể sửa đổi, bổ sung sẽ khiến áp lực xử lý nợ xấu tăng rất cao trong năm 2021. Cụ thể hơn, các ngân hàng sẽ buộc phải trích lập dự phòng rủi ro cho những khoản nợ xấu vốn ‘tạm lắng’ bởi Thông tư 01 khiến lợi nhuận bị ảnh hưởng. Việc không có lợi nhuận cao khiến thuế nộp về Nhà nước giảm chỉ là một chuyện, nhưng quan trọng hơn là nền kinh tế sẽ thiếu bệ đỡ để gượng dậy sau đại dịch”, vị này nói.
Một thông tin đáng chú ý đến từ Báo cáo Đánh giá thường niên về ngân hàng toàn cầu của McKinsey vừa công bố ngày 9/12/2020 cho biết, lũy kế đến quý III/2020, trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng trên toàn cầu là 1.150 tỷ USD, cao hơn mức trích của cả năm 2019.
“Nhìn từ con số này có thể thấy mức độ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến hệ thống ngân hàng toàn cầu là khủng khiếp và hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng không là ngoại lệ”, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước nói.
Được biết, cuối tháng 11 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã cử một đoàn công tác đến làm việc với các tổ chức tín dụng và một trong những trọng tâm là câu chuyện về Thông tư 01.
“Ngay tại thời điểm đó, qua câu chuyện với lãnh đạoNgân hàng Nhà nước, chúng tôi đã nhìn thấy khả năng không thể ban hành được Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 01, nên Ngân hàng Nhà nước phải làm việc với các ngân hàng nhằm ghi nhận thêm tình hình, đồng thời bày tỏ sự lo lắng về nợ xấu trong thời gian tới”, giám đốc nguồn vốn một ngân hàng cổ phần cho hay.
Trong cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, các lãnh đạo ngân hàng đều chung nhận định rằng, Bộ Tài chính đang thể hiện sự cứng nhắc, thiếu sẻ chia với hoạt động của ngân hàng và doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh.
“Dự thảo Thông tư 01 đã được Ngân hàng Nhà nước chỉnh sửa theo chỉ đạo của Chính phủ, chuyển sang lấy ý kiến Bộ Tài chính. Tuy nhiên, nhiều khả năng Bộ Tài chính vẫn sẽ giữ quan điểm cũ và như vậy chưa biết khi nào sẽ ban hành được văn bản này”, vị lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước nói.
Tại Ðại hội đại biểu Ðảng bộ cơ quan Ngân hàng Trung ương lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức giữa tháng 8/2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, 1 trong 5 giải pháp ngành ngân hàng cần tập trung để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi trước tác động của dịch bệnh là: “Ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN nhằm tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng”. Nhưng với tình hình này, có vẻ như ngân hàng và doanh nghiệp cứ “dài cổ” mà đợi!
Tác giả: Nhuệ Mẫn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy